13/04/2013 09:02 GMT+7

Bài toán tiền lương cho người lao động quá khó

Ông ĐẶNG QUANG ĐIỀU (viện trưởng Viện Công nhân công đoàn)
Ông ĐẶNG QUANG ĐIỀU (viện trưởng Viện Công nhân công đoàn)

TT - Theo điều tra của Viện Công nhân công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động VN, tiền lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Công nhân làm không đủ ăn ốm nheo ốm nhóc

Sy0c6GMx.jpgPhóng to
Ông Lê Xuân Thành: Nếu điều chỉnh lương tối thiểu đáp ứng ngay nhu cầu sống tối thiểu thì nhiều doanh nghiệp sẽ chết - Ảnh: Lê Kiên

Ông Lê Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH - thừa nhận năm 2003 bắt đầu thực hiện chế độ cải cách tiền lương với quy định lương tối thiểu 290.000 đồng thì mức sống tối thiểu khi đó là hơn 500.000 đồng, đến năm 2008 mức lương tối thiểu mới đảm bảo 70% mức sống tối thiểu và mức lương tối thiểu áp dụng từ ngày 1-1-2013 mới chỉ đáp ứng 62-69% nhu cầu tối thiểu của người lao động.

Tại sao công nhân ốm nhóc ốm nheo?

"Tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu vẫn như hình với bóng, chưa bao giờ gặp nhau. Mục tiêu năm 2015 lương tối thiểu đủ sống còn viển vông lắm"

Ông Đặng Quang Điều - viện trưởng Viện Công nhân công đoàn - nêu câu hỏi tại hội thảo “Mức sống tối thiểu và cơ sở xác định mức lương tối thiểu và lương đủ sống” được Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 12-4: “Tại sao chị em công nhân da giày, may mặc, lao động xây dựng... sau ba, bốn năm đi làm thì cứ gầy còm, ốm nhóc ốm nheo dần đi?”. Rồi ông tự trả lời: “Bởi vì họ phải tiêu hao sức lao động rất lớn mà chất lượng bữa ăn không đảm bảo mức tối thiểu là cung cấp 2.300 kcal/ngày”.

2.300 kcal là mức tiêu hao năng lượng của một người lao động nhẹ ở VN, được lấy làm căn cứ để tính giá rổ hàng hóa đảm bảo mức sống tối thiểu. “2.300 kcal là bao nhiêu tiền? Nó bao gồm 450g gạo tẻ, 100g thịt heo, 400g rau, 2 quả chuối, 100g mỡ muối mắm, 2.000g nước lọc, tính thời giá năm 2012 là 29.600 đồng” - ông Điều cho hay. Đấy mới chỉ là chuyện ăn. Nhu cầu sống tối thiểu không chỉ có ăn mà còn các chi phí khác như ở, học hành, nuôi con, vui chơi giải trí, rồi đi mừng một đám cưới cũng 300.000-500.000 đồng... Theo khảo sát của Viện Công nhân công đoàn, có đến 94% người lao động phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập nhằm đảm bảo nhu cầu đời sống.

Vẫn theo khảo sát thực tế của nghiên cứu trên đây, mức sống tối thiểu năm 2012 ở vùng I là hơn 3,7 triệu đồng/tháng, vùng II hơn 3,5 triệu đồng, vùng III hơn 3,3 triệu đồng và vùng IV (vùng khó khăn nhất) gần 2,5 triệu đồng. Nhưng mức lương tối thiểu cùng thời điểm ở vùng I chỉ là 2 triệu đồng, vùng II 1,78 triệu đồng, vùng III 1,55 triệu đồng và vùng IV 1,4 triệu đồng. Như vậy, lương ở vùng III chỉ đáp ứng hơn 46% mức sống tối thiểu và cao nhất là ở vùng IV đáp ứng được hơn 56%.

“Trong khu vực nhà nước thì không thể đưa ra mức lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu vì ngân sách không đảm bảo. Còn trong khu vực doanh nghiệp, nếu điều chỉnh lương tối thiểu đảm bảo ngay nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong năm 2013 thì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, da giày, gia công, sẽ phá sản vì mức tiền lương thực tế của người lao động hiện nay thấp hơn nhiều so với mức sống tối thiểu (theo tính toán là 2,6-3,4 triệu đồng)” - ông Lê Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ Tiền lương, cho hay.

0M1MICfQ.jpgPhóng to
Chị Phạm Thị Hòa, công nhân Công ty TNHH Pro Kingtex Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM), nuôi hai con nhỏ nhưng thu nhập chỉ 3,5 triệu đồng/tháng nên phải tằn tiện mỗi khi đi chợ - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Lương không đua được với giá

Bà Văn Thu Hà - đại diện Tổ chức Oxfam tại VN - nhận định: “Theo tính toán của chúng tôi, mức lương tối thiểu bắt đầu áp dụng từ năm 1993 ở VN chỉ đáp ứng được 38% mức sống tối thiểu. Từ đó đến nay lương tối thiểu đã tăng nhiều lần nhưng vì chỉ số lạm phát tăng rất cao nên mức sống thực tế không được nâng lên là bao. VN áp dụng mức lương tối thiểu ngay từ đầu là quá thấp nên dù có tăng lên cũng không đua được với trượt giá”.

Ông Thành thừa nhận lâu nay cơ chế điều chỉnh lương không theo nguyên tắc chuẩn nào: đối với khu vực nhà nước thì điều chỉnh dựa vào túi tiền ngân sách, còn khu vực ngoài nhà nước thì điều chỉnh theo mức tăng giá cả. “Bài toán đặt ra là lương tối thiểu sẽ đi theo hướng nào? Bộ luật lao động quy định lương tối thiểu theo vùng, theo ngành, theo giờ. Theo đề án đã trình Hội nghị trung ương 5 (năm 2012) thì lộ trình lương tối thiểu đã được xác định điều chỉnh trong ba năm: 2013 tăng 35-37%, năm 2014 tăng 25-27%, năm 2015 tăng 20-25% để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên năm 2013 lương trong khu vực doanh nghiệp mới điều chỉnh tăng được 16-18%, lương trong khu vực hưởng ngân sách chỉ mới tăng từ 1,05 triệu đồng lên 1,15 triệu đồng (thay vì 1,3 triệu đồng như lộ trình - PV)” - ông Thành nói.

“Vậy khi nào lương tối thiểu đủ sống?” - đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu câu hỏi, trong khi Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi băn khoăn: “Tại sao tiền lương tối thiểu không bao giờ đuổi kịp mức sống tối thiểu? Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển con người cơ mà”. Thừa nhận VN “hơn 20 năm nay cứ loay hoay với các câu hỏi đó” nhưng ông Lê Xuân Thành trả lời: “Nói là đầu tư cho lương là đầu tư cho con người, nhưng đặt trong hoàn cảnh nhà nghèo thì cái gì cũng phải căn ke. Nếu ngân sách chi đủ cho lương tối thiểu đảm bảo sống tối thiểu thì không còn tiền để chi thường xuyên nữa. Nền kinh tế tăng trưởng chậm và hiệu quả không cao, năng suất lao động trong những năm gần đây chỉ tăng 5% trong khi lương tối thiểu đã tăng khoảng 15%. Lương phải gắn với năng suất lao động, khả năng chi trả của nền kinh tế chứ không chỉ gắn với mức sống. Với từng doanh nghiệp cũng vậy, phải dựa vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, dựa vào tính cạnh tranh để áp dụng mức lương”.

“Nếu lương không đủ sống thì công nhân lại sẽ áp dụng biện pháp đình công để đòi tăng lương” - ông Đặng Quang Điều nói. Mặc dù cho rằng mục tiêu lương đủ sống vào năm 2015 là viển vông nhưng ông Điều vẫn đại diện công đoàn đề nghị: “Đẩy nhanh cải cách lương, làm sao cho lương tối thiểu đuổi kịp mức sống tối thiểu vào năm 2015. Phải tăng cường tính độc lập của công đoàn trong đàm phán tập thể về lương bổng. Cạnh đó, Chính phủ phải bằng mọi cách kiềm chế lạm phát, giữ cho tiền khỏi trượt giá”.

Cần cắt giảm bộ máy hành chính đang quá cồng kềnh

Để lương của cán bộ công chức đảm bảo cho họ đủ sống thì cần phải cải cách hành chính nói chung và đổi mới tư duy về tiền lương công chức nói riêng thật sự mạnh mẽ thông qua việc chuyển nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ. Cần thực hiện cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính đồng thời với việc cắt giảm bộ máy hành chính đang quá cồng kềnh như hiện nay. Chỉ như vậy mới có điều kiện tăng lương cho cán bộ công chức trong điều kiện ngân sách eo hẹp.

Còn với khu vực doanh nghiệp, mối quan tâm đầu tiên hiện nay đối với người lao động là công ăn việc làm rồi mới đến mức lương. Tình hình kinh tế 2-3 năm trở lại đây đang rất khó khăn và tiếp tục còn khó khăn trong vài năm nữa. Do vậy, nếu tăng lương cho người lao động trong khi lợi nhuận không tăng thì đồng nghĩa với việc sẽ có một bộ phận bị thất nghiệp. Bài toán tiền lương khu vực doanh nghiệp phải gắn với hiệu quả kinh tế.

Ông ĐẶNG QUANG ĐIỀU (viện trưởng Viện Công nhân công đoàn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên