01/11/2012 00:34 GMT+7

Không thể nói chung chung

TS PHÙNG VĂN HÙNG (ủy viên thường trực ủy ban Kinh tế của Quốc hội)VÕ VĂN THÀNH ghi
TS PHÙNG VĂN HÙNG (ủy viên thường trực ủy ban Kinh tế của Quốc hội)VÕ VĂN THÀNH ghi

TT - Nợ xấu đã trở thành một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trên nghị trường.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu quan tâm, nhưng thống đốc cũng nói: “Với tư cách là thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tôi không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu này. Vì như tôi đã nói, đây phải là quyết tâm chính trị của cả hệ thống chúng ta”.

Với bất cứ vấn đề quốc kế dân sinh nào, trong đó có nợ xấu, để giải quyết được luôn đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị của cả hệ thống, sự nỗ lực, phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành và của cả xã hội. Nhưng không thể nói là tất cả cùng chịu trách nhiệm chung. Khi một người đã được giao trách nhiệm làm tư lệnh một lĩnh vực, ví dụ như thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì phải chịu trách nhiệm toàn bộ về định hướng phát triển cũng như việc giải quyết các vấn đề đặt ra của ngành mình.

Có cả một bộ máy chuyên môn, chuyên sâu từ trung ương xuống địa phương. Mỗi vị tư lệnh ngành phải chỉ đạo, phân công để nắm bắt được tình hình, cụ thể ở đây là các công việc như: phân loại nợ xấu, tìm ra nguyên nhân của nợ xấu, phối hợp với cơ quan khác để xử lý. Đó là trách nhiệm của tư lệnh ngành, chứ không thể nói chung chung là cần có sự phối hợp, sự nỗ lực của cả hệ thống. Nói thế thì cũng đúng, nhưng vai trò của tư lệnh ngành ở đâu?

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đó là điều mà cả xã hội trông mong ở vị tư lệnh, chứ không phải trông mong ở các cơ quan, bộ ngành khác, bởi vì anh là người thay mặt Chính phủ trả lời những vấn đề mà người dân, xã hội bức xúc.

Tất nhiên nợ xấu không phải bây giờ mới có, đó là lỗi cả một quá trình với rất nhiều vấn đề, trong đó có các vấn đề như đầu tư dàn trải, cho vay lãi suất cao, khoảng cách giữa huy động và cho vay rất lớn, ngân hàng thu lợi nhuận cao. Như vậy, một trong những địa chỉ trực tiếp nhất chính là ngân hàng phải chịu trách nhiệm về việc hình thành khối nợ xấu như thế này.

Lúc này hơn ai hết, hơn khi nào hết, các ngân hàng thương mại phải chia sẻ cùng với doanh nghiệp. Ví dụ như tiếp tục cho vay đối với những doanh nghiệp vẫn còn tiềm năng phát triển, đó có thể là những doanh nghiệp chỉ vì khó khăn về vốn mà người ta không thể tiếp tục sản xuất, chỉ vì tồn kho hàng hóa sản phẩm mà người ta không thể trả lãi được... Chỉ có như vậy doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển được và ngân hàng mới có đất sống. Việc thành lập công ty mua bán nợ là cần thiết, nhưng không đồng nghĩa với việc lấy ngân sách để giải quyết nợ xấu, mà trước hết ngân hàng phải chia sẻ với doanh nghiệp. Để thực hiện được việc này, vai trò của Ngân hàng Nhà nước là hết sức quan trọng.

Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng một lộ trình, tiến độ cụ thể hơn nữa để có mục đích phấn đấu hằng năm, ví dụ như năm tới xử lý được nợ xấu khoảng bao nhiêu, dùng những biện pháp gì? Sau một năm, sau ba năm và sau năm năm thì sẽ đạt được kết quả như thế nào? Như vậy mới có khả năng thực hiện được, chứ để đến hết nhiệm kỳ thì e rằng lại... chung chung.

TS PHÙNG VĂN HÙNG (ủy viên thường trực ủy ban Kinh tế của Quốc hội)VÕ VĂN THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên