14/04/2013 10:50 GMT+7

Không tăng ca, không đủ sống

TÂM LỤA - QUANG THẾ
TÂM LỤA - QUANG THẾ

TT - Phòng trọ của Nguyễn Công Chính (22 tuổi, quê Phú Thọ) và vợ là Nguyễn Thị Hoài Thu nằm ngay dưới chân cầu Thăng Long (Hà Nội). Sáng thứ bảy khi chúng tôi đến, vợ chồng Chính đang cố làm nóng chiếc bánh mì mua từ hôm qua bằng bếp gas.

Sống vạ vật với lương còm cõiBài toán tiền lương cho người lao động quá khóCông nhân làm không đủ ăn ốm nheo ốm nhóc

9n1PmQrv.jpgPhóng to
Xóm trọ công nhân Khu công nghiệp Thăng Long nằm dưới chân cầu Thăng Long (Hà Nội) - Ảnh: Quang Thế

Thu làm công nhân cho Công ty Panasonic hơn ba năm nay, lương cơ bản chỉ 2,3 triệu đồng, thêm các khoản phụ cấp nữa thì tổng thu nhập mỗi tháng của Thu được hơn 3 triệu đồng. Năm 2012 sau khi cưới nhau, Chính theo vợ đến Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) xin làm công nhân cho một công ty. Công việc của Chính là đứng máy đúc. Giơ đôi bàn tay bị bỏng để lại đầy sẹo, Chính nói: “Vì nóng quá, nhiệt độ trong xưởng lúc nào cũng lên tới 45-50OC”.

Công việc vất vả như thế nhưng lương của Chính chưa đầy 4 triệu đồng. Thu nhập cả hai vợ chồng mỗi tháng chỉ tầm 7 triệu đồng, thế nên Chính và vợ chọn thuê căn phòng trọ ngay dưới chân cầu Thăng Long chỉ với giá 450.000 đồng/tháng.

Giá rẻ vì nó nằm ngay dưới chân cầu, xung quanh là nước thải, chuồng chăn nuôi lợn bò gà vịt. Phía trên cầu xe máy, tàu chạy ầm ầm, xình xịch suốt ngày đêm. Nhìn vẻ ái ngại của khách trước sự ồn ào và mùi hôi bốc lên quanh phòng trọ, Chính cười trừ: “Ở đây rẻ chứ thuê chỗ khác sạch sẽ hơn cũng mất 600.000-700.000 đồng. Hai vợ chồng em từ ngày xuống đây chỉ biết cắm mặt vào công việc”.

Mức thu nhập gần 5 triệu đồng một tháng như Nguyễn Thị Quyên (20 tuổi, quê Phú Thọ) là niềm mơ ước của nhiều công nhân quanh Khu công nghiệp Thăng Long. Thế nhưng để có mức lương ấy, Quyên phải làm quần quật suốt 12 giờ/ngày.

Quyên bảo: “Bọn em làm theo kíp, cứ làm 12 giờ một ngày, làm liên tiếp bốn ngày thì được nghỉ hai ngày rồi chuyển qua làm bốn đêm, mỗi đêm cũng 12 giờ như thế. Cuộc sống bọn em suốt ngày ở trong xưởng thôi, chán lắm. Em tính có gia đình rồi kiếm gì làm, chứ quần quật suốt ngày đêm làm sao chịu nổi”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, ở sát bên phòng trọ của Quyên, làm công nhân Khu công nghiệp Thăng Long từ năm 2008. Khi đó lương mới có 650.000 đồng, dần dần tăng lên 1,3 triệu đồng. Đến giờ sau năm năm làm công nhân, lương của Ngọc mới được 2,8 triệu đồng. Bạn bè từ quê ra thành phố kiếm việc như Ngọc đều không biết công ty mình tính lương thế nào.

Trước khi xin việc, họ đều dò la hỏi bạn bè một lượt xem công ty nào trong khu công nghiệp này trả lương cao nhất, công việc ổn định nhất thì làm. Quyên khẳng định: “Lương cơ bản 2,8 triệu đồng mà công ty em trả là cao đấy. Có công ty chỉ được hơn 2 triệu đồng. Bọn em phải tăng ca mới đủ sống, không tăng ca thì chỉ có chết đói, huống gì nói đến việc kiếm tiền gửi về gia đình”.

Cũng như tất cả công nhân ở các khu công nghiệp khác, Chính phải tăng ca để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi tháng Chính đều xin đi làm thêm vào cả ngày và tối chủ nhật để kiếm thêm gần 1 triệu đồng. “Vợ chồng em tính cả rồi, bác sĩ dự đoán ngày 16-6 vợ em sẽ sinh, hai vợ chồng gắng làm đến đầu tháng 6 cho vợ em nghỉ rồi về quê sinh con. Chứ công việc thế này, thu nhập thế này mà sống mãi ở đây làm sao được hả chị” - Chính ngậm ngùi nói.

TÂM LỤA - QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên