30/10/2019 08:20 GMT+7

Kiểm duyệt điện ảnh: Đừng mơ hồ 'phim không phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam'

NGỌC DIỆP - MI LY - THIÊN ĐIỂU ghi
NGỌC DIỆP - MI LY - THIÊN ĐIỂU ghi

TTO - Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch vừa đề nghị Cục Điện ảnh và Vụ Pháp chế nghiên cứu sửa đổi Luật điện ảnh, "trong đó cần sửa đổi cơ chế thẩm định, cấp phép phổ biến phim phù hợp với tình hình thực tiễn".

Kiểm duyệt điện ảnh: Đừng mơ hồ phim không phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam - Ảnh 1.

Êkip phim Bắc Kim Thang đã suýt tự kiểm duyệt một số chi tiết trong phim - những chi tiết mà Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện thông qua khi duyệt phim - Ảnh: ĐPCC

Sau khi cho thôi chức quyền cục trưởng Cục Điện ảnh vì sự cố để lọt phim có "đường lưỡi bò", Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch vừa đề nghị Cục Điện ảnh và Vụ Pháp chế nghiên cứu sửa đổi Luật điện ảnh, "trong đó cần sửa đổi cơ chế thẩm định, cấp phép phổ biến phim phù hợp với tình hình thực tiễn".

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các đạo diễn, nhà sản xuất xung quanh yêu cầu vừa được bộ đưa ra trong công văn gửi Cục Điện ảnh ngày 28-10.

* Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên:

Đừng bắt điện ảnh phải gánh quá nhiều trọng trách

Những nước có nền điện ảnh phát triển đều định hình rất rõ họ cần gì, muốn gì từ điện ảnh. Khi họ coi điện ảnh là nền công nghiệp giải trí hay công nghiệp nội dung thì họ sẽ có cách ứng xử rất rành mạch.

Kiểm duyệt điện ảnh: Đừng mơ hồ phim không phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam - Ảnh 2.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc ở liên hoan phim Locarno tháng 8-2019

Còn ở Việt Nam, chúng ta bắt điện ảnh phải gánh vác quá nhiều trọng trách, trong khi từ ,lâu điện ảnh chỉ thực hiện chức năng giải trí. Ngoài ra, cơ quan quản lý vẫn giữ tư duy thời trước, coi khán giả là lớp người cần được định hướng, dẫn dắt.

Điện ảnh phải tạo ra điều mới lạ để thu hút khán giả mà cứ bị phán xét là không phản ánh trung thực cuộc sống thì trớ trêu quá. Cơ quan quản lý cần phải thay đổi tư duy, có cái nhìn thẳng thắn, cởi mở hơn để thúc đẩy sáng tạo.

* Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng:

Phim đã dán nhãn 18+ thì đừng yêu cầu cắt bớt cảnh

Việc phân quyền kiểm duyệt điện ảnh về kỹ thuật có thể chia ra làm nhiều hội đồng. Nhưng nếu Luật điện ảnh không có những quy định cụ thể hơn về duyệt phim thì bất kỳ ai ngồi vào hội đồng duyệt phim cũng bị áp lực và bị sai sót.

Kiểm duyệt điện ảnh: Đừng mơ hồ phim không phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam - Ảnh 3.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Hãy tạo ra một hành lang pháp lý tốt để các nhà làm phim có thể tự tin từ đầu, thay vì gửi phim đi duyệt rồi ngồi thấp thỏm chờ xem phim có bị cắt gì không như hiện nay.

Các quy định cần rõ ràng hơn, chứ đừng chung chung mơ hồ như "vi phạm thuần phong mỹ tục", hay "phim không phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam". Luật pháp cần cởi mở hơn, chấp nhận những tiếng nói cá nhân trong điện ảnh, cả những tiếng nói phản biện xã hội. Chỉ những gì gây phương hại đến quốc gia, đến con người mới cấm.

Phim đã dán nhãn 18+ rồi thì đừng yêu cầu cắt bớt cảnh nữa. Hãy tôn trọng khán giả, vì trên 18 tuổi họ đủ kinh nghiệm để nhận thức nội dung phim rồi.

* Ông Hoàng Quân (nhà sản xuất phim Bắc Kim Thang):

Nhà làm phim đang tự kiểm duyệt theo cảm tính

Là nhà làm phim, tôi luôn mong muốn làm đúng luật. Dòng phim kinh dị ở Việt Nam không dễ làm và dễ thu hút công chúng như người ta nghĩ. Trái lại, nhiều nhà sản xuất và đạo diễn ngại đầu tư vào dòng phim này vì một số lý do, trong đó có rủi ro về kiểm duyệt.

Kiểm duyệt điện ảnh: Đừng mơ hồ phim không phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam - Ảnh 4.

Nhà sản xuất Hoàng Quân

Hiện tại, đa phần nhà làm phim đều dựa theo kinh nghiệm và cảm tính của người đi trước truyền lại. Kinh nghiệm đó có khi đúng, có khi không. Với Bắc Kim Thang chẳng hạn, chúng tôi cân nhắc rất nhiều về giữ hay không giữ một số phân đoạn, xem xét điều chỉnh một số câu thoại.

Cuối cùng, bản chiếu rạp giữ được một số điểm mà trước khi gửi đi duyệt chúng tôi được tư vấn nên bỏ đi. Để đảm bảo tính vẹn toàn của câu chuyện, chúng tôi vẫn quyết tâm giữ lại, và đã được duyệt.

* Bà Vũ Quỳnh Hà (nhà sản xuất của CJ HK Entertainment):

Hãy học hỏi các nước khác

Giới làm nghề điện ảnh Việt Nam đã và đang học hỏi rất nhiều thứ từ các nền điện ảnh phát triển, từ công nghệ, kỹ thuật đến quảng bá, tiếp thị phim.

Tôi hi vọng các cơ quan chức năng, các nhà quản lý điện ảnh Việt Nam cũng học hỏi cách vận hành, quy chế quản lý tiến bộ và hiệu quả của những nền điện ảnh lớn như Mỹ, Hàn Quốc.

Kiểm duyệt điện ảnh: Đừng mơ hồ phim không phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam - Ảnh 5.

Nhà sản xuất Vũ Quỳnh Hà

Quy trình kiểm duyệt phim và kịch bản hiện nay không hiệu quả, làm mất thời gian của cả các nhà làm phim và nhà quản lý.

Số lượng phim được sản xuất ngày càng nhiều, thủ tục giấy tờ có khi kéo dài mấy tháng. Hơn nữa, các đánh giá, nhận định về kịch bản của cơ quan kiểm duyệt thường không rõ ràng và còn mang tính chủ quan.

Từ đó, tôi nghĩ phải chăng chúng ta nên có một hệ thống kiểm duyệt rõ ràng và chặt chẽ hơn với những quy định cụ thể trong Luật điện ảnh?

Việc học hỏi từ những nền điện ảnh đi trước là cần thiết để điện ảnh Việt Nam có thể tiến tới trở thành nền công nghiệp điện ảnh văn minh, tiến bộ, đồng thời là một nguồn thu đáng kể của kinh tế nhà nước.

Khuyến khích giao địa phương duyệt phim

thứ trưởng tạ quang đông 1(read-only)

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông


Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Tạ Quang Đông, người vừa được giao điều hành Cục Điện ảnh từ ngày 28-10, cho biết việc bộ đề nghị Cục Điện ảnh phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo bộ "xem xét, phân cấp việc thẩm định, cấp phép phổ biến phim đối với các địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện" không phải là một bước đột phá, hoàn toàn mới mẻ.

Ông cho biết nghị định số 54 năm 2010 của Chính phủ, ở điều 18 quy định chi tiết thi hành khoản a, điểm 1, điều 38 của Luật điện ảnh và điểm b, khoản 12, điều 11 Luật sửa đổi bổ sung Luật điện ảnh, quy định: địa phương nào mà trong một năm có 10 phim sản xuất và 40 phim nhập trở lên thì đủ điều kiện để năm sau có thể làm đơn đề nghị được phân quyền duyệt phim.

Theo ông Đông, theo điều kiện này, nhiều địa phương đủ điều kiện đề nghị được duyệt phim, nhưng thực tế tới nay chưa có địa phương nào đề nghị được duyệt phim.

Ông cũng cho biết hiện nay cấp phép phim ngắn đã được giao về cho địa phương duyệt, phim truyền hình do đài truyền hình duyệt. Cục chỉ duyệt phim điện ảnh và các phim nhập khẩu, phim sản xuất có yếu tố nước ngoài. Với chỉ đạo mới đây của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, bộ sẽ hướng tới việc tạo điều kiện cho các địa phương đủ điều kiện sẽ được duyệt phim, khuyến khích giao cho địa phương duyệt phim.

Về tiến độ xây dựng Luật điện ảnh (sửa đổi), ông Đông cho biết dự thảo vừa xin ý kiến của Bộ Tư pháp, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong hai năm tới.

Dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi: Nhiều bức xúc nhưng ngại góp ý Dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi: Nhiều bức xúc nhưng ngại góp ý

TTO - Theo các chuyên gia, đây là thời điểm quan trọng để ngành sản xuất phim góp ý cho quy định kiểm duyệt điện ảnh vì vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến cho dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi), không nên để đến khi "gạo nấu thành cơm" mới than thở.

NGỌC DIỆP - MI LY - THIÊN ĐIỂU ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên