24/08/2017 08:27 GMT+7

'Không phải làm chủ nhiệm à? Khỏe quá!'

THANH NGUYỄN
THANH NGUYỄN

TTO - Năm học mới, do trường thiếu giáo viên văn nên tôi được bố trí dạy thêm lớp và miễn công tác chủ nhiệm. Nhiều đồng nghiệp chúc mừng: “Hên quá!”, “Sướng nhỉ!”, “Khỏe re!”…

Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D1 Trường THPT Gia Định TP.HCM, hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đăng ký dự THPT quốc gia năm 2016 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Công tác chủ nhiệm khá nặng nề nhưng đãi ngộ dành cho giáo viên chưa tương xứng. Trong ảnh: cô Nguyễn Thị Hồng Thắm, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D1 Trường THPT Gia Định TP.HCM hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đăng ký dự THPT quốc gia năm 2016 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Mà đúng là hên, sướng, và khỏe thật! 

Tôi thở phào nhẹ nhõm sau mười hai năm làm công tác chủ nhiệm lớp. Dẫu biết đó là nhiệm vụ bắt buộc của người giáo viên nhưng ai trong nghề mới thấm thía hết nỗi vất vả, nhọc nhằn ấy. 

"Giáo viên… chịu trách nhiệm"

Nhiều người ví von giáo viên chủ nhiệm là “giáo viên… chịu trách nhiệm”, quả không sai. Lớp có học sinh bỏ học, chất lượng văn hóa và hạnh kiểm thấp, học sinh vi phạm nghiêm trọng nội quy nhà trường… thì ngay lập tức giáo viên chủ nhiệm bị phê bình, khiển trách, hạ danh hiệu thi đua.

Nhiệm vụ chính của giáo viên chủ nhiệm là nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động lớp, xây dựng bộ máy ban cán sự tự quản, phối hợp các ban ngành đoàn thể giáo dục học sinh. Nhưng thật ra, vây quanh họ lại là hàng loạt công việc không tên khác.

Bên cạnh việc tổ chức hoạt động học tập và giáo dục cho học sinh dưới sự chỉ đạo của nhà trường, các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp cũng lấy đi khá nhiều thời gian, công sức của giáo viên.

Nhiều người than thở cho cái cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm” khi vừa chăm việc chính như chuyện học, chuyện chơi của học sinh đến lo cả trăm việc phụ: hòa giải xích mích, phát hiện mâu thuẫn, vận động các khoản đóng góp, răn đe học sinh lười học, uốn nắn các em vi phạm nội quy…

Thậm chí giáo viên chủ nhiệm cũng là người phải “quản” luôn chuyện bao nhiêu em gửi xe trong trường, bao nhiêu em gửi xe ngoài trường, em đó thường chơi ở quán game nào, em kia đã cắt cái đuôi tóc hơi dài phía sau chưa…

Hồ sơ sổ sách thì phải nói là “bội thực” với giấy tờ từ khắp các đoàn thể chuyển về. Hết thông báo của nhà trường, Đoàn, Đội, chi hội khuyến học, chữ thập đỏ, câu lạc bộ đến các biểu mẫu, thống kê, biên bản, giấy mời, sơ yếu lí lịch…

Giáo viên chủ nhiệm còn phải luôn luôn “kè kè” bên mình mấy quyển sổ phải cập nhật hàng ngày, hàng tuần như: sổ chủ nhiệm, kế hoạch giáo dục học sinh yếu, sổ thu nộp các khoản…

Áp lực công việc của giáo viên chủ nhiệm lại nhiều vô kể. Gánh trách nhiệm trước ban giám hiệu nhà trường về thành tích, nề nếp lớp; bị giáo viên bộ môn "mắng vốn" khi học sinh không thuộc bài hay quậy phá trong giờ học; liên đới chịu trách nhiệm khi học sinh vi phạm trật tự giao thông hay trật tự an ninh bên ngoài nhà trường…

Là “cầu nối” giữa nhà trường và gia đình, việc trực tiếp tiếp xúc, trao đổi với phụ huynh học sinh không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Không khéo léo, nhiều giáo viên chủ nhiệm đã phải “đứng hình”, rưng rưng, bật khóc trước một vài vị phụ huynh khó tính, thiếu tế nhị.

"Nhạc trưởng" chưa được đãi ngộ tương xứng

Năm học này tôi không chủ nhiệm lớp đồng nghĩa với việc tôi sẽ tránh được áp lực thành tích học sinh, rời xa nhiều công việc không tên, thoát được một lượng lớn giấy tờ và nhiều áp lực vô hình bủa vây.

Nhưng có lẽ hên nhất, sướng nhất, khỏe nhất chính là cởi bỏ nhiệm vụ làm “cánh tay nối dài” của kế toán, tài vụ, ban đại diện cha mẹ cha mẹ học sinh và nhiều đoàn thể khác nữa.

Thế là chẳng còn cảnh cặp sách chi chít phiếu thu, phiếu nộp. Thế là chẳng còn cảnh làm người giải trình, vận động cho các loại quỹ dưới tên gọi “hỗ trợ”, “tự nguyện”. Thế là chẳng còn cảnh vào lớp tranh thủ nhắc tiền, thu tiền, tính tiền.

Thế là chẳng còn cảnh “đánh vật” với chi chít con số vô tri trong quyển sổ cực kỳ quan trọng mang tên “giáo án thu nộp”. Thế là chẳng còn cảnh trên hối thúc nộp, dưới thu chưa xong đành bỏ tiền túi bù vào…

Trong khi tôi đang tận hưởng cảm giác thoải mái vì lần đầu tiên thoát khỏi áp lực của công tác chủ nhiệm lớp thì phần lớn đồng nghiệp của tôi vẫn đang ngày ngày gánh lấy nhiệm vụ bất khả kháng ấy. Công việc nhiều, áp lực lớn nhưng đãi ngộ thấp là một thực tế của giáo viên chủ nhiệm.

Người ta ví giáo viên chủ nhiệm là vị “nhạc trưởng” trong dàn hợp xướng. Sự thành công của một lớp học phụ thuộc vào cái tài, cái tâm và cái tầm của “nhạc trưởng”.

Với mức miễn trừ 3 tiết dạy ở tiểu học và 4 tiết ở trung học như hiện nay thật sự chưa tương xứng với khối lượng công việc và áp lực mà mỗi giáo viên chủ nhiệm phải gánh.

Nên chăng cần phải tăng thêm số tiết kiêm nhiệm cũng như có thêm nhiều ưu đãi khác cho đội ngũ giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp? Để “người nhạc trưởng” có thêm động lực làm tốt hơn vai trò của mình

THANH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên