29/03/2022 12:19 GMT+7

Tự phân loại phim, hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng

TTXVN
TTXVN

TTO - Cơ sở phổ biến phim trên không gian mạng phải thực hiện tự phân loại phim trước khi phổ biến, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền phân loại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả tự phân loại phim - ông Nguyễn Đắc Vinh nêu ý kiến.

Tự phân loại phim, hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng - Ảnh 1.

Trước khi có Bố già bản phim chiếu rạp, Bố già phát trên YouTube của Trấn Thành đã rất được chú ý

Tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 29-3, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Sẽ hậu kiểm phim mạng

Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, so với dự thảo luật của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nhiều nội dung mới. Đến nay, dự thảo luật đã đáp ứng các mục tiêu đề ra.

Đối với một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường quay hiện đại gắn với du lịch, giải trí, Thường trực Ủy ban nhận thấy: Việc xây dựng trường quay hiện đại cung cấp dịch vụ sản xuất phim rất quan trọng, cần kinh phí lớn, tuy nhiên trong tình hình hiện nay, rất khó thu hút, huy động nguồn lực xã hội.

Để bảo đảm khai thác tối đa hiệu quả đầu tư các trường quay, cần có cơ chế gắn kết trường quay với các hoạt động du lịch, giải trí. Do vậy, quy định như dự thảo luật cho phép Nhà nước có thể đầu tư, hoặc hỗ trợ xây dựng trường quay.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, phổ biến phim là hoạt động có tác động lớn tới an ninh, quốc phòng, an toàn, đạo đức xã hội. Hoạt động kinh doanh dịch vụ phổ biến phim được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Do đó, để quản lý tốt việc phổ biến phim trên không gian mạng, cần xác định rõ chủ thể, trách nhiệm của chủ thể phổ biến phim; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Thường trực Ủy ban tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật theo hướng: Sửa đổi quy định về chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng là cơ sở điện ảnh phổ biến phim.

Cơ sở phổ biến phim trên không gian mạng phải thực hiện tự phân loại phim trước khi phổ biến, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền phân loại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả tự phân loại phim.

Dự thảo luật bổ sung quy định cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để cha, mẹ, hoặc người giám hộ tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, phương án "hậu kiểm" đối với phim phổ biến trên không gian mạng là xu hướng chung trên thế giới, đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tế nước ta, thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình.

Do vậy, Thường trực Ủy ban xin được tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, quy định thống nhất thực hiện "hậu kiểm" đối với phim phổ biến trên không gian mạng.

Thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay

Sản xuất phim; thu hút các cá nhân, tổ chức nước ngoài sản xuất phim tại Việt Nam; khâu hậu kiểm… là những vấn đề lớn, thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Đề cập đến quy định về sản xuất phim tại Việt Nam đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, một số ý kiến đề nghị nên quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhấn mạnh, cần quan tâm đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, nhất là những quy định về thẩm định, cấp phép; quan tâm rút ngắn thời gian cấp phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Cho rằng những quy định hiện nay là quá chặt chẽ, theo đại biểu, những gì không phạm vào các điều cấm nên có các quy định linh hoạt, uyển chuyển hơn để thu hút các nhà làm phim nước ngoài và để quảng bá về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Việc tăng cường quản lý nhà nước là cần thiết, nhưng cũng không phải đi làm những việc quá cụ thể, tỉ mỉ, gây khó khăn, kìm hãm cho hoạt động điện ảnh.

Về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đề nghị cần có những đột phá để điện ảnh góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Những thước phim điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, tài trợ, đầu tư. Trong sản xuất phim, phải hạn chế thấp nhất việc "thừa kịch bản yếu, nhưng lại thiếu kịch bản hay".

Công tác xây dựng kịch bản cần phải đầu tư hơn nữa, đi liền với đó là tăng cường khâu hậu kiểm, hạn chế tối đa các tác phẩm điện ảnh kém chất lượng vì trên thực tế đã có những bộ phim khi được trình chiếu, công chúng phát hiện ra những kẽ hở.

"Một bộ phim thành công không chỉ là có kịch bản hay mà còn có yếu tố khác. Tuy nhiên, hầu hết các bộ phim thu hút được sự quan tâm của công chúng, những bộ phim kinh điển, những bộ phim có nhiều tiếng vang thường bắt đầu từ những kịch bản hay mới có sản xuất tốt.

Chất lượng kịch bản được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, đến bao giờ chúng ta mới giải quyết được bài toán thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay", đại biểu Trần Thị Hoa Ry nêu ý kiến.

Nước ngoài làm phim ở Việt Nam: Không nắm được kịch bản đầy đủ, hậu quả ai chịu? Nước ngoài làm phim ở Việt Nam: Không nắm được kịch bản đầy đủ, hậu quả ai chịu?

TTO - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng đề cập điều này và tiếp tục khẳng định mong muốn tổ chức, cá nhân nước ngoài khi làm phim tại Việt Nam phải trình duyệt kịch bản đầy đủ.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên