Cuộc thăm dò mới của Hãng Realmeter (Hàn Quốc) công bố ngày 5-12 cho thấy có tới 73,6% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ luận tội Tổng thống Hàn Quốc - ông Yoon Suk Yeol. Đảng Dân chủ (DP) - đảng đối lập chính tại Hàn Quốc - đã lên kế hoạch bỏ phiếu vào khoảng 19h ngày 7-12 về kiến nghị luận tội ông Yoon.
Hợp lý không?
Theo báo Wall Street Journal, giờ đây số phận chính trị của ông Yoon phụ thuộc vào một câu hỏi pháp lý: Việc ban bố thiết quân luật của ông có hợp lý không? Một số đảng chính trị đã gọi đó là hành động bất hợp pháp.
Hiến pháp Hàn Quốc nêu rõ thiết quân luật dành riêng cho thời chiến hoặc các tình trạng khẩn cấp quốc gia tương tự khi an toàn công cộng bị đe dọa. Để ban bố thiết quân luật, tổng thống sẽ phải triệu tập họp nội các trước và thông báo cho cơ quan lập pháp.
Theo GS Shin Yul - chuyên ngành khoa học chính trị tại ĐH Myongji (Hàn Quốc), hiện vẫn chưa rõ liệu lập luận của Tổng thống Yoon, vốn tập trung vào rủi ro từ các đối thủ chính trị, có phù hợp với hiến pháp hay ông có tuân thủ đầy đủ các thủ tục không.
Vị này nói: "Nếu bất kỳ điều kiện nào trong số này không được đáp ứng thì đó là hành vi vi phạm hiến pháp nghiêm trọng và có thể dẫn đến việc luận tội".
Theo nghị sĩ Đảng Dân chủ Kim Seung Won, việc ban bố thiết quân luật khẩn cấp của chính quyền ông Yoon Suk Yeol "đã gây ra sự hỗn loạn và sợ hãi trong người dân chúng ta".
Đảng Quyền lực nhân dân (PPP), đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon, tuyên bố sẽ phản đối kiến nghị luận tội, dù nội bộ đảng đang chia rẽ sâu sắc về cuộc khủng hoảng.
Lãnh đạo PPP, ông Han Dong Hoon, nhấn mạnh việc phản đối kiến nghị không nhằm "bảo vệ thiết quân luật vi hiến" của ông Yoon và lặp lại lời kêu gọi ông Yoon rời khỏi đảng.
Sau bà Park Geun Hye sẽ là...?
Theo báo New York Times, từ thập niên 1980 đến nay chỉ có hai tổng thống Hàn Quốc từng đối mặt với thủ tục luận tội. Năm 2017, bà Park Geun Hye bị luận tội và phế truất do liên quan bê bối tham nhũng.
Vào năm 2004, Tổng thống Roh Moo Hyun bị luận tội vì cáo buộc vận động tranh cử bất hợp pháp nhưng Tòa án Hiến pháp đã lật lại quyết định này, giúp ông giữ được chức vụ.
Để có thể thông qua kiến nghị luận tội ông Yoon, cần phải có 2/3 số nghị sĩ tại Quốc hội ủng hộ. Hiện tại Quốc hội Hàn Quốc có 300 ghế, trong đó PPP có 108 ghế.
Phe đối lập sẽ phải cần thêm ít nhất 8 phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ PPP thì mới có thể thông qua kiến nghị luận tội. Nếu kiến nghị được thông qua, Tòa án Hiến pháp sẽ xem xét và quyết định trong vòng tối đa 180 ngày.
Tòa án Hiến pháp sẽ quyết định liệu Tổng thống Yoon có vi phạm các tội danh mà Quốc hội cáo buộc và liệu những vi phạm đó có đủ nghiêm trọng để luận tội hay không. Nếu ít nhất sáu trong chín thẩm phán bỏ phiếu ủng hộ, ông Yoon sẽ bị phế truất.
Trong trường hợp đó, Thủ tướng Han Duck Soo sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày.
Trong ngày 5-12, cảnh sát Hàn Quốc cũng đã mở cuộc điều tra về cáo buộc Tổng thống Yoon Suk Yeol phạm tội "phản quốc" khi ban bố thiết quân luật, theo Hãng tin Yonhap.
Cùng ngày, ông Yoon cũng đã chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun và bổ nhiệm Đại sứ Hàn Quốc tại Saudi Arabia Choi Byung Hyuk làm tân bộ trưởng quốc phòng.
Người dân tiếp tục biểu tình
Theo Yonhap, ngày 5-12 nhiều nhóm trên khắp Hàn Quốc tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình trong ngày thứ hai liên tiếp, kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức sau vụ ban bố thiết quân luật.
Tại thành phố Gyeryong và các khu vực khác thuộc tỉnh Chungcheong Nam, các thành viên của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc (KCTU) cùng nhiều nhóm khác đã tập trung biểu tình từ 7h40 sáng, yêu cầu ông Yoon từ chức.
Họ giương cao những biểu ngữ như "Hủy bỏ lệnh thiết quân luật khẩn cấp bất hợp pháp là chiến thắng cho nền dân chủ".
Người biểu tình cho rằng Tổng thống Yoon "đã khiến đồng hồ của Hàn Quốc quay ngược lại 44 năm" và kêu gọi "bắt ông ấy phải trả giá cho 155 phút kinh hoàng này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận