26/08/2022 14:03 GMT+7

Khủng hoảng y tế: Đề xuất thi tuyển các chức danh lãnh đạo bệnh viện

BS VŨ VĂN HƯNG
BS VŨ VĂN HƯNG

TTO - Khó khăn, vướng mắc của y tế thời gian gần đây xuất hiện khá thường xuyên trên báo chí. Thủ tướng và Thường trực Chính phủ đã không ít lần phải chỉ đạo tập trung giải quyết, đã nói lên tầm mức ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Khủng hoảng y tế: Đề xuất thi tuyển các chức danh lãnh đạo bệnh viện - Ảnh 1.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại cuộc làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy. Thiếu thuốc, thiết bị, khó mua sắm vật tư là vấn đề đã được giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đặt ra - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhưng giải quyết vướng mắc cần phải có thời gian để hạn chế những phát sinh, bởi vướng mắc đã tích lũy từ lâu và hiện có ít nhất 3 nhóm vấn đề.

"Tính đúng tính đủ" giá dịch vụ y tế

1. Vấn đề quy phạm pháp luật trong quản lý và mua sắm y tế: Các quy định hiện hành có điểm níu kéo nhau, không khả thi, chưa đủ rõ, khi thực hiện chủ đầu tư cho là đúng nhưng khi có thanh tra, kiểm tra thì không bảo vệ được, một vài nơi bị xử lý thì cả hệ thống hoang mang, mất phương hướng và không dám mua sắm.

Khi thiếu thuốc thì cũng không dám báo cáo vì điều 84 Luật Dược quy định trách nhiệm đảm bảo thuốc của người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh, nên thực tế việc thiếu thuốc, thiết bị có thể nhiều hơn những gì báo chí đã phản ảnh.

Để giải quyết nhóm bất cập này, cần có nghị định riêng cho mua sắm y tế để có một hệ thống quy định về quản lý và mua sắm y tế thật sự chặt chẽ, đồng bộ, khả thi.

Thuốc, thiết bị y tế là những hàng hóa đặc thù, liên quan đến sức khỏe và tính mạng người bệnh trong thời gian dài, cần loại những tổ chức, cá nhân lũng đoạn thị trường, thông đồng để trúng thầu, tăng doanh số, đưa sản phẩm chất lượng thấp giá rẻ cạnh tranh, lấn át hàng hóa chất lượng cao.

Loại hàng hóa này lưu hành sẽ làm sai lệch những đánh giá khách quan về thị trường, khi trúng thầu vào cơ sở y tế sẽ làm giảm chất lượng điều trị, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cơ sở y tế công, nên cần tăng cường thanh tra đột xuất, siết chặt khâu thẩm định, cấp phép lưu hành hàng hóa gắn với trách nhiệm pháp lý.

Quy định hiện hành là thuốc, thiết bị đều thuộc danh mục hàng hóa phải quản lý giá, cần đảm bảo việc kê khai giá hàng hóa y tế chặt chẽ, hợp lý và cập nhật những biến động của thị trường.

Việc hoàn thiện chính sách này cần có thời gian, để đảm bảo hoạt động thường xuyên ổn định và hình thành mặt bằng giá mới hợp lý, chất lượng chuẩn, cần trình Chính phủ cho phép mua những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc không có lợi thế cạnh tranh, giá thành cao so với thị trường thông qua các tổ chức UN hoặc các nhà sản xuất có uy tín, bảm bảo chất lượng.

2. Nhóm vấn đề về tài chính, bảo hiểm y tế: Bảng giá dịch vụ y tế do Bộ Y tế, Bộ Tài chính xây dựng và ban hành chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá, không có quy định ưu tiên cho việc áp dụng công nghệ mới trong chẩn đoán/điều trị.

Hiện nay cũng chưa có bảng giá dịch vụ y tế cơ bản theo ca bệnh, rất nên sớm hoàn thiện và ban hành bảng giá dịch vụ y tế cơ bản theo ca bệnh, chi tiết đến các thể lâm sàng và bệnh kèm theo.

Khủng hoảng y tế: Đề xuất thi tuyển các chức danh lãnh đạo bệnh viện - Ảnh 2.

Hệ thống máy mượn, đặt từ các công ty trúng thầu hóa chất tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Vấn đề thiết bị mượn, đặt xử lý như thế nào là vướng mắc hiện nay - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bảng giá này sẽ là cơ sở để Bảo hiểm xã hội áp dụng trong thanh toán với người bệnh và cơ sở y tế, giảm áp lực công việc, tiến tới tinh giản biên chế, hạn chế những kẽ hở cho những tiêu cực.

Việc đầu tư lớn cho các trang thiết bị hiện đại tại từng cơ sở y tế sẽ không hiệu quả, vì tần suất sử dụng không nhiều, thiết bị sẽ lạc hậu ngay khi còn đang sử dụng tốt, thậm chí nếu máy "đắp chiếu" do thiếu vật tư như một số bệnh viện đã gặp hoặc ít sử dụng sẽ còn tệ hơn nữa.

Đề xuất thành lập các trung tâm kỹ thuật y tế theo khu vực, tại đó sẽ đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ cho cơ sở y tế trong khu vực (máy PET-CT, SPECT, máy chụp mạch...), với kết quả liên thông trong mạng dữ liệu để khai thác hết công suất trang thiết bị, tạo điều kiện để đổi mới, cập nhật công nghệ mới trong y học.

Mặt khác nguồn lực từ ngân sách thường không đủ để mua sắm thiết bị đã được cập nhật và ứng dụng công nghệ mới, chi phí vận hành bảo trì bảo dưỡng, cơ quan quản lý nên hoàn thiện các quy định để tiếp tục thực hiện việc liên danh liên kết lắp đặt và sử dụng thiết bị chuyên sâu tại các cơ sở y tế.

Để hạn chế việc lạm dụng xét nghiệm, sự giám sát của bệnh nhân là hiệu quả nhất, nếu thầy thuốc giải thích sự cần thiết các xét nghiệm để bệnh nhân hiểu, ứng nộp tiền xét nghiệm trước và bảo hiểm y tế thanh toán theo tỉ lệ được hưởng theo bảng giá xét nghiệm được công khai tại nơi cung cấp dịch vụ, sẽ hạn chế tình trạng lạm dụng.

3. Với bảng giá dịch vụ y tế: Cần tính đủ các chi phí để cơ sở y tế có nguồn thu duy trì hoạt động. Nếu phân tích kỹ việc xin rút thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai và tìm hiểu lý do sẽ tìm ra những bất cập trong giá dịch vụ và những khoản bệnh nhân phải đóng ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Việc thiếu thuốc tại nhiều cơ sở y tế đã và đang diễn ra là hậu quả những bất cập trong quản lý, nguyên nhân đã được nêu, nhưng cũng cần nói thêm rằng việc chậm gia hạn số đăng ký, chậm cập nhật và công bố giá kê khai, kê khai lại của thuốc, thiết bị; những quy định chưa rõ ràng về giá thiết bị và có quá nhiều số đăng ký cho một số mặt hàng thuốc.

Bên cạnh đó là những thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc là những vướng mắc làm chậm quá trình đấu thầu mua sắm dẫn đến thiếu thuốc, thiết bị. Trong đó, thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung, đàm phán giá là do chậm có kết quả đấu thầu, việc tự chủ mua sắm những thuốc này tại cơ sở hàm chứa nhiều rủi ro.

Có mặt hàng thuốc vừa có trong kết quả trong đấu thầu tập trung quốc gia, lại vừa thuộc danh mục đàm phán giá của Bộ Y tế, cho thấy những quy định do Bộ Y tế ban hành đã vướng ngay từ cơ quan thuộc Bộ Y tế thì sẽ thấy khó khăn thế nào với đơn vị thực hiện.

Nên thi tuyển các chức danh lãnh đạo bệnh viện

Qua những vụ án trong ngành y tế thời gian qua, chúng tôi thấy việc bổ nhiệm giám đốc, chủ tịch hội đồng của các bệnh viện cần được rà soát lại, theo đó nhân sự được bổ nhiệm cần căn cứ kết quả thi tuyển.

Ứng viên cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở y tế để lập đề án tổ chức và hoạt động, kiểm soát quyền lực bằng việc quy định công khai, thống nhất các trường hợp phải bỏ phiếu bất tín nhiệm để tránh tình trạng chuyên quyền, mất dân chủ tại các cơ sở y tế, không bổ nhiệm cán bộ giỏi về chuyên môn nhưng chưa sâu về quản lý, để mất cán bộ như vừa qua.

Thiếu thuốc, câu chuyện 20 năm Thiếu thuốc, câu chuyện 20 năm

TTO - Từ cách đây 20 năm (năm 2002), Bộ Y tế khi ấy đã chủ trì hội thảo về giá thuốc, ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp thời điểm đó đều cho thấy giá thuốc tại Việt Nam cao.

BS VŨ VĂN HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên