10/09/2013 15:37 GMT+7

Không gì nguy hiểm hơn làm phóng viên chiến trường

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Tình hình Syria vẫn đang căng thẳng. Cuộc xung đột tại đất nước này khiến hàng triệu người phải di tản. Bất chấp hiểm nguy những người làm báo lại tìm đến. Và đã có hơn 150 phóng viên từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp phải ngã xuống.

Tuổi Trẻ Online giới thiệu loạt bài Phóng viên chiến trường - nghề mà nữ phóng viên Marie Colvin (thiệt mạng tại Syria năm 2012) từng cay đắng nói: “Chẳng có gì nguy hiểm hơn làm phóng viên chiến trường”.

1Dx42qII.jpgPhóng to
Ayman-al-sahili, phóng viên quay phim của Reuters bị một kẻ bắn tỉa bắn vào chân khi tác nghiệp chiến trường Aleppo (Syria). Ảnh: Reuters
k4vf07eg.jpgPhóng to
Thống kê số phóng viên chiến trường thiệt mạng hàng năm của CPJ từ năm 1992 (8 người) đến 2012 (26 người) và 2013 (hiện là 16 người).
PnNJgtBi.jpgPhóng to
Francesca Borri - một nữ phóng viên chạy thục mạng giữa làn đạn giao chiến từ quân đội chính phủ và phe nổi dậy tại Syria. Ảnh: Columbia Journalism Review

Mỗi khi được đọc những thông tin nóng hổi từ chiến trường hay xem những hình ảnh khốc liệt của chiến tranh, liệu có bao nhiêu người hiểu được rằng để cung cấp chúng cho người đọc, những phóng viên chiến trường chấp nhận xả thân và có thể hi sinh tính mạng mình để đưa tin trên tuyến đầu nơi bom rơi đạn nổ?

Nghề nguy hiểm hơn xưa

Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ), năm 2012 có 71 nhà báo trên thế giới hy sinh khi đang tác nghiệp, trong số này có 26 nhà báo chết giữa các trận chiến. Đây là năm chết chóc nhất đối của phóng viên chiến trường kể từ khi số liệu thương vong của nhà báo được CPJ ghi nhận từ năm 1992, cho thấy công việc của phóng viên chiến trường ngày nay nguy hiểm hơn xưa.

Đặc trưng của nhiều cuộc xung đột trong thời đại này khiến cho người phóng viên chỉ có thể hành nghề một mình và thường phải bám theo phía quân nổi dậy. Chính vì vậy họ dễ bị tổn thương và rơi vào nguy hiểm hơn.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2 và chiến tranh Việt Nam, các phóng viên chiến trường Mỹ thường mặc quân phục lính Mỹ và tháp tùng các đơn vị quân đội Mỹ ra mặt trận. Thậm chí trong hai cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan và Iraq, các phóng viên còn được xếp biên chế vào các đơn vị quân đội.

Đây là thuận lợi và may mắn để phóng viên chiến trường có thể trực tiếp tiếp cận với binh lính, được bảo vệ tốt hơn và có thể được cứu chữa ngay lập tức khi bị thương.

Nhưng trong hầu hết các cuộc xung đột ở một nước hay một khu vực nào đó, phóng viên chiến trường phải đối đầu với môi trường "phi chính thống" khác hẳn, gặp nhiều hiểm nguy hơn là trong các cuộc chiến tranh quy ước.

Thời sự nhất là cuộc nội chiến ở Syria, hiện đã bước sang năm thứ 3 với hơn 100.000 người chết (theo thống kê của Liên Hiệp Quốc), chính phủ Damascus luôn tìm cách hạn chế tối đa các phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại nước mình. Họ chỉ cấp visa cho nhà báo trong những trường hợp đặc biệt và chỉ cho phép các phóng viên nước ngoài đi theo các tour do nhà cầm quyền hướng dẫn.

Vì thế, để có thể đưa tin về cuộc xung đột này, phóng viên nước ngoài chỉ còn có một lựa chọn khả dĩ hơn là đi theo quân nổi dậy. Các phóng viên nước ngoài ở Syria cho biết khi đi theo quân nổi dậy, họ mặc sức muốn đi đâu, làm gì tùy ý.

Nhưng điều này có nghĩa là họ phải rơi vào thế đối đầu không mong muốn với quân đội chính phủ và hứng chịu mọi vũ khí hạng nặng của quân chính phủ trút xuống, từ tên lửa đến bom sát thương cao. Đó là chưa kể tới việc họ phải sống giữa các nhóm phiến quân vốn đầy bất trắc lẫn điều kiện sống thiếu thốn.

Ngày càng khốc liệt

Joel Simon, Giám đốc điều hành CPJ nhấn mạnh rằng: Công ước Geneva năm 1949 quy định rằng các phóng viên bị đối phương bắt trong khi tháp tùng một đạo quân phải được bảo vệ giống như một tù binh chiến tranh (POW).

Sau chiến tranh Việt Nam, công ước này được cập nhật thêm, ghi rõ rằng các phóng viên hoạt động độc lập phải được đối xử như những dân thường. Simon nói rằng: “Luật nhân đạo quốc tế biết rằng các nhà báo hoạt động trong 2 hai khả năng đó. Nhưng ngày nay, cách phổ biến nhất để các nhà báo đưa tin trong các cuộc chiến tranh là hoạt động độc lập”.

Theo CPJ, chỉ trong năm 2011 trong số 46 nhà báo thiệt mạng có 29 người bị giết ở các nước Hồi giáo đang xảy ra nội chiến hay nổi dậy.

Để chuẩn bị cho các nhà báo tự do có thể đương đầu với những nguy hiểm khi đưa tin từ những khu vực xung đột khốc liệt như Syria, tổ chức có cái tên “ấn tượng” là Các nhà báo được hướng dẫn để cứu các đồng nghiệp (Reporters Instructed in Saving Colleagues – RISC) ở Mỹ tổ chức một khóa tập huấn cấp cứu miễn phí trong 4 ngày để giúp các phóng viên biết cách tự xử trí những vết thương của mình và chăm sóc các đồng nghiệp trên chiến trường. Tính đến năm 2013, RISC đã tập huấn được 96 nhà báo.

Đáng nói là, mặc dù được huấn luyện, “trang bị tận răng” mặc áo giáp chống đạn, đeo mặt nạ dưỡng khí chống hơi độc giống như… người ngoài hành tinh thì những năm gần đây có những mức độ kỷ lục về số nhà báo chết trong các tình huống từ bạo động dân thường tới chiến tranh, theo CPJ.

Mới 9 tháng đầu năm 2013, CPJ thống kê có 36 nhà báo xác nhận thiệt mạng và 16 trong số này do tác nghiệp ở vùng chiến tranh, xung đột – chủ yếu ở Syria và Ai Cập. Ngoài ra còn có 20 nhà báo khác thiệt mạng nhưng chưa xác nhận chính thức.

Theo nhà báo tự do Danny Gold, bản chất của công việc đưa tin từ các nơi nguy hiểm đang chuyển sang giới phóng viên tự do ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và gần đây nhất là Syria. Nghề này giờ đây khốc liệt hơn trước rất nhiều.

Nhưng các phóng viên chiến trường chỉ có thể chọn lựa hai khả năng duy nhất: hoặc xông vào hiểm nguy để đưa tin cho độc giả hoặc đứng ngoài những sự kiện lịch sử trôi qua mà không được thông tin gì.

Và đôi khi, họ không chỉ trả giá mạng sống của mình mà cả những người thân trong gia đình cũng bi kịch. Ngày 15-11-2012, cậu con trai mới 11 tháng tuổi Omar của nhà báo Palestine Jihad al-Masharawi (làm việc cho Đài BBC) ở dảy Gaza, đã tử vong sau một đợt ném bom của quân đội Israel. Hình ảnh Jihad ôm xác con đau đớn khóc giữa đám đông phẫn nộ phát đi toàn thế giới không chỉ cho thấy sự vô nghĩa của chiến tranh mà còn là nỗi đau tận cùng của những người làm báo nơi tuyến đầu gian nguy.

“Phóng viên đặc biệt”

Nghề báo vốn được xếp vào số những nghề nghiệp nguy hiểm và tổn thọ nhất. Phóng viên chiến trường lại là những người đứng đầu “bảng phong thần” của báo giới. Tác giả Greg Myre từng chua chát mô tả phóng viên chiến trường: “Đó là những người mà những đại lý bán bảo hiểm nhân thọ luôn né tránh”. Không có cuộc chiến tranh nào là an toàn, không có người phóng viên nào là có khả năng chống đạn.

Trang web True Vision thống kê rằng trong vòng 10 năm qua có khoảng 300 nhà báo đã sinh nghề tử nghiệp, trong đó có khoảng 200 nhà báo là mục tiêu có chủ tâm của những kẻ giết họ.

Trong cuộc chiến tranh Iraq 2003, chỉ trong 26 ngày đầu tiên có 15 nhà báo chết và 2 mất tích, đạt kỷ lục thương vong cao nhất trong thời gian ngắn nhất.

Người ta tính với tỷ lệ này, nếu cuộc chiến tranh Iraq kéo dài như cuộc chiến tranh ở Việt Nam (1963-1975, nơi 63 nhà báo thiệt mạng), sẽ có tới 4.500 nhà báo tử trận!

* Kỳ 2: Chiến trường Syria - trận địa kinh hoàng

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên