29/10/2019 20:06 GMT+7

Không uống mà say là có thật

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Đây là trường hợp vừa được giới thiệu trong tạp chí y học: một người đàn ông Mỹ mới được chữa khỏi căn bệnh hiếm của thế giới "không uống mà say".

Không uống mà say là có thật - Ảnh 1.

Khi mắc bệnh hội chứng đường ruột lên men, người bệnh có thể nằm gục như vừa uống sau khi ăn phải thực phẩm không phù hợp - Ảnh minh họa

Theo báo Top Santé của Pháp ngày 29-10, người đàn ông này cao lớn (1m87, nặng 104kg) và chưa từng có tiền sử bệnh tật hay tâm thần gì cả.

Thế mà đùng một cái ông ấy mắc phải tình trạng "người lúc nào cũng như nốc cả lít rượu". Do vừa được chữa khỏi, trường hợp của ông ấy được nêu trong tạp chí chuyên ngành BMJ Open Gastroenterology.

Trở lại thời điểm tháng 1-2011 và cả sáu năm rồi người đàn ông 46 tuổi ngụ tại bang Bắc Carolina của Mỹ phàn nàn về chuyện bị mất trí nhớ và bị trầm cảm. Những hiện tượng này xảy ra khi ông ấy được cho uống kháng sinh (céfalexine) trong ba tuần do bị vết thương ở ngón tay cái.

Một tuần sau khi ngưng kháng sinh, người đàn ông vốn khỏe mạnh ấy lại thấy mình nhiều lần "mụ mị đầu óc", có lối hành xử hung hăng, mà vốn trước đó ông chưa hề bị.

Ba năm sau vào tháng 1-2014, ông quyết định đi gặp bác sĩ đa khoa. Vị này chuyển ông sang bác sĩ tâm thần và ông được kê thuốc chống lo âu và chống trầm cảm.

Hai tháng sau đó, vào tháng 3-2014, trong một lần lái xe trên đường, người đàn ông Mỹ bị cảnh sát bắt vì dấu hiệu say xỉn. Ông từ chối đo độ cồn và bị áp giải đến bệnh viện để xét nghiệm máu.

Kết quả độ cồn trong máu cũng khiến ông sững sờ: 200 mg/dL. Cả đội y tế lẫn cảnh sát đều không tin người đàn ông khăng khăng không hề uống vào người giọt rượu bia nào.

Nhờ kết quả phân tích của nhóm nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa ĐH Richmond ở New York (Mỹ), người đàn ông mới được minh oan.

Căn bệnh lạ này được biết với tên Auto Brewery Syndrome (ABS) - hội chứng đường ruột lên men do các vi khuẩn trong ruột sẽ tự chuyển hóa carbohydrate thành rượu.

"Những bệnh nhân mắc bệnh này có đủ các biểu hiện của người uống nhiều rượu bia: người bốc mùi cồn, nói chuyện đầy mùi cồn, buồn ngủ, đi đứng loạng choạng", tác giả của nhóm nghiên cứu kể trên đài Fahad Malik của Mỹ.

Tình trạng say xuất hiện khi người bệnh uống nước giải khát, ăn thức ăn nhiều đường hoặc carbohydrate (đường, tinh bột, chất xơ có trong trái cây, ngũ cốc, rau quả, các sản phẩm từ sữa).

Sau vụ bị bắt do "lái xe trong tình trạng say rượu" năm 2014, dì của người đàn ông vô tình đọc được một báo cáo về một bệnh nhân ở bang Ohio được điều trị với các triệu chứng tương tự. Họ đã tới phòng khám ở Ohio để tìm hiểu về chứng bệnh kỳ lạ.

Qua kiểm tra và phân tích kỹ càng, bác sĩ kết luận thuốc kháng sinh mà người đàn ông uống 6 năm trước dường như đã làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột, khiến ông mắc hội chứng ABS.

Dù được điều trị chống nấm và có chế độ ăn không carbohydrate, các triệu chứng "say rượu" của ông ấy vẫn không giảm sau đó. Người đàn ông thậm chí còn đến gặp tất cả các bác sĩ từ nội khoa, tâm lý, thần kinh, tiêu hóa... để tìm cách chữa trị dứt điểm hội chứng này.

Cuối cùng thì nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa ĐH Richmond ở New York (Mỹ) mới giải quyết được vấn đề sau một năm rưỡi điều trị cho bệnh nhân trên. Từ tháng 5-2019, bệnh nhân không còn phải ăn kiêng nữa nhưng vẫn phải thỉnh thoảng đi đo độ cồn trong máu.

Nguyên nhân của tình trạng này là do trong cơ thể người bệnh xuất hiện một loại nấm men với tên gọi Saccharomyces Cerevisiae. Loại nấm này liên tục làm lên men các thức ăn có trong dạ dày. Quá trình này sản sinh ra ethanol, một trong những thành phần cơ bản nhất của bia, rượu và các loại đồ uống có cồn khác.

Theo báo Le Monde, thật ra trường hợp đầu tiên về căn bệnh này được ghi nhận và mô tả lại từ năm 1948. Nó xảy ra với một cậu bé mới… 5 tuổi người Uganda. Cậu bé qua đời vì vỡ vách dạ dày và giải phẫu tử thi sau đó cho thấy trong dạ dày cậu bé có chất lỏng mùi cồn dù các nhân chứng đều khẳng định cậu bé không bao giờ uống bia rượu.

Đến năm 1952, một bác sĩ ở Nhật đã mô tả chi tiết hơn về cái mà sau này y học gọi là hội chứng đường ruột lên men (ABS). Đến năm 1972, tại Nhật đã ghi nhận khoảng 12 trường hợp mắc hội chứng này.

Đến năm 1984, một nhóm nghiên cứu của Nhật cũng từng mô tả các triệu chứng xảy ra với nhóm trẻ em chỉ mới 1-3 tuổi.

Sau đó các trường hợp "không uống mà say" cũng được ghi nhận tại Ý, Mỹ và một số nước phương Tây khác.

Vui lễ hội bia, tài xế Đức vẫn không thoát nếu lái xe lúc say xỉn Vui lễ hội bia, tài xế Đức vẫn không thoát nếu lái xe lúc say xỉn Nước ngoài phạt lái xe say xỉn: chăm sóc người bị xe tông, làm trong nhà xác Nước ngoài phạt lái xe say xỉn: chăm sóc người bị xe tông, làm trong nhà xác Lái xe khi say xỉn: buộc đi quét đường, vét kênh sợ hơn đóng phạt 20 triệu Lái xe khi say xỉn: buộc đi quét đường, vét kênh sợ hơn đóng phạt 20 triệu
TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên