15/05/2020 10:48 GMT+7

‘Kinh tế ảnh hưởng nặng nề’, Chính phủ báo cáo Quốc hội 2 kịch bản

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Theo các kịch bản này, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 4,5-5,4% với điều kiện các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng khống chế được dịch bệnh trong quý III hoặc quý IV.

‘Kinh tế ảnh hưởng nặng nề’, Chính phủ báo cáo Quốc hội 2 kịch bản - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng nay (15-5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, những tháng đầu năm 2020.

Việt Nam khó khăn giữa toàn cầu suy thoái

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết năm 2019, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, GDP đạt 7,02%. Nhưng bước sang năm 2020, dịch COVID-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới và đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái.

Với nền kinh tế có độ mở lớn, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Quý I tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua.

Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh.

Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí…

Từ đánh giá, phân tích tình hình, Chính phủ xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng. Theo đó, trong trường hợp Việt Nam cơ bản khống chế dịch từ cuối tháng 4 và các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng cũng khống chế được dịch trong quý III thì dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2%.

Kịch bản thứ 2 là trường hợp các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam khống chế được dịch trong quý IV thì dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4%.

Chính phủ dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: GDP tăng khoảng 4,5%; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4%.

"Hai kịch bản đưa ra đã lường hết được vấn đề chưa? Thế giới họ dự báo dịch COVID-19 còn làn sóng thứ hai nữa, bây giờ mới là làn sóng thứ nhất. Cho đến khi có vắcxin thì chúng ta mới yên tâm. Như vậy, cần lường đến tình huống xấu hơn để có biện pháp đối phó" - Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.

Theo ông Hiển, ví dụ nói đến kích cầu thì hiện nay mới chỉ kích cầu trong nước chứ chưa thể kích cầu bên ngoài, cho nên nói kích thì phải kích cho đúng, bởi kích sai là "chết".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng mặc dù đến thời điểm này chúng ta phòng chống dịch bệnh tốt nhưng thế giới vẫn lao đao, các bạn hàng lớn vẫn đang lao đao trong dịch bệnh thì chúng ta buôn bán, trao đổi với ai? Ngành du lịch cũng chưa đón khách quốc tế vào được. 

Chúng ta chưa đánh giá hết được, tuy nhiên có thể khẳng định sẽ không thể đạt được tăng trưởng như kế hoạch, thu ngân sách cũng rất khó khăn. Lạc quan có mức độ nhưng phấn đấu phải tột độ" - bà Ngân nói.

Trong công tác điều hành, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị có lĩnh vực phải rút kinh nghiệm như điều hành xuất khẩu gạo do công tác tham mưu thiếu thống nhất, chưa chuẩn. Rồi điều hành giá thịt lợn, nhân dân nói là "giá thịt lợn chỉ giảm trên tivi".

Trung Quốc gia tăng bành trướng trên Biển Đông

"Vấn đề an ninh chủ quyền quốc gia và biến đổi khí hậu đã đẩy chúng ta đến chân tường rồi chứ không chỉ nói là ứng phó nữa" - trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy bày tỏ. Ông cảm thấy rất xót xa khi ở đồng bằng sông Cửu Long mỗi mùa nước hàng tỉ mét khối nước trôi ra biển, nhưng mùa khô thì khan hiếm nước ngọt.

"Bây giờ tặng bà con cái lu đựng nước là rất cần thiết nhưng không căn cơ, tôi cho rằng phải có những giải pháp để trữ nước ngọt" - ông Túy nói.

Đồng thời nêu vấn đề: "Trên Biển Đông, gần đây Trung Quốc lập các đơn vị hành chính, tăng cường quân sự hóa. Chúng ta phải có giải pháp, đặc biệt là giải thích cho nhân dân, dư luận hiểu, đồng thuận".

Báo cáo của Chính phủ có đoạn: "đại dịch COVID-19 dẫn đến xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc do xu hướng các nước dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam và căng thẳng Biển Đông sẽ gia tăng do Trung Quốc lợi dụng các nước đang tập trung chống dịch COVID-19 để gia tăng tầm ảnh hưởng và sự bành trướng trên Biển Đông".

ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2020 còn 4,8% vì dịch COVID-19 ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2020 còn 4,8% vì dịch COVID-19

TTO - Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm tốc đáng kể còn 4,8% do tác động của dịch COVID-19 và sự suy giảm thương mại toàn cầu, theo dự báo vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 3-4.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên