14/04/2013 09:05 GMT+7

Sống vạ vật với lương còm cõi

HOÀNG ĐIỆP - MAI HƯƠNG
HOÀNG ĐIỆP - MAI HƯƠNG

TT - Với tiền lương tối thiểu chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (Tuổi Trẻ ngày 13-4), cuộc sống vạ vật, sống kham sống khổ là cảnh thường ngày ở các khu trọ của công nhân.

Bài toán tiền lương cho người lao động quá khóCông nhân làm không đủ ăn ốm nheo ốm nhóc

8Z9urcs1.jpgPhóng to
Những công nhân này được xe đưa đón từ Mộc Hóa, Long An đến Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM. Các doanh nghiệp phải đi tìm nguồn lao động ở nơi xa vì công nhân ngày càng hiếm do đời sống quá khổ - Ảnh: T.Thắng

Trưa thứ bảy (13-4) nắng gắt. Những con đường cũng như những dãy phòng trọ xung quanh Khu chế xuất Linh Trung 1 (Q.Thủ Đức, TP.HCM) vắng tanh. Hôm nay là ngày công nhân đi làm. Dương Thị Trinh, công nhân Công ty may Thái Dương, tất tả đi kiếm phòng trọ. “Chỗ em đang ở giá tới 1,2 triệu đồng/tháng. Mắc quá, em chịu không nổi, phải đi tìm phòng khác” - cô phân trần.

Chỉ mong đủ ăn

Từ Đồng Nai, Trinh đến TP.HCM làm công nhân đã nhiều năm. Với mức lương cơ bản 2,6 triệu đồng, cộng thêm các khoản tiền chuyên cần, tiền trợ cấp nhà trọ, xăng xe, tổng thu nhập của Trinh được khoảng 3 triệu đồng/tháng. Cô lí nhí: “Mỗi tháng tôi chỉ dám chi ra hơn 300.000 đồng để mua ba thùng mì. Ngoài bữa ăn công ty cho, về nhà chỉ ăn mì gói. Tôi còn tốn thêm cỡ 150.000 đồng mua xà bông, dầu gội và mấy thứ cần thiết cho phụ nữ nữa là chấm hết, không dám xài gì...”.

Tại căn phòng ọp ẹp ngoài cùng ở đường Độc Lập, P.Tân Thành, Q.Tân Phú cửa khép hờ, một phụ nữ nằm dưới nền nhà ngoảnh mặt nhìn ra cửa nói: “Công nhân khổ lắm, nhưng nói ra chẳng giải quyết được gì. Tôi giờ phải ngủ thì đêm mới có sức đi làm ca ba” - chị trả lời vậy rồi quay mặt vào trong ngủ tiếp khi chúng tôi hỏi thăm.

Còn ông Lê Văn Hòa (64 tuổi, quê Bạc Liêu) đang chơi với cháu nội hai tuổi tại dãy phòng trọ ở khu D13, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú chịu tiếp chúng tôi và kể: “Tôi có tám đứa con thì năm đứa lên TP.HCM làm công nhân. Cả năm đứa đều thuê nhà trọ trong khu này nên thỉnh thoảng tôi lên đây thăm cháu”.

Hai trong số năm người con của ông Hòa hiện làm công nhân tại Công ty may Thắng Lợi. Với mức lương 3,2 triệu đồng/tháng, anh Lê Văn Nhàn (39 tuổi) đang là trụ cột cho gia đình bốn người. Chị Thí, vợ anh Nhàn, đang làm cho một công ty tư nhân, được tính công theo giờ với tiền công 10.000 đồng/giờ. “Tổng thu nhập của hai vợ chồng chưa được 6 triệu đồng/tháng, phải trả tiền nhà trọ và điện nước mất 1,5 triệu đồng, một đứa con gái đang học, còn thằng lớn đang đi xin việc mà chưa được” - anh Nhàn phân trần.

Chia sẻ về thu nhập và chi tiêu của gia đình, chị Thí nói có nhiều xài nhiều, có ít thì nhín lại, còn đủ thì chẳng biết bao nhiêu cho đủ. “Mức tiền ấy chỉ sống chắt bóp chứ không có tiền để dành. Để tạm đủ cho bốn người thì phải gấp đôi số ấy” - chị Thí nói buồn. Nói về tương lai, chị Thí cười: “Chỉ mong làm đủ ăn là được rồi”. Buổi nghỉ trưa vội vàng của chị chừng 45 phút, chị không dám chợp mắt vì tranh thủ đi làm lúc 13g.

rLa2HwLa.jpgPhóng to
Công nhân Khu công nghiệp Tân Tạo phải chờ xe đến đón từ 3g sáng để đưa họ từ Mộc Hóa, Long An đi TP.HCM làm việc cho kịp giờ - Ảnh: Thuận Thắng

Tay trắng hoàn trắng tay

14g, anh Mai Nguyễn Chương (32 tuổi, quê Hóc Môn) vừa tan ca làm việc đầu tiên tại Công ty Bình Tiên (Khu công nghiệp Tân Bình).

Ngồi uống ngụm trà đá cùng những công nhân khác trước khi chạy xe máy hơn 20km về nhà tận Hóc Môn, gương mặt khá mệt mỏi, anh Chương nói: “Cả hai vợ chồng tôi đều làm công nhân, tổng thu nhập hai vợ chồng được hơn 7 triệu đồng. Hai đứa con, một đứa đang đi học mẫu giáo, một đứa bà nội trông. Nếu không có nhà của cha mẹ cho ở chung thì mức lương như vậy không thể nào đủ trang trải được, tay trắng hoàn trắng tay thôi”.

Ngồi bên cạnh, anh Nguyễn Đức Bảo (quê Quảng Trị) cho biết vào TP.HCM làm công nhân gần 10 năm. “Mức lương như vậy chỉ đủ để nuôi sống bản thân mình thôi, nếu lấy vợ, có con thì tôi phải tính đường khác” - anh Bảo nói chắc chắn.

Thuê chung phòng trọ với ba người bạn khác nữa, mỗi tháng anh Bảo trả khoảng 900.000 đồng tiền thuê. Anh Bảo kể về đời sống của mình: “Tất cả những thú vui chơi đều bị cắt hết. Muốn giải trí, chúng tôi chỉ có thể rủ nhau đá bóng trong một mảnh đất quy hoạch nhưng còn đang bỏ trống. Rảnh rỗi thì ngủ. Tôi cũng chỉ có thể làm thêm vài năm nữa rồi về quê, hoặc chuyển sang buôn bán chứ mức lương thế này thì không ổn”.

Gặp chúng tôi tại khu lưu trú công nhân Linh Trung, Vũ Thị Nhung, công nhân Công ty Year 2000, cúi đầu buồn buồn khi nghe nhắc đến thu nhập.

Lương cơ bản 2,7 triệu đồng, cộng thêm các khoản khác thì thu nhập của Nhung chỉ chừng 3,1 triệu đồng/tháng. Nhung cho biết: “Người ở quê như tôi vì khó khăn nên mới lên TP.HCM làm công nhân, dành dụm ít vốn rồi về quê lập nghiệp. Nhưng làm kiểu này dù phải tiêu dè sẻn cũng không để dành được đồng nào. Chắc tôi phải về quê chứ ở TP.HCM mà sống vạ vật như vầy thì về còn hơn”.

Giờ nghỉ giữa ca, anh Đặng Hoàng Nam (32 tuổi, Thái Nguyên, đang làm việc tại Công ty Vina Acecook) gương mặt gầy gò và khắc khổ. Anh cho biết mấy năm nay không về quê ăn tết bởi số tiền đi lại quá tốn kém. Anh Nam kể: “Mức lương của hai vợ chồng chỉ đủ thuê nhà và tằn tiện nuôi con. Đôi khi còn phải nhịn cả ăn sáng, hoặc có ăn sáng cũng chọn món rẻ tiền nhất của công nhân”.

Công nhân nhập cư thiếu máu và thiếu iôt rất cao

Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cho biết năm 2010 trung tâm có thực hiện một khảo sát nghiên cứu trên 402 công nhân nhập cư sống ở các khu nhà trọ thuộc P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, đang làm việc tại một khu công nghiệp thuộc TP.HCM. Kết quả cho thấy có đến 19,2% công nhân thiếu máu, tỉ lệ thiếu iôt ở công nhân lên đến 70%. Có đến 26,5% nam công nhân và 31,8% nữ công nhân bị suy dinh dưỡng.

Theo Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cuộc sống của công nhân với đồng lương ít ỏi khiến bữa ăn của họ có nguy cơ cao bị thiếu dinh dưỡng, thiếu máu, dẫn đến giảm thể lực và khả năng lao động sáng tạo. Đối với phụ nữ, nếu bị thiếu iôt lúc mang thai sẽ gây nhiều tác hại trầm trọng lên sự phát triển của thai nhi (sẩy thai, sinh non, thai chết lưu, đần độn...).

LÊ THANH HÀ

HOÀNG ĐIỆP - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên