Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai - Ảnh: Reuters
Bất chấp những thông tin tiêu cực từ phương Tây và sự phản đối của các phe đối lập, ông Maduro đã tuyên thệ nhậm chức ở Tòa án Công lý tối cao (TSJ) ngày 10-1, chứ không phải Quốc hội.
Cô lập
Địa điểm tổ chức tuyên thệ đã nói lên tất cả về sự chia rẽ tại Venezuela thời điểm này. Quốc hội, hiện do Chủ tịch Juan Guaido đứng đầu, là phe đối lập. Trong khi đó, TSJ là bên ủng hộ Tổng thống Maduro.
Trong một phát biểu về vấn đề này, ông Guaido cáo buộc ông Maduro "chiếm quyền", đồng thời khẳng định giờ đây Quốc hội, vốn dĩ bị ông Maduro dọa giải tán, là "quyền lực hợp pháp" duy nhất ở Venezuela. "Hôm nay không có người đứng đầu quốc gia. Hôm nay không có tổng tư lệnh nào cả" - ông Guaido nói.
Vừa lên nắm Quốc hội ở tuổi 35, ông Guaido hiện đang trông cậy vào sức ép quốc tế để đẩy ông Maduro khỏi vị trí quyền lực. Tổng thống Cuba Miguel Diaz-Canel và Tổng thống Bolivia Evo Morales nằm trong số ít những lãnh đạo thế giới đến dự lễ tuyên thệ của ông Maduro.
Trong khi đó, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ đã thông qua nghị quyết không công nhận nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Maduro, trong đó có chữ ký của Colombia, Argentina, Brazil, Chile, Costa Rica, Mỹ, Paraguay và Peru.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép nhằm ủng hộ người dân Venezuela. Ông nói trong một tuyên bố: "Đây là lúc các lãnh đạo Venezuela lựa chọn".
Với giọng điệu mạnh mẽ hơn, Tổng thống Argentina Mauricio Macri khẳng định ông Maduro đã chế nhạo nền dân chủ. Paraguay còn đi xa hơn khi cắt quan hệ ngoại giao với Venezuela, triệu hồi các nhà ngoại giao về nước và cấm 100 thành viên trong chính quyền Maduro nhập cảnh Paraguay.
Hoang mang
Sự phản đối trong và ngoài nước dành cho ông Maduro xuất phát từ tình trạng trái khoáy ở nước này: trong khi kinh tế Venezuela bị nhận xét khủng hoảng ở thời điểm hiện tại, còn nhà lãnh đạo Maduro giành đến 68% phiếu ủng hộ để đắc cử hồi tháng 5-2018. Dĩ nhiên, phe chỉ trích nói rằng kết quả phiếu bầu bị thao túng.
Khi ông Maduro làm tổng thống năm 2013, Venezuela đã gặp khó trăm bề vì tăng trưởng yếu kém, nợ công và giá dầu sụt giảm. Khi ấy, kinh tế Venezuela tăng trưởng 1,3%, doanh thu từ dầu mỏ đạt 85 tỉ USD - tức chiếm tới 98% xuất khẩu.
Những diễn biến tồi tệ của giá dầu từ ấy đến nay khiến Venezuela lâm vào khủng hoảng. Lạm phát phi mã dẫn tới hàng hóa khan hiếm, nạn chợ đen khắp nơi và các hệ thống công ích gần như tê liệt.
"Lương tối thiểu của người dân hiện chỉ khoảng 3 USD, thậm chí thấp hơn. Thị trường chợ đen đang chi phối kinh tế Venezuela" - Andreina Itriago, nhà báo làm việc tại thủ đô Caracas của Venezuela, nói với Tuổi Trẻ.
Thực tế lý do để lo lắng nằm ở chỗ Venezuela dường như không có lựa chọn trong thời điểm này. Tờ New York Times (Mỹ) cho rằng tình trạng hỗn loạn trong nước và sự tuyệt vọng của người nghèo hóa ra lại đóng góp vào việc ông Maduro tiếp tục duy trì quyền lực.
Minh họa ý này, Itriago nói rằng Venezuela không tìm được lãnh đạo nào trong thời điểm hiện tại, bởi người dân cũng không kỳ vọng vào phe đối lập "có thể làm nhiều hơn". Theo Itriago, cựu tổng thống Hugo Chavez dẫu bị phản đối nhưng ít ra còn nhận sự ủng hộ thực chất từ một bộ phận người dân khác, chứ không phải như ông Maduro lúc này.
Khoảng 2-3 triệu người Venezuela, tức chiếm khoảng 10% dân số, đã rời khỏi đất nước giữa lúc hỗn loạn. Những người ở lại giờ chỉ mong ông Maduro có thể vực dậy nền kinh tế với những lời hứa và kế hoạch ông đã đặt ra. Mà không hi vọng vào đó cũng không còn cách nào khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận