Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt: Lực lượng khoa học và công nghệ cần trang bị đủ năng lực và tiềm lực để đoán đầu các xu hướng mới, giải quyết được các vấn đề mới đặt ra trong thực tiến, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ - Ảnh: BỘ KH&CN
Trong thư gửi tới toàn ngành nhân ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2021, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: "Bối cảnh mới với các diễn biến phức tạp, khó đoán định của thế giới hiện đại và sự thay đổi chưa từng có tiền lệ trước tác động của cuộc cách mạng công nghệ mới và đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đòi hỏi chúng ta phải luôn chủ động, sáng tạo và linh hoạt thích ứng để ứng phó kịp thời.
Lực lượng khoa học và công nghệ cần trang bị đủ năng lực và tiềm lực để đoán đầu các xu hướng mới, giải quyết được các vấn đề mới đặt ra trong thực tiến, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ về đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội, tạo xung lực cho đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững".
Sử dụng phân tích thông tin dữ liệu lớn kết hợp dịch tễ học và các thực tiễn xã hội để cung cấp nhanh, kịp thời cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch, Hệ tri thức Việt số hoá đã tham gia hiệu quả truy vết, phát hiện ca bệnh, phòng chống dịch VOVID-19 hiệu quả - Ảnh: T.HÀ
Nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 của quốc gia
Bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn quốc tế, robot hỗ trợ y tế hoạt động trong khu vực cách ly, Việt Nam là một trong ba nước đầu tiên phân lập, nuôi cấy thành công vi rút, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp và thuốc kháng thể đơn dòng điều trị đặc hiệu, phát huy đề án Hệ tri thức Việt số hóa trong truy vết người tiếp xúc… là những thành tựu nổi bật của các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ Việt Nam đã góp phần tăng năng lực phòng chống COVID-19 tại Việt Nam trong năm vừa qua.
Đặc biệt, với sự tham gia chống dịch của Hệ tri thức Việt số hóa, năng lực công nghệ của Việt Nam đã thực sự phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Bộ phối hợp với các bộ, ngành phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong việc xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế. Đồng thời tham gia Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID 19 tập hợp, huy động các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu và kịp thời có các sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ,…
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, khi nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam nằm trong nhóm ít các quốc gia duy trì tăng trưởng dương, kiểm soát tốt dịch bệnh, đạt nhiều kết quả ấn tượng. Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong thành tựu chung đó, có đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép Chính phủ đề ra, theo đánh giá của Bộ Khoa học và công nghệ.
48% kinh phí chi cho khoa học và công nghệ là từ doanh nghiệp
Nhìn lại năm 2020, Bộ Khoa học và công nghệ cho rằng, những đổi mới tích cực nhất trong chính sách và hệ thống quy định pháp luật của lĩnh vực khoa học công nghệ là đã tập trung vào hoàn thiện đầu tư và cơ chế tài chính, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hoàn thiện chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng cán bộ, đặc biệt là nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam.
Cơ cấu chi cho KH&CN đã có sự thay đổi theo xu hướng tích cực: Chi từ ngân sách nhà nước là 52%, từ doanh nghiệp tăng lên 48%.
Với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển, năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vững thứ hạng 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận