15/04/2016 08:14 GMT+7

“Không thể giải quyết song phương vấn đề quần đảo Trường Sa”

Q.TRUNG - V.TOÀN
Q.TRUNG - V.TOÀN

TTO - Ngày 14-4, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ trong các tranh chấp chủ quyền đảo trên Biển Đông, vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, nhiều nước thì phải giải quyết đa phương.

Trực thăng Mỹ chuẩn bị hạ cánh khi tham gia cuộc tập trận Vai kề vai tại Philippines ngày 14-4  - Ảnh: Reuters
Trực thăng Mỹ chuẩn bị hạ cánh khi tham gia cuộc tập trận Vai kề vai tại Philippines ngày 14-4 - Ảnh: Reuters

Đây là phản ứng trước việc Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố hôm 12-4 rằng không nên quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo ngày 13-4, theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã hoan nghênh phát biểu của ngoại trưởng Nga về vấn đề Biển Đông.

Yêu cầu Trung Quốc đưa máy bay khỏi Phú Lâm

Cụ thể là tại cuộc họp báo với truyền thông Nhật Bản, Trung Quốc và Mông Cổ ngày 12-4 ở thủ đô Matxcơva, ông Sergey Lavrov cho rằng tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh chấp thông qua kênh chính trị, ngoại giao trên cơ sở đồng thuận giữa các bên.

Ngoại trưởng Nga cũng yêu cầu “các nước đứng ngoài” dừng lại mọi hành vi can thiệp vào hoạt động đàm phán trực tiếp của các bên liên quan hòng quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Khi được hỏi về tuyên bố trên của ngoại trưởng Nga, người phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ: “Đối với vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, đối với những vấn đề liên quan đến các nước khác - ví dụ như là vấn đề quần đảo Trường Sa - thì không thể giải quyết song phương, mà phải có sự tham gia của các bên liên quan.

Và đối với những vấn đề liên quan đến cả các nước ngoài khu vực - ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không - thì phải được bàn bạc và giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung mối quan tâm”.

Ông Bình khẳng định lại lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán.

Theo đó, Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và trên tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Khi được hỏi phản ứng của Việt Nam về việc truyền thông Mỹ đưa tin Trung Quốc đưa chiến đấu cơ Shenyang J-11 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Lê Hải Bình tuyên bố hành động này của Bắc Kinh đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực.

Ông Lê Hải Bình một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức đưa các máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực này và không tái diễn các hành động tương tự.

“Là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đồng thời là quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực, Trung Quốc cần có hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS và trên tinh thần DOC” - ông Bình tuyên bố.

Mỹ kề vai cùng Philippines

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết Washington sẽ luân chuyển quân và vũ khí thường xuyên đến Philippines nhằm đối phó với những hành động hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tại Manila ngày 14-4, ông Carter tuyên bố hai bên đã tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông, nhưng các hoạt động quân sự gia tăng gần đây của Mỹ trong khu vực không nhằm gây xung đột với Trung Quốc.

“Lực lượng Mỹ sẽ có mặt định kỳ và thường xuyên trong khu vực. Các hoạt động chúng tôi đang tiến hành tại đây tuân theo nguyên tắc đã tồn tại từ nhiều thập niên và chúng tôi hành động theo lời mời của đồng minh” - ông Carter phát biểu.

Lầu Năm Góc cho biết cuộc tuần tra chung đầu tiên ở Biển Đông giữa Mỹ và Philippines diễn ra tháng 3 năm nay và cuộc tuần tra thứ hai được tiến hành đầu tháng 4 này. Những cuộc tuần tra như thế sẽ diễn ra thường xuyên trong tương lai, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố.

Bộ trưởng Carter khẳng định Washington sẽ điều máy bay quân sự và 200 lính thuộc Lực lượng không quân Thái Bình Dương đến căn cứ Clark trên đảo Luzon của Philippines khoảng cuối tháng 4-2016.

Reuters dẫn lời Lầu Năm Góc cho hay sẽ có tối đa 75 lính bộ binh vẫn được duy trì theo cơ chế luân chuyển tại Philippines, sau khi cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) giữa Mỹ và Philippines kết thúc vào tuần này. Lực lượng này sẽ hỗ trợ các hoạt động mà Mỹ sẽ gia tăng trong khu vực.

Ngày 14-4, quân đội Mỹ cũng đã bắt đầu sử dụng pháo binh cơ động cao (HIMARS) trong cuộc tập trận tấn công của Mỹ và Philippines đang diễn ra gần Biển Đông. Có 6 quả tên lửa được phóng từ một lòng sông khô đáy ở Manila nhắm vào những mục tiêu ở xa.

Trung tướng thủy quân lục chiến Mỹ John Toolan nhấn mạnh có khả năng Washington triển khai hệ thống tên lửa HIMARS đến Philippines trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông.

Theo ông Toolan, hệ thống HIMARS của Mỹ có tầm bắn đến 3.000km, đồng nghĩa với việc loại tên lửa này có thể bắn các tàu ở khoảng cách rất xa đất liền của Philippines.

Bắc Kinh nhắc nhở thủ tướng Úc

Nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Bắc Kinh đã tranh thủ cảnh báo rằng các lợi ích kinh tế của Úc sẽ bị tổn hại nếu Canberra không nhẹ giọng về vấn đề Biển Đông.

Nhật Báo Trung Quốc phiên bản tiếng Anh đã cho đăng thông điệp cảnh báo không mấy lịch sự đối với thủ tướng Úc trong ngày 14-4, vào thời điểm ông đến dự khai mạc Tuần lễ Úc ở Trung Quốc. Nhật Báo Trung Quốc cảnh báo rằng ông Turnbull cần phải “thận trọng và ý tứ về quan điểm của Canberra về chuyện Biển Đông”.

Lời cảnh báo này được xem là phản ứng của Bắc Kinh sau phát biểu của Thủ tướng Turnbull hôm 23-3 phê phán rằng việc triển khai quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông là “không có lợi mà còn có tác dụng ngược”.

Tuy nhiên tờ Financial Review của Úc cho biết trong cuộc gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tối 14 và 15-4, ông Turnbull sẽ tái nhấn mạnh những quan ngại của Canberra về hành vi chiếm đảo mà Trung Quốc đang thực hiện trong khu vực.

MỸ LOAN

Q.TRUNG - V.TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên