Sau khi tiếp quản Vincommerce, Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động của công ty mới - Ảnh: Q.ĐỊNH
Chia sẻ kết quả kinh doanh năm 2019 của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group) ngày 22-1, ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Masan Group, cho rằng không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập Vincommerce (VCM) vừa qua.
"Nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan. Hiện tại, chúng tôi chỉ tập trung vào các nhu cầu cơ bản hàng ngày, nhưng trong tương lai, đó sẽ là một hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất", ông Quang bày tỏ quan điểm.
Kết quả kinh doanh năm 2019 của Masan Group ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất của Masan đạt 37.354 tỉ đồng, giảm 2,2% so với mức 38.188 tỉ đồng của năm 2018.
Tuy nhiên, lợi nhuận thuần hợp nhất phân bổ cho cổ đông năm 2019 tăng 13%, tương ứng 5.558 tỉ đồng so với mức 4.916 tỉ đồng trong năm 2018.
Việc hoàn tất sáp nhập Masan Consumer và Vincommerce để thành lập tập đoàn tiêu dùng lớn nhất Việt Nam sẽ đưa Masan Group là cổ đông sở hữu đa số cổ phần (nắm 70% cổ phần) của công ty mới.
Trong đó, công ty mới sẽ nắm giữ 85,7% cổ phần Masan Consummer và 83,7% cổ phần của Vincommerce.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, sau khi thực hiện hoán đổi cổ phần với hai công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup, cũng trong tháng 12-2019, một công ty con của Masan Consumer đã đưa ra đề nghị chào mua công khai đến 60% cổ phần của Công ty bột giặt NET, vốn được định giá ở mức 46 triệu USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận