Ngoài đại diện của Trường HUFLIT cùng Trường Quân sự Quân khu 7, buổi họp báo còn có sự tham dự của nhân chứng là sinh viên quay đoạn clip gốc và bạn cùng phòng của nữ sinh trong clip.
Video: Sinh viên quay clip về nữ sinh HUFLIT kể lại toàn bộ tình tiết đêm xảy ra sự việc
Clip nữ sinh HUFLIT đã bị cắt ghép, dàn dựng với ý xấu
Đại tá Nguyễn Tiến Sơn - chủ nhiệm chính trị Trường Quân sự Quân khu 7 - cho biết vụ việc diễn ra vào tối 10-1 trong một lớp học quân sự 18-20 người. Khi đó một em sinh viên bị mất tiền. Các bạn đổ lỗi cho một nữ sinh tên N.C.H.H..
Do bị nghi ngờ, H.H. đã xô cửa ra ngoài, la hét, khóc lóc do bị ảnh hưởng tâm lý. Sau khi nghe thấy, cán bộ đại đội của trường đã đưa em xuống phòng làm việc để nắm tình hình.
Trong lúc này, một nữ sinh viên tòa nhà đối diện đang gác trường đã tò mò quay clip. Nữ sinh này chia sẻ clip cho 2 bạn khác, tuy nhiên không đề cập đến nội dung của clip.
Đến tối 11-1, clip này lại bị đăng trên mạng xã hội, gán ghép với thông tin sai sự thật rằng có vụ việc xâm hại nữ sinh viên học quân sự tại Trường Quân sự Quân khu 7. "Các thông tin trên mạng là hoàn toàn sai sự thật, có dấu hiệu bịa đặt, xuyên tạc", ông Sơn nói.
Bạn sinh viên đăng clip sau đó đã có đính chính thông tin rằng mọi người đang hiểu sai sự thật về nội dung đoạn clip.
Ông Tiến Sơn cho biết thêm sau khi nắm tâm lý sinh viên, trường đã mời phụ huynh của H.H. lên ngay trong đêm. Mẹ H.H. đã đưa em về nhà chăm sóc, động viên. H.H. đang bị chấn động tâm lý vì bị "hàm oan". "Mẹ của H.H. phải nghỉ việc để chăm sóc em", ông Tiến Sơn nói.
Thông tin thêm, ông Đinh Hồng Vân - trưởng phòng chính trị - công tác sinh viên Trường HUFLIT - cho hay trong sáng 12-1, nhà trường đã làm việc với phụ huynh của các em liên quan. Phụ huynh mong muốn có sự bình ổn cho sinh viên. Hiện em H.H. đang ngại tiếp xúc với người lạ. "May mắn thời gian này là thời gian nghỉ Tết, các em sẽ có thêm thời gian phục hồi tâm lý", ông Vân nói.
Trả lời phóng viên về các video, file ghi âm "tam sao thất bản" được phát tán trên mạng từ tối 11-1 đến nay, ông Tiến Sơn khẳng định hầu hết các đoạn clip trên đều có dấu hiệu cắt ghép, dàn dựng. Nhiều nội dung âm thanh, hình ảnh không có trong clip gốc đã được chèn vào để lồng ghép, xuyên tạc, bịa đặt. Nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải những clip dàn dựng này có dấu hiệu mục đích phản động, chống phá Nhà nước.
Đại tá Nguyễn Tiến Sơn cũng thông tin, liên quan vụ việc, Trường Quân sự Quân khu 7 đã phối hợp với Công an TP.HCM làm rõ những ai đã phát tán nội dung sai sự thật kèm những clip cắt ghép, xuyên tạc.
Ông cho biết thời gian tới, ban giám hiệu nhà trường thống nhất hạn chế quay phim quang cảnh của trường, vì cũng giống như sự việc trên, từ clip quay quang cảnh của nhà trường rồi bị thêu dệt, cắt ghép, đẩy vụ việc đi quá xa.
Nữ sinh quay clip: Chỉ gửi clip cho 3 người và không khẳng định điều gì
Nữ sinh viên T., người quay clip gốc vụ việc nữ sinh HUFLIT khóc lóc, xác nhận mình là người quay clip nên biết hết tất cả thông tin ngay lúc đó diễn ra như thế nào.
Theo nữ sinh này, tối 10-1, cô có một ca gác đêm từ 21h đến 22h của tòa nhà mình ở. Đến 21h30 thì cô nghe thấy tiếng la hét đối diện tòa nhà mình ở nên tò mò và lấy điện thoại ra quay lại xem có chuyện gì.
Lúc quay phim, cô có quay sang hỏi bạn gác cùng là "hình như bị hiếp dâm hả?".
Theo T., câu hỏi này chỉ để xác thực và tò mò, chứ không phải khẳng định như thế. Sau khi nghe tiếng la hét, cô chứng kiến cảnh nhiều người ngăn một cô gái lại không để nhảy qua lan can tòa nhà đối diện, sau đó mọi người mới khiêng bạn nữ la hét ở tòa nhà đối diện xuống đất. T. cũng quay được cảnh này.
Sau đó T. được thầy quản lý ở trung tâm cho hay là bạn sinh viên nữ kia bị trầm cảm. Do bị các bạn trong lớp đổ lỗi là ăn cắp tiền, nữ sinh mới la hét, chạy ra lan can có ý định nhảy lầu, may mắn được các thầy và các bạn nữ cùng tòa nhà ngăn lại.
Sau khi được ngăn lại, nữ sinh vẫn còn kích động và la hét nên các thầy khiêng bạn xuống đất nhằm trấn an và tránh sự nguy hiểm khi ở trên tầng cao.
Theo T., sau khi quay clip xong, cô đã gửi cho hai bạn gác chung và một bạn nam khác. Khi gửi clip, cô không nói là nội dung gì.
Sau khi nhận được tin chính thức từ các thầy, cô đã thông tin lại với bạn nam mà mình đã gửi clip rằng bạn sinh viên kia bị trầm cảm nên la hét, chứ không phải bị hiếp dâm. Tuy nhiên T. không biết bạn nam này có tung tin sai sự thật lên mạng hay không và có gửi cho ai khác không.
Hiệu trưởng HUFLIT: Quá bất ngờ trước thông tin sai sự thật, bịa đặt
Ông Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng HUFLIT, nói ông hết sức bất ngờ trước thông tin sai sự thật, bịa đặt liên quan đến trường vào dịp cuối năm. Vụ việc xuất phát từ một video bị cắt ghép, lồng vào nội dung xuyên tạc.
Theo ông Tuấn, khi nhà trường gửi sinh viên đến Trường Quân sự Quân khu 7 để học thì nhà trường đã gửi trọn niềm tin, trách nhiệm cho Trường Quân sự Quân khu 7. Sau khi xảy ra vụ việc, nhà trường đã liên hệ với Trường Quân sự Quân khu 7 để nắm tình hình và hỗ trợ sinh viên, ngay sau đó mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, trên mạng xã hội lại lan truyền mạnh thông tin xuyên tạc rằng nữ sinh đi học quân sự bị hiếp dâm, phải tự tử...
Ông Nguyễn Anh Tuấn nói trường hoàn toàn bất ngờ và không biết vì sao thông tin lan truyền kinh khủng như vậy. "Sự việc đã ảnh hưởng đến hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi cũng là nạn nhân khi hình ảnh của trường, sinh viên HUFLIT cũng bị ảnh hưởng", ông Tuấn nói.
Ông cho biết thêm trường đã cử chuyên viên tâm lý hỗ trợ các sinh viên bị ảnh hưởng. Trường đã giao các giáo viên chủ nhiệm nắm thêm tình hình sinh viên lớp mình để hạn chế tối đa ảnh hưởng của các em sau vụ việc.
Đại tá Hà Công Chờ, phó chính ủy Trường Quân sự Quân khu 7, cũng nói vụ việc này đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng, uy tín, danh dự của hai nhà trường, từ vụ việc thông thường trong đời sống bị cắt ghép, xuyên tạc đã đẩy vụ việc lên cao trào.
"Không có chuyện hiếp dâm, không có chuyện tự tử. Ở tầng 2, 3 nhà trường bố trí toàn bộ nữ sinh, không có sinh viên nam hoặc nam giới đi đến", ông khẳng định.
Xác minh, xử lý nghiêm người tung tin sai sự thật
Trước buổi họp báo, vào sáng 12-1, đại diện Trường Quân sự Quân khu 7 đã làm việc với HUFLIT và có thông tin chính thức về sự việc. Theo đó, khoảng 21h30 tối 10-1, trong quá trình sinh hoạt tập thể, xảy ra tranh cãi nội bộ giữa hai nữ sinh viên. Do không làm chủ cảm xúc, một nữ sinh viên la hét và khóc lóc.
Sự việc đã được cán bộ quản lý tại trung tâm động viên giải quyết xong, không để xảy ra hậu quả gì. Sinh viên này cũng được trung tâm thông báo về cho gia đình, động viên để ổn định tâm lý.
Hiện nay, mọi hoạt động, quá trình giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trường Quân sự Quân khu 7 vẫn diễn ra bình thường.
Trước đó, tối 11-1, trên mạng xã hội lan truyền một số video và hình ảnh chụp màn hình các đoạn tin nhắn, cho rằng một số sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM (HUFLIT) đã bị xâm hại khi học quân sự tại Trường Quân sự Quân khu 7 (TP.HCM).
Trên các trang Confession - một hình thức kênh chia sẻ ẩn danh trên Facebook, một số bài viết đã thuật lại câu chuyện trên, thu hút hàng chục ngàn lượt chia sẻ của cộng đồng mạng.
Hàng ngàn bài đăng khác đã "tam sao thất bản" diễn biến vụ việc khiến câu chuyện trở thành chủ đề "nóng" được quan tâm. Theo thống kê của Google, từ khóa "HUFLIT quân sự" ghi nhận đến hơn 200.000 lượt tìm kiếm trong chưa đầy 12 giờ qua.
Đối với những thông tin lan truyền trên mạng, Trường Quân sự Quân khu 7 cho biết sẽ mời cơ quan chức năng vào cuộc xác minh những người chia sẻ, đưa tin sai sự thật và đề nghị xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Vụ clip sinh viên HUFLIT la hét: Nhà trường nói clip gốc đã bị cắt ghép, dàn dựng với ý đồ xấu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận