11/09/2013 00:57 GMT+7

Không xây thủy điện trong vườn quốc gia

 TÔ VĂN TRƯỜNG
 TÔ VĂN TRƯỜNG

TT - Vừa qua, có nhiều thông tin về việc các tỉnh đề nghị đưa các dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch đã được duyệt. Điều đó nói lên quá trình phê duyệt các đề án thủy điện có nhiều sai phạm cần được tiếp tục làm rõ.

Nếu nghĩ sâu xa thì việc loạn thủy điện, phá rừng là do sai lầm từ bài toán cơ cấu nguồn điện năng, dẫn đến phát triển quá mức nguồn lực thủy điện.

Từ những năm 1970, các phương tiện truyền thông của Liên Xô đã lên tiếng phê bình chủ trương phát triển thủy điện vì các hồ thủy điện chiếm quá nhiều diện tích (trong điều kiện Liên Xô đất rộng người thưa).

Thế nhưng Việt Nam vẫn đi vào “vết xe đổ” mà Liên Xô đã mắc phải, cho nên đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến phá rừng đầu nguồn, xâm phạm rừng quốc gia. Mặt khác, khi lập dự án đầu tư thủy điện không tính đầy đủ đến tác động đối với môi trường môi sinh vùng hạ lưu.

Vấn đề loạn thủy điện người dân đã cảnh báo từ lâu. Trong thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đầu tư vào thủy điện nhỏ nên khi bất động sản bị đóng băng do khủng hoảng kinh tế thì những dự án đầu tư vào thủy điện nhỏ của các doanh nghiệp này cũng bị ách lại. Thủy điện nhỏ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp đầu tư: giá thành điện thấp do không phải trả tiền thuế tài nguyên, do đền bù không đáng kể và nhu cầu về điện ngày một tăng và giá bán điện ngày một cao. Đấy là chưa kể đến việc có điều kiện để hợp thức hóa việc đốn gỗ rừng tự nhiên đầu nguồn rất có giá trị...

Tuy nhiên, không ít dự án thủy điện nhỏ có vấn đề về nguồn nước. Khi vào mùa khô nhu cầu về điện cao, có thể bán được điện thì các trạm thủy điện nhỏ này cũng không có nước nên không có điện mà bán. Ngược lại, về mùa mưa có thể sản xuất điện để bán nhưng EVN lại ưu tiên mua điện từ các doanh nghiệp nằm trong tập đoàn.

Về phía người dân bản địa, thủy điện nhỏ làm họ mất nhà, mất đất sản xuất, mất nguồn thu từ rừng. Đối với người dân ở cuối nguồn: có điện để sử dụng nhưng ảnh hưởng tiêu cực là rừng đầu nguồn bị phá nên dễ bị lũ ống, lũ quét tàn phá ảnh hưởng đến an toàn về người, của cải và hoa màu; động vật hoang dã mất nơi cư trú và dần tuyệt chủng. Với một phần hậu quả như vậy nên nhiều người dân và lãnh đạo vườn quốc gia đã phản đối nhiều dự án thủy điện.

Dư luận đang xôn xao trong khi lãnh đạo Vườn quốc gia Chư Yang Sin đang phản đối việc xây dựng Nhà máy thủy điện Ea K’tour ở phía bắc của vườn thì Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đang hoàn tất thủ tục để xây nhà máy thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3, cùng tại vùng lõi của vườn thuộc ranh giới hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Ngay từ năm 2006-2008, Công ty Sông Đà đã đầu tư xây dựng công trình thủy điện Krong Kma trong vùng lõi Vườn quốc gia Chư Yang Sin với công suất 12MW. Khi xây dựng đã làm đường thi công, vận hành, hồ chứa, làm mất đi một diện tích rừng khá lớn. Ngay sau khi vận hành đã gây ra tranh chấp nguồn nước với công trình thủy lợi Krong Kma phía hạ lưu (công trình thủy lợi xây dựng năm 1985, ngay tại biên giới vườn quốc gia). Sự tranh chấp này là do thủy điện tích nước cả ngày, sau đó vận hành vào giờ cao điểm dẫn đến nước chảy hết qua tràn công trình thủy lợi, nước vào kênh chỉ 2-3 giờ dẫn đến thiếu nước tưới cho các xã Hòa Sơn, Ea Trul, thị trấn Krong Kma, Khuê Ngọc Điền...

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk không đồng ý cho việc xây dựng thủy điện Ea K’tour là quyết định đúng đắn, phù hợp với quy định trong Luật bảo vệ môi trường 2005, nghị định số 29/2011/NĐ-CP và thông tư 26/2011/TT -BTNMT, các quy định trong Luật đa dang sinh học 2008 và nghị định số 65/2010/NĐ-CP, các quy định trong Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 không cho phép xây dựng thủy điện trong vườn quốc gia.

Hiện tượng làm thủy điện tràn lan xâm phạm cả vào vườn quốc gia vi phạm luật pháp đang xảy ra như một sự thách đố, đòi hỏi phải được mổ xẻ đến nơi đến chốn để tìm giải pháp đảm bảo hài hòa cơ bản, lâu dài các mối quan hệ và quyền lợi trong một xã hội dân chủ và sự phát triển vững bền của đất nước.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Cần nghiên cứu công nghệ mới cho thủy điện Đồng Nai 6, 6ATiếp tục kiến nghị dừng dự án thủy điện 6 và 6AKiến nghị Thủ tướng, Quốc hội dừng dự án thủy điện 6, 6AVi phạm trắng trợn các quy định pháp luậtThủy điện Đồng Nai 6 và 6A: TP.HCM ủng hộ quan điểm Đồng Nai

 TÔ VĂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên