Phán quyết của tòa sơ thẩm là Vietart thua kiện, có thể con đường kiện tụng còn tiếp tục. Tôi không có ý định tham gia bình luận ai sai ai đúng, hay phán quyết của tòa có hợp lý hay không, mà chỉ muốn đề cập đến một vấn đề tuy cũ mà lại rất mới: khởi kiện hành chính.
Google từ khóa "khởi kiện hành chính", bạn sẽ nhận được 97,9 triệu kết quả trong một giây. Nhưng trong suốt 10 trang kết quả, hầu như chỉ có các nội dung tư vấn và phân tích về trình tự, thủ tục khởi kiện hành chính của các công ty luật cũng như các văn bản pháp lý hướng dẫn về Luật Tố tụng hành chính 2015. Chỉ có một vài vụ kiện lẻ tẻ mà cấp bị kiện chủ yếu là phường, xã.
Vấn đề đặt ra là: hành lang pháp lý đã có từ lâu, tại sao ít doanh nghiệp chọn khởi kiện hành chính?
Tôi còn nhớ cách nay đã lâu, từ lúc mới có Luật Tố tụng hành chính, có một doanh nghiệp đã thắng kiện cơ quan thuế do áp dụng văn bản pháp luật đã hết hiệu lực truy thu thuế doanh nghiệp.
Những vụ doanh nghiệp hay dân thắng như vậy rất hiếm, còn lại hầu như phần thua thuộc về người dân. Đây cũng chính là lý do làm nản lòng người dân và các doanh nghiệp khi quyết định khởi kiện các cơ quan hành chính nhà nước.
Trên mạng Facebook chúng ta vẫn thường thấy nhiều người trình bày các bức xúc gặp phải trong quá trình làm việc với các cơ quan công quyền. Họ chọn cách kêu cứu, phàn nàn, thậm chí thóa mạ cơ quan hành chính trên mạng xã hội. Rất ít người nghĩ đến khởi kiện hành chính.
Phần lớn những người cảm thấy bị thiệt thòi vì những quyết định hành chính sai trái thường ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận thua thiệt vì không muốn dính vào con đường kiện tụng phức tạp, muốn tránh các hệ lụy về sau, hoặc là chọn giải pháp lên mạng chia sẻ. Cũng dễ hiểu thôi, tâm lý mọi người là e ngại "con kiến mà kiện củ khoai", chưa được vạ thì má đã sưng.
Theo luật, cơ quan thụ lý các vụ kiện hành chính lại chính là các tòa án đồng cấp với các đơn vị hành chính bị đơn. Các tổ chức hành chính cấp xã, phường hoặc các phòng ban cấp quận huyện sẽ do tòa án cấp quận huyện thụ lý, trừ phi bị đơn là lãnh đạo cấp quận huyện.
Các cơ quan cấp sở thì do tòa án cấp tỉnh, thành phố thụ lý. Điều này khó tránh khỏi suy nghĩ mang nặng tâm lý định kiến, người dân sẽ e ngại sự công tâm của tòa ngay chính địa phương của mình.
Và thế là không ít người chọn con đường "phong bì" với các nhân viên hành chính để đỡ phiền phức, để công việc không bị trở ngại và chạy nhanh hơn, qua phiên tòa "chuyến bay giải cứu" chúng ta thấy rõ thêm điều đó.
Chúng ta thấy kiện quan dễ hay không phải từ cả hai phía. Khởi kiện hành chính là một hành vi văn minh. Cho dù khả năng thắng kiện thuộc xác suất thấp, nhưng theo dõi tranh biện trên tòa ít nhất người quan sát cũng phần nào thấy được bức tranh sự thật của cuộc tranh chấp hành chính.
Ngay cả bị đơn cũng có cơ hội bảo vệ mình trước tòa. Và để cho dân và doanh nghiệp chọn con đường đi kiện thì một điều quan trọng là quy trình tố tụng phải được diễn ra theo đúng trình tự và quá trình phán xử khách quan theo luật.
Với câu chuyện của Vietart, tôi chưa biết vụ kiện này sẽ đi đến đâu, nhưng nó sẽ là một tiền lệ tích cực đối với các vụ tranh chấp, mâu thuẫn do các quyết định hành chính của cơ quan công quyền gây ra.
Khi quá trình tố tụng và nền hành chính thật sự quang minh chính đại, người dân hay doanh nghiệp thấy kiện là con đường tốt nhất thì lúc đó sẽ khuyến khích họ hành xử văn minh theo pháp luật thay vì chấp nhận chịu thiệt hoặc đi con đường dấm dúi đã trở thành thói quen.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận