24/06/2016 09:15 GMT+7

Khoảnh khắc sinh tử

BẠCH HOÀN
BẠCH HOÀN

TTO - Khi vừa bò qua được đoạn hầm mới sập với vài chiếc cột chống tạm bợ do các phu vàng dựng lên, đột nhiên một cảm giác kinh hoàng ập đến...

Nhà báo Bạch Hoàn tác nghiệp trong hầm vàng ở Khe Đương - Ảnh nhân vật cung cấp
Nhà báo Bạch Hoàn tác nghiệp trong hầm vàng ở Khe Đương - Ảnh nhân vật cung cấp

Khi vừa bò qua được đoạn hầm mới sập với vài chiếc cột chống tạm bợ do các phu vàng dựng lên, đột nhiên một cảm giác kinh hoàng ập đến. Chiếc điện thoại trên tay tôi báo đã sắp 12g. Đó là thời điểm 20 quả mìn trong hầm này sẽ được kích nổ. Tôi nghĩ đến cái chết...

Sau thành công và hiệu quả của nó, những người thực hiện phóng sự điều tra về bãi vàng Khe Đương được đích thân tổng giám đốc VTV khen thưởng đặc biệt

Bạch Hoàn

Cuối tháng 8-2014, tôi lên khu vực Khe Đương thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng để làm loạt phóng sự về tình trạng khai thác vàng trái phép đang diễn ra ồ ạt, không người quản lý.

Thâm nhập thế giới vàng

Tại đây có hàng chục hầm vàng, với hàng trăm ngóc ngách đang được đào bới. Hàng trăm người, thậm chí có thời điểm cả ngàn người từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An... lũ lượt kéo nhau lên Khe Đương, mang theo một giấc mơ vàng.

Họ đi theo tin đồn có người đã trúng 16kg vàng ở nơi ấy. Khi đề xuất đề tài này với lãnh đạo Trung tâm tin tức VTV24, Đài truyền hình VN, tôi nhận được đồng thuận về sự cần thiết thực hiện loạt phóng sự nhằm cảnh báo sự nguy hiểm của các hầm vàng trái phép, đồng thời tạo sức ép khiến các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng phải quản lý chặt chẽ hơn, chấm dứt tình trạng chảy máu khoáng sản.

Thế nhưng, khi đến hiện trường thì sự nguy hiểm ấy không chỉ ở trong các hầm vàng tạm bợ mà xuất hiện ngay trên đường đi. Khu vực khai thác vàng nằm trên đỉnh núi nên chúng tôi phải vượt 10km đường rừng, với liên tiếp những con dốc cao dựng đứng, nền đường đa số là đá núi từng tảng lớn nằm ngổn ngang, lởm chởm.

Mới sang con dốc thứ hai, vỏ xe của chúng tôi đã bị đá núi cứa vào rách tơi tả. Chiếc xe chạy như bò, chúng tôi đi trong nơm nớp lo sợ suốt hai tiếng vượt rừng lội suối. Gần đến đỉnh núi, chúng tôi dừng lại ở một viền rừng, nơi có một bãi đất chi chít những đầu thuốc lá được cắm xuống, bên cạnh là một bát hương.

Anh Sơn, người am hiểu khu vực Khe Đương, dẫn đường cho chúng tôi, nói rằng đó là nơi máu phu vàng đã đổ xuống. Những phu vàng đi qua đây đều dừng lại, đốt vài điếu thuốc cắm xuống để hương hồn người chết bớt lạnh lẽo nơi rừng núi thăm thẳm, hoang vu. Chúng tôi cũng làm vậy rồi lên đỉnh núi.

Tôi chỉ có hai ngày ở Khe Đương để ghi nhận được cận cảnh một đại công trường khai thác vàng trái phép. Thời điểm chúng tôi có mặt ở đó, có khoảng sáu đầu nậu phân chia địa bàn khai thác. Cửa hầm nào cũng có người canh gác.

Chúng tôi đi đâu cũng có người âm thầm bám theo giám sát, thậm chí dọa nạt. Nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ đã được tính toán kỹ trước khi đi, chúng tôi vẫn vào được bên trong các hầm vàng.

Đó là một mạng lưới chằng chịt, ngóc ngách ăn sâu vào lòng núi. Có hầm sâu hàng trăm mét nhưng gần như chỉ có cột chống ở cửa, bên trong có những đoạn kết cấu đất yếu, có nước chảy có thể dẫn đến sập hầm. Thế nhưng, các phu vàng sẵn sàng đánh đổi mạng sống của họ vì giấc mơ vàng.

Đối diện cái chết

“Dây điện này để kích nổ mìn. Tí nữa khoảng 12g là đánh mìn đấy. Hôm nay đánh 20 quả. Bên trong người ta đang khoan đấy” - một phu vàng nói với chúng tôi ngay ở cửa hầm. Đánh mìn là cách phổ biến trong khai thác vàng thay vì dùng cuốc xẻng đào bới thủ công. Chúng tôi quyết định phải ghi hình được cảnh khoan mìn để chứng minh hoạt động khai thác tại đây có quy mô, với hàng tấn mìn đã được sử dụng.

Thế nên tôi, anh Việt Cường và anh Sơn cùng đi vào sâu trong hầm vàng. Để vào được đoạn hầm cuối cùng, chúng tôi phải bò từng bước một. Quay phim Việt Cường liên tục nhắc phải cẩn thận kẻo không bám đúng vị trí sẽ làm sập hầm.

Khi vừa bò qua được đoạn hầm mới sập với vài chiếc cột chống tạm bợ do các phu vàng dựng lên ấy, đột nhiên một cảm giác kinh hoàng ập đến.

Trong hầm bóng tối đặc quánh, không còn bất cứ người nào. Những phu vàng cuối cùng đã ra ngoài khi chúng tôi còn đang tính toán có vào trong hầm một lần nữa hay không. Chiếc điện thoại trên tay tôi báo đã sắp 12g. Đó là thời điểm 20 quả mìn trong hầm này sẽ được kích nổ.

Chiếc đèn quay phim rọi vào trong những góc tối của hầm vàng, trên hiện trường còn nguyên những dấu vết của mìn đã được khoan vào lòng đất. Một luồng điện chạy dọc khắp cơ thể, tôi nghĩ đến cái chết nơi hẻo lánh, lạnh lẽo này...

Tôi đứng đó trong bóng tối, trước nguy cơ cả ba người có thể bị nổ tung rồi vùi lấp trong lòng núi, có thể vĩnh viễn không thể trở về với gia đình được nữa. Tôi thấy có lỗi với đồng nghiệp của mình vì đã đưa họ vào con đường nguy hiểm. Nghĩ đến cái chết, tôi nhớ con trai tôi ở Hà Nội da diết. Con trai tôi lúc ấy mới 2 tuổi, còn chưa biết bi bô tập nói. Nếu tôi chết thì ai sẽ nuôi nấng, dạy dỗ con mình?

Tôi định thần lại và biết rằng mình phải ra khỏi nơi ấy và sống. Tôi hét lên: “Trong này không còn ai cả. 12g rồi, sắp nổ mìn đấy, chúng ta phải ra khỏi đây thôi. Nhanh lên các anh”.

Thấy anh Sơn và quay phim Việt Cường cố quay nốt những cảnh còn lại trong hầm, tim tôi đập dồn dập và hét to hơn: “Không cần quay nữa. Đủ rồi! Chúng ta phải ra ngoài ngay lập tức”. Sau đó chúng tôi bò thật nhanh ra ngoài. Chỉ khi ra đến cửa hầm tôi mới thấy mình có thể thở lại.

Ngay lúc ấy có tiếng nổ ầm ì bên trong. Các phu vàng nói rằng họ đã kích nổ mìn để sau giờ nghỉ trưa sẽ chở đất ra ngoài đãi vàng. Một ngày có bốn đợt nổ mìn như vậy. Và chỉ trong hai tháng, hàng tấn mìn đã được sử dụng.

Cứ thế, mọi hoạt động diễn ra trong bóng tối của những hầm vàng. Giấc mơ vàng đã khiến những phu vàng Khe Đương quên mất cảm giác lo sợ về những rủi ro quanh mình. Rủi ro cái chết có thể đến bất cứ khi nào...

Trong loạt phóng sự khai thác vàng trái phép ở Khe Đương, không chỉ có được rất nhiều hình ảnh cận cảnh, chi tiết trong các hầm vàng, các máy móc hoạt động, phu vàng đào bới, đãi vàng... mà chúng tôi còn kể được nhiều câu chuyện về các phu vàng ở Khe Đương với những tâm sự, những cảm xúc rất thật của họ về những tăm tối của đời phu vàng.

Nhiều người hỏi tôi làm cách nào có thể tác nghiệp ở Khe Đương? Tôi đã trả lời rằng nếu lên Khe Đương đúng vai nhà báo, sẽ không dễ gì trở về được. Tôi cũng không khoác áo “vàng tặc” để làm làm phóng sự khai thác vàng trái phép. Thay vào đó, tôi chọn một chiếc áo phù hợp với mình: một cán bộ quản lý cấp trên về khảo sát bãi vàng.

Hiệu quả của hình ảnh

Tôi tìm gặp ông Lê Đình Thám, phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ông Thám khăng khăng: “Chỉ có vài người dân địa phương lên khai thác tự phát, họ làm bằng tay chân chứ hoàn toàn không có máy móc”.

Còn khi làm việc với ông Đặng Phú Hành, phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, thực trạng khai thác trái phép rầm rộ đã được vị lãnh đạo này thừa nhận.

Các phu vàng tiết lộ trong sáu đợt truy quét gần nhất, họ được báo trước để tạm ngưng khai thác cả sáu lần. Để có được thông tin ấy, tỉ lệ ăn chia với các đầu nậu cung cấp thông tin là 70-30, nghĩa là tiền bán vàng được 1 triệu thì đầu nậu hưởng 300.000 đồng.

Đầu tháng 9-2014, khi Bản tin tài chính kinh doanh trên VTV1 phát sóng các phóng sự với những hình ảnh không thể chối cãi về hoạt động khai thác vàng bằng máy móc, bằng hàng ngàn quả mìn được kích nổ mỗi tháng, cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, truy quét bất ngờ và chấm dứt hoạt động khai thác vàng trái phép.

Bộ Tài nguyên và môi trường có chỉ đạo phải rà soát trữ lượng vàng ở mỏ Khe Đương để đưa vào quy hoạch nhằm quản lý chặt chẽ hơn, tránh chảy máu tài nguyên khoáng sản quý hiếm.

_____________________

Kỳ tới: Vượt lên cám dỗ

BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên