08/10/2020 12:18 GMT+7

Khơi thông cửa ngõ, tránh phát triển TP.HCM theo dự án bất động sản

D.N.HÀ ghi
D.N.HÀ ghi

TTO - Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Ngọc Dũng, Hội KTS TP.HCM, cho rằng các cửa ngõ đường thủy, đường sắt của TP.HCM chưa được khai thác đúng mức để giúp TP kết nối tốt hơn với các vùng kinh tế.

Khơi thông cửa ngõ, tránh phát triển TP.HCM theo dự án bất động sản - Ảnh 1.

Nhánh N2 của nút giao thông An Sương, TP.HCM đã được thông xe - Ảnh: Q.ĐỊNH

Theo kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, năm 1679 chúa Nguyễn Phúc Tần chọn Bến Nghé lập đồn binh vì giao thông đường sông thuận lợi, chủ yếu đi bằng tàu ghe. Như vậy, khởi thủy của TP.HCM bắt nguồn từ đường sông, phát triển kinh tế nhờ hệ thống cảng Sài Gòn, đón tàu bè giao thương từ miền Tây lên, miền Trung vào và từ nước ngoài đến...

Khai thác thế mạnh đường thủy

Hiện nay TP.HCM chỉ tập trung phát triển đường bộ mà quên việc khai thác đường thủy. Trong bối cảnh phát triển đô thị theo kiểu "vết dầu loang" hiện nay, hệ thống đường bộ thường xuyên bị tắc, việc khai thác giao thông thủy trên hơn 3.000km sông rạch ngang dọc ở địa bàn TP là một hướng cho giao thông đô thị. 

Trong quy hoạch tích hợp mà TP.HCM đang nghiên cứu điều chỉnh, phải nghĩ đến 3.000km đường sông rạch, đây là nguồn san sẻ rất lớn cho giao thông đường bộ.

Bất cứ một đô thị lớn nào muốn phát triển kinh tế đều phải xác định cửa ngõ giao thông quốc tế là gì. Khởi thủy phát triển kinh tế của Sài Gòn - TP.HCM là hệ thống cảng, nhưng hiện nay cảng Sài Gòn đã dời ra Cát Lái, rồi định dời đến Vũng Tàu, sân bay cũng dự định dời ra Long Thành... 

Vậy cửa ngõ giao thông quốc tế của TP.HCM là đâu? Phát triển kinh tế đường dài của TP.HCM sau này là gì để cạnh tranh với thế giới, với Đông Nam Á? 

Tôi đề nghị khôi phục những cửa ngõ cực kỳ quan trọng mà TP đã bỏ ngỏ lâu nay. Đó là cửa ngõ đầu tiên về đường sắt, đường bộ qua cửa khẩu Mộc Bài, kết nối với thế giới qua các nước Đông Nam Á thông qua quốc lộ 22 và đường cao tốc sắp sửa xây dựng là Mộc Bài. Dọc quốc lộ 22 cần phải có những đô thị vệ tinh để đón đầu phát triển.

TP.HCM có biển Cần Giờ cực kỳ đẹp, nhưng thiếu hệ thống giao thông kết nối và khai thác hàng hải. Lịch sử phát triển đô thị thế giới cho thấy các đô thị hướng ra biển từ rất lâu và thành phố nào hướng biển cũng đều rất thành công. Thậm chí có nhiều học thuyết kinh tế về chiến lược khai thác biển, lấy đường biển làm hệ thống giao thông, cửa ngõ chiến lược. 

Vì vậy, TP.HCM cần khai thác và phát triển biển Cần Giờ thành đô thị cảng và hàng hải, phát triển dịch vụ logistics, sửa chữa đóng tàu, cảng lớn nước sâu... Đương nhiên phải cần thêm kết nối giao thông thuận tiện với những vùng khác của TP và phải có phương án giữ nguyên vùng rừng ngập mặn.

Khơi thông cửa ngõ, tránh phát triển TP.HCM theo dự án bất động sản - Ảnh 2.

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng - Ảnh: Q.Đ.

Kết nối những thành phố chuyên đề

Mấy chục năm trước, TP.HCM muốn phát triển công nghiệp bằng mọi giá nên chỉ mở những khu công nghiệp chứ không thành lập khu đô thị. Các khu chế xuất, khu công nghiệp mọc lên chủ yếu xây dựng nhà xưởng làm việc chứ không có nhà ở cho những người làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đó. 

Sau này, TP có điều chỉnh nên mới có khu đô thị Tây Bắc (H.Củ Chi), khu đô thị cảng Hiệp Phước (H.Nhà Bè), nhưng hai đô thị này đến nay chưa thành công.

Các nước trên thế giới xây dựng các đô thị vệ tinh là các TP chuyên đề, TP.HCM nên học hỏi kinh nghiệm này để phát triển các đô thị vệ tinh nhằm khắc phục hiện tượng "đô thị đầu to" như mô hình phát triển hiện nay. 

Để quy hoạch và phát triển một đô thị chuyên đề, cần nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa... có thể nghiên cứu, dự báo, quy hoạch được lượng người đến và đi trong một đô thị như thế nào để định hướng phát triển kinh tế, xây dựng các cơ sở hạ tầng cho văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, thương mại.

Các TP vệ tinh của TP.HCM nên quy hoạch và xây dựng theo hướng đô thị xanh, phát triển bền vững. Trong đô thị vệ tinh có đầy đủ 5 hạng mục chính theo khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc là nhà ở, việc làm, giải trí, giao thông và di sản. 

Người dân sống, làm việc, học hành, mua sắm trong phạm vi bán kính đi bộ, ít sử dụng xe. Các đô thị vệ tinh - chuyên đề có thể được kết nối bằng những tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, kết nối ra các tỉnh đối trọng xung quanh.

Muốn hình thành những đô thị vệ tinh với đầy đủ hệ sinh thái đô thị như trên, TP nhất thiết phải hạn chế việc giao các dự án bất động sản nhỏ lẻ cho nhà đầu tư. Các doanh nghiệp đầu tư dự án nhỏ lẻ chỉ nhằm bán diện tích sàn xây dựng thu lợi nhuận, còn cơ sở hạ tầng và những tiện ích khác của cư dân Nhà nước phải làm. 

Nhiều đô thị trên thế giới xây dựng đô thị bằng cách lập một công ty cổ phần mà cổ đông gồm có chính quyền địa phương, chính quyền trung ương, người dân và cả nhà đầu tư. Nguồn vốn ban đầu chính là quyền được phát triển đô thị trên khu đất đã được quy hoạch sẵn. Khi đô thị phát triển, tất cả các cổ đông đều được hưởng lợi và cơ chế hoạt động của công ty cổ phần khiến tài chính của công ty rất minh bạch, tạo lòng tin cho người dân và nhà đầu tư. 

Tất cả các bước trên đều có từ quy hoạch và kịch bản thực hiện quy hoạch rõ ràng ngay từ đầu. Theo tôi, TP.HCM có đầy đủ những điều kiện áp dụng mô hình này để xây dựng các TP - đô thị vệ tinh như định hướng bấy lâu nay, khắc phục tình trạng phát triển đô thị theo các dự án bất động sản như thời gian qua.

Khơi thông cửa ngõ, tránh phát triển TP.HCM theo dự án bất động sản - Ảnh 3.

Tuyến tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng - Bình Dương - địa đạo Củ Chi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sản phẩm của TP Thủ Đức là gì?

TP.HCM đang bàn đến việc thành lập TP Thủ Đức gồm ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Vậy phải xác định đô thị sẽ sản xuất ra sản phẩm gì cụ thể để mang lại 30% tổng thu nhập của TP.HCM, và quan trọng hơn hết là người dân đứng ở vị trí nào trong công cuộc thành lập và phát triển đó?

Phương pháp làm quy hoạch tích hợp tất cả các lĩnh vực theo quy định hiện hành là một cơ hội thuận tiện để TP xây dựng một quy hoạch và có kế hoạch, kịch bản thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

TP nên mời các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực để cùng nghiên cứu, góp ý xây dựng quy hoạch, giúp TP xác định mũi nhọn phát triển. Trên địa bàn TP không cần những khu công nghiệp thâm dụng lao động lớn, mà phải hướng tới công nghiệp tri thức, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, phát triển những lĩnh vực có giá trị gia tăng, hàm lượng chất xám cao.

TP cũng cần xây dựng nhanh hệ thống đường vành đai để hạn chế giao thông xuyên tâm và phát triển, kết nối với các đô thị lân cận thuận tiện hơn.

Cử tri mong bố trí cán bộ có tâm, có tầm, mẫn cán để điều hành TP Thủ Đức Cử tri mong bố trí cán bộ có tâm, có tầm, mẫn cán để điều hành TP Thủ Đức

TTO - Cử tri quận 2 cho rằng dù công nghệ thông tin có phát triển cỡ nào thì thành phố (TP) Thủ Đức vẫn cần những cán bộ công tâm, tích cực, chủ động, mẫn cán với công việc.

D.N.HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên