Giữa thách thức cuộc sống hiện đại với nhiều biến đổi, có những cặp vợ chồng đã vượt qua được thử thách số phận để tìm đến nhau và chứng minh “đạo vợ chồng” là giá trị muôn đời không thay đổi...
Phóng to |
Vợ chồng Hiền bên cậu con trai mang tên Nguyễn Tấn Hy Hữu - Ảnh: Trọng Khánh |
Anh không muốn em lụy cả đời
Lý vốn là con nhà nông ở tận vùng quê cát trắng Phong Chương (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Tốt nghiệp lớp 12, Lý khăn gói vào Đà Nẵng nộp hồ sơ vào học Trường cao đẳng Kỹ thuật y tế Đà Nẵng chuyên khoa vật lý trị liệu. Còn Nguyễn Tấn Hiền, cách đây 13 năm là sinh viên năm 1 của Trường cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Con đường trở thành thầy giáo làng ở một vùng quê xa tít nào đó trên tận Tây nguyên chắc chắn sẽ thành nếu không có cái đêm định mệnh ấy.
Đó là một đêm mùa đông, khi đang trên đường đi học về thì Hiền bất ngờ bị rơi cả xe lẫn người xuống hố. Vụ tai nạn đã khiến phần đời còn lại của một chàng trai mới 19 tuổi như Hiền phải nằm liệt một chỗ. Bán hết rẫy vườn, lội khắp Sài Gòn nhưng bố mẹ Hiền đành phải nhìn con trai mà khóc. Khi mọi người đã gần như tuyệt vọng thì sức sống trong con người Hiền trỗi dậy mãnh liệt. Có người mách bảo: “Nên chuyển em nó về Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng may ra còn cơ hội sống”, vậy là Hiền xin đi. Chiều lòng con trai, bố mẹ Hiền bấm bụng chuyển con lên xe bằng chiếc băng ca trắng mà không biết nói sao.
Những ngày tháng đầu ở bệnh viện, dẫu được sống trong vòng tay chăm sóc tận tình của các y bác sĩ nhưng nhiều khi “thấy cô đơn kinh khủng”, Hiền bảo. Thế rồi một ngày... khi chiếc áo blouse trắng của cô nữ sinh thực tập xuất hiện bên giường bệnh thì cuộc đời Nguyễn Tấn Hiền mới thật sự thay đổi. Người ấy chính là Nguyễn Thị Lý.
Trong căn nhà trọ chật chội chưa đến 20m2 nằm cạnh Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng, Lý thẹn thùng kể lại chuyện tình cay đắng của mình, cạnh bên là người chồng tật nguyền nhưng rất tài hoa đang cặm cụi hoàn chỉnh bức tranh mang tên Phố Hội. “Hồi đó tôi xin về thực tập và được các bác sĩ phân công chăm sóc hai bệnh nhân trong đó có anh Hiền. Ban đầu thấy anh quá khó khăn trong cử động, ngay cả cái ngước nhìn cũng khó huống chi là cầm cốc nước uống...
Vậy mà anh vẫn chịu khó vận động, tập luyện theo chỉ dẫn của tụi tôi, lần một không được thì làm lại lần hai, lần ba... cứ thế tháng này qua tháng nọ... Hồi ấy nhìn cảnh anh Hiền cố xòe bàn tay để nắm lấy cây bút vẽ mà ứa nước mắt... Cuối cùng anh cũng cầm được”.
Rồi mỗi sáng sớm khi đã yên vị trên chiếc xe lăn, Hiền lại nhờ một cô điều dưỡng trong phòng đẩy giúp mình ra ban công để ngóng chờ một cô điều dưỡng khác. Ngóng chờ cho đến khi thấy bóng Lý xuất hiện loáng thoáng bên dưới mới thôi. Chính trong khoảng thời gian chờ đợi đó, rất nhiều bức tranh của Hiền đã hình thành, tất cả đều thấp thoáng bóng dáng một người con gái Huế.
“Mình chưa hề qua lớp vẽ nào, nhưng rồi cuối cùng mình cũng vẽ được, nhiều khi mình vẽ bằng trí tưởng tượng nhiều hơn...”, anh Hiền tâm sự. Rồi trong những lần chăm sóc bệnh nhân sau đó, linh tính đã mách bảo cho Hiền biết rằng tình cảm mà anh dành cho Lý đã được đáp đền. Nhưng: “Biết là em có tình cảm với anh vậy mà còn không cho người ta thể hiện. Ngó vậy chứ ghê lắm đấy - Lý vừa kể chuyện vừa nhìn sang chồng nói yêu - Khi biết tôi dành tình cảm cho anh thì anh tìm mọi cách trốn chạy. Có lần không phải phiên tôi trực, nhưng vì thương anh quá nên đạp xe qua viện thăm anh. Mới thấy mặt là anh gượng người ra khỏi xe lăn tìm đủ cách xua đuổi tôi, thậm chí mắng nhiếc. Không biết làm sao tôi chỉ còn cách ôm mặt khóc giữa sân viện khiến mọi người một phen hoảng hồn”.
Nghe vợ kể lại chuyện cũ, Hiền dừng tay vẽ quay sang nhẹ nhàng: “Miệng mắng nhiếc nhưng trong lòng anh đau như xát muối. Lúc ấy anh không muốn vì anh mà em lụy cả một đời con gái...”. Nói xong, cả hai vợ chồng ôm nhau cười mà nước mắt chảy dài ...
Tổ ấm trong mơ
Đầu năm 2010, vượt qua mọi sự gièm pha, trách móc thậm chí là từ bỏ tình cảm của nhiều người thân, bạn bè... Lý và Hiền nên vợ chồng.
Một đám cưới đạm bạc được những người tốt bụng tổ chức ngay giữa sân bệnh viện. Ngay sau đám cưới, hai vợ chồng thuê một căn phòng trọ nhỏ cạnh bệnh viện để Hiền tiện bề điều trị và tập luyện. Sáng sáng, mỗi khi vợ ra khỏi nhà để đến Bệnh viện Bình Dân làm việc thì Hiền lại cắm cúi vẽ tranh: “Tranh mình không đẹp như người khác nhưng chứa nhiều tình cảm lắm đó. Mình hi vọng sẽ bán được nhiều tranh hơn để đỡ đần một phần cho vợ”. Hi vọng là vậy nhưng mấy khi tranh của Hiền được bán.
“Mình có gửi một số bức cho các gallery dưới Hội An nhờ bán. Thi thoảng lắm họ mới thông báo “bán được rồi”, y như rằng đêm ấy mình không sao chợp mắt được”. Tình cảnh Hiền là vậy nên mọi chi tiêu trong nhà đều đổ dồn trên đôi vai gầy của Lý. “Có hôm đến phiên đóng tiền nhà rồi mà lương thì chưa nhận. Cứ nghĩ cảnh sáng mai người ta đuổi ra khỏi nhà mà không biết tính sao, đành úp mặt vào lưng chồng mà khóc...”, Lý tâm sự thật lòng.
Khó khăn chất chồng nhưng trong sâu thẳm, điều mà cả hai vợ chồng khát khao nhất lại là tiếng khóc của trẻ thơ. Hết giờ làm là Lý chạy xe một mạch 10km về thẳng nhà để “anh đỡ buồn và có điều kiện chăm sóc anh”. Một miếng cá tươi hay một cọng rau xanh mềm... tất cả Lý đều dành tuyệt đối cho chồng với hi vọng “Rồi một ngày căn phòng này sẽ ngập tràn tiếng khóc của trẻ”. Nhưng rồi thời gian cứ trôi qua... nhiều lần Hiền tâm sự thật lòng: “Không biết mình có được làm cha không nhưng chúng tôi vẫn không nguôi hi vọng cho đến khi không còn gì để chờ đợi nữa thì thôi”...
Cứ tưởng đó chỉ là ước mơ thôi thì bỗng cuối năm 2010, tin vợ có thai khiến Hiền sướng đến ngất, còn nhiều người trong bệnh viện nơi Hiền đang điều trị thì ngỡ ngàng, mừng rỡ. “Tôi và Lý quyết định đặt tên cho con trai mình là Nguyễn Tấn Hy Hữu, bởi giọt máu này sao hi hữu quá anh à”. Nói rồi Hiền vòng tay qua ôm vợ một cách âu yếm: “Thân xác anh tật nguyền nhưng tình yêu mà anh dành cho em và con thì không bao giờ tật nguyền phải không em”.
__________
10 tuổi Khơi bị liệt. Bệnh tật nghiệt ngã khiến cả đời anh không thể cúi người, chạm được vào ngón chân mình thì làm sao dám nghĩ được cầm tay một cô gái nào đó. Nhưng có một cô gái đã vượt gần 2.000km từ Bạc Liêu ra Thái Bình tìm gặp anh...
Kỳ tới: Hoa trong sỏi đá
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận