Các buổi nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm, truyền lửa dành cho sinh viên được các trường đại học tổ chức khá thường xuyên. Diễn giả là những người nổi tiếng, thành đạt hoặc có mức độ ảnh hưởng nhất định.
Né diễn giả "có vấn đề"
Ông Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang - cho rằng khi mạng xã hội phát triển, dường như ai hoạt ngôn cũng có thể tạo ra sự ảnh hưởng, thậm chí nổi tiếng trên mạng và trở thành diễn giả ngoài đời. Thế nên, khi mời diễn giả đến trao đổi với sinh viên, trường phải luôn kiểm tra thông tin khách mời rất kỹ.
Tương tự, ông Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm TP.HCM - cho rằng khi mời người nổi tiếng để giao lưu với sinh viên đại học, cần đảm bảo mục tiêu và tính nghiêm túc, thiết thực và có ý nghĩa cho cả người nổi tiếng và sinh viên.
"Có những người nổi tiếng nhờ nắm bắt tâm lý của giới trẻ, dí dỏm để thu hút và truyền thông một ý nghĩa hay giá trị đích thực nào đó là rất cần thiết. Tuy nhiên, có những trường hợp xúc tác đến mức lố bịch hoặc xúc phạm người khác để được nổi tiếng thì hoàn toàn không được", ông Lý đánh giá.
Nhiều trường đại học khác cũng chú trọng chọn lọc diễn giả, không mời người đã và đang có những ảnh hưởng tiêu cực. Bà Hoàng Thị Thoa - phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết mới đây, trường quyết định không mời một "shark" làm khách mời trao đổi với sinh viên.
Bà Thoa cho hay người này nổi tiếng, thành đạt và đã có nhiều hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực khởi nghiệp. Tuy nhiên, do đời tư người này đang có một số vấn đề gây tranh cãi nên trường quyết định không mời.
Chia sẻ thêm về việc chọn diễn giả, ông Nguyễn Văn Đương - trưởng phòng chăm sóc và hỗ trợ người học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho hay: "Một khoa của trường dự kiến mời diễn giả là một người nổi tiếng. Tuy nhiên, khi chúng tôi kiểm tra thông tin trên mạng xã hội, các diễn đàn thì phát hiện người này từng liên quan đến đa cấp. Trường quyết định không mời người này".
Cần có người điều phối
Ngoài yếu tố khách mời, khâu tổ chức cũng là yếu tố giúp buổi trao đổi thành công. Kinh nghiệm từ các trường cho thấy việc phối hợp giữa trường và khách mời trước khi sự kiện diễn ra giúp tránh rủi ro, đem lại hiệu quả.
Theo ông Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), khách mời đến chia sẻ với sinh viên hầu hết là cựu sinh viên thành đạt của trường.
Dù biết rõ thông tin diễn giả, đáng tin cậy nhưng trước khi diễn ra sự kiện, trường và khách mời sẽ ngồi lại với nhau để chia sẻ mục đích, thống nhất nội dung trao đổi, duyệt trước slide. Khi diễn ra buổi nói chuyện sẽ có người dẫn chương trình điều phối.
Là người điều phối diễn giả cho nhiều sự kiện, bà Nguyễn Thị Thủy - phó chủ tịch thường trực Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam (trực thuộc VCCI) - cho biết: "Những diễn giả của chúng tôi là các doanh nhân thành đạt. Họ từng thành công, thất bại và đã vượt qua. Mỗi câu chuyện của họ là một bài học thực tế cho sinh viên. Diễn giả phải là thành viên của hội đồng, có kiến thức và có kinh nghiệm về chủ đề giao lưu.
Người mới tham gia phải dự thính ít nhất năm buổi của các chuyên gia khác mới được chọn làm diễn giả để học hỏi cách trao đổi, tương tác. Tuy nhiên khi mới được chọn, họ chỉ ngồi ở ghế phụ chứ chưa được là diễn giả chính".
Diễn giả phải hiểu bối cảnh nói chuyện
Theo ông Đào Lê Hòa An - người sáng lập Trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp 4.0 JobWay, diễn giả có thể nói người học có thể thành công mà không cần học đại học ở trường cao đẳng, trung cấp. Nhưng nói như thế ở trường đại học là chưa phù hợp khi xét về bối cảnh buổi trao đổi.
Diễn giả cũng cần biết mục đích của các buổi trao đổi không phải là cung cấp lý thuyết mà là chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm nghề nghiệp, truyền cảm hứng giúp sinh viên tò mò, khám phá. Do đó diễn giả phải là nhân chứng sống thuyết phục cho những điều mình nói ra. Biết 10 nói 1 chứ không phải biết chỉ 1 mà nói đến 10.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận