Đó là chia sẻ của doanh nhân Lê Quốc Vinh tại buổi giao lưu, ra mắt cuốn sách “Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông” vào chiều 12-7 tại TP.HCM.
Hiểu đúng về khủng hoảng truyền thông
Theo ông Vinh, nhiều doanh nghiệp, tổ chức hiểu sai về khủng hoảng truyền thông, dẫn đến việc xử lý khủng hoảng sai cách.
“Gặp khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp, tổ chức chỉ tìm cách gỡ bỏ hoặc xóa đi những thông tin tiêu cực trên báo chí, mạng xã hội, ngỡ rằng đã xử lý xong nhưng thực tế không phải vậy”, ông Vinh nhấn mạnh.
Ông Vinh cho hay mặc dù những thông tin tiêu cực đã bị xóa trên mạng xã hội song chúng vẫn "ghim" trong trí não của công chúng, khách hàng của doanh nghiệp. Về lâu về dài, cách xử lý này sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng, làm mất uy tín của doanh nghiệp, mất niềm tin từ công chúng, cộng đồng.
Đừng để “nước đến chân mới nhảy”
Tại sự kiện giao lưu, nhiều khách tham dự là lãnh đạo doanh nghiệp cũng chia sẻ những bài học “xương máu” của mình sau khủng hoảng truyền thông.
Ông Ng.Q.Cường, giám đốc một thương hiệu thực phẩm chức năng, kể về lần đầu tiên công ty ông đối mặt với khủng hoảng truyền thông. Chỉ trong 48 giờ, công ty đã hứng chịu “cơn bão” khủng hoảng không thể cứu vãn.
Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Cường rút ra bài học xử lý khủng hoảng là minh bạch. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần có những biện pháp linh hoạt hơn để bảo vệ chính mình. Khi đối mặt với khủng hoảng, quan trọng là doanh nghiệp phải bình tĩnh, tỉnh táo, lường trước các tình huống và có kiến thức để đưa ra giải pháp phù hợp.
Còn theo luật sư Lê Trọng Thêm: "Muốn giải quyết khủng hoảng truyền thông hiệu quả trong bối cảnh bùng nổ thông tin ngày nay, không chỉ sử dụng truyền thông mà còn phải kết hợp với pháp lý, thậm chí cần có công cụ kỹ thuật, công nghệ".
Theo chuyên gia Lê Quốc Vinh: Khủng hoảng không bắt đầu từ việc truyền thông đưa tin tiêu cực về doanh nghiệp, mà bắt nguồn từ chính bộ máy hoạt động, triết lý của các tổ chức, doanh nghiệp. Muốn giải quyết khủng hoảng buộc phải đi từ gốc rễ, nguyên nhân thật sự đã dẫn tới khủng hoảng liên quan tới quản trị bộ máy, hoạt động kinh doanh,… của doanh nghiệp.
"Việc xử lý truyền thông chỉ là giải quyết phần ngọn. Quan trọng hơn cần những hành động quyết liệt, giải quyết những vấn đề nội tại của doanh nghiệp để có được niềm tin, sự thông cảm của khách hàng", ông Vinh nói.
Tiếp lời, ông Nguyễn Khoa Mỹ, chủ tịch Hiệp hội VNPR, chia sẻ: “Việc chuẩn bị kế hoạch ứng phó khủng hoảng là vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể dự báo chính xác thời điểm xảy ra khủng hoảng, nhưng hãy luôn sẵn sàng đón bão. Đừng để đến khi khủng hoảng ập đến thì chạy không kịp, lúng túng và hỗn loạn”.
Trong khi đó, ông Hoàng Đạo Hiệp - giám đốc Arena Management & Service - ví sự chuẩn bị cho khủng hoảng giống như học lái xe, không chỉ để đảm bảo an toàn mà còn tránh rủi ro, sẵn sàng ứng biến với các tình huống khủng hoảng tệ nhất có thể ập đến bất kỳ lúc nào trong tương lai.
Chuyên gia Lê Quốc Vinh cho biết khủng hoảng truyền thông có muôn hình vạn trạng, không thể áp dụng một công thức cho tất cả. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần luôn bình tĩnh, chủ động tìm hiểu kỹ thông tin, kéo dài thời gian để đối thoại, đàm phán với các bên liên quan và giải quyết triệt để.
Chìa khóa giải mã khủng hoảng truyền thông
“Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông” là cuốn sách hiếm hoi về quản trị rủi ro, giải quyết khủng hoảng truyền thông. Sách được viết từ kinh nghiệm thực chiến, “xương máu” gần 30 năm làm nghề truyền thông của chuyên gia Lê Quốc Vinh.
Cuốn sách với những câu chuyện thực tế sinh động, dẫn chứng cụ thể các trường hợp và phương pháp quản trị khủng hoảng truyền thông, nhấn mạnh vào 3 yếu tố chính: giải quyết sự cố triệt để, kiểm soát thông tin một cách khách quan và hành động nhân văn, giúp bạn đọc hiểu đúng về truyền thông, cũng như nghề quan hệ công chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận