05/05/2011 06:50 GMT+7

Khoảng lặng sau tiếng cười - Kỳ 5: Đóng cửa và khóc

NSƯT Thành Lộc
NSƯT Thành Lộc

TT - “Năm 36 tuổi, tôi đã từng đóng cửa phòng và khóc nức nở như một đứa con nít” - Thành Lộc kể. Quá nhiều tiếng cười trên sân khấu để rồi òa vỡ những giọt nước mắt không kiềm chế sau bao dồn nén. Đã quá nửa đời người. Không gia đình nhỏ của riêng mình. Gian phòng của Thành Lộc cứ vắng lặng, yên ắng đến cô độc và lạc lõng.

Ag0UeZo9.jpgPhóng to

Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc - Ảnh: Gia Tiến

Soi gương đời

Một ngày mới của anh có khi bắt đầu từ lúc 5g hoặc 6g30 sáng và kết thúc lúc 2-3g rạng sáng hôm sau. Một ngày với một cuộc sống của hai tâm hồn trong một con người: nửa lo toan, rộn rã lúc ban ngày; nửa còn lại cứ thui thủi một mình sau những ồn ào, rộn rã, khi chỉ còn lại mình trong những đêm lặng.

Từ lúc ra trường (năm 1982) đến giờ Thành Lộc vẫn giữ thói quen đi chơi một mình, uống cà phê một mình và xem phim cũng một mình. Có đêm khuya đi diễn về trời đổ mưa. Ðường vắng. Người thưa. Anh nhớ lại cảm xúc của mình khi ấy: "Tôi thấy Sài Gòn đẹp quá. Lúc đó tôi chỉ sợ có người thứ hai bên cạnh phá vỡ mất giây phút thưởng thức cảnh đẹp hiếm có ấy. Nhìn thấy những người ngủ bên đường, đắp một manh chiếu mỏng; những người công nhân quét đường dưới mưa... tôi cảm nhận được nỗi cô đơn của họ và thấy nỗi cô đơn của mình trở nên nhỏ bé".

"Lúc tôi cô đơn cùng cực nhất, không một ai bên cạnh vỗ về, an ủi. Nhiều khi chỉ cần nhìn với ánh mắt thông cảm là đã thấy ấm lòng. Sự thành đạt của tôi mọi người không chia sẻ được, chỉ biết tôi nổi tiếng chứ không biết tại sao. Tôi cũng không muốn chia sẻ vì không muốn mọi người phải nặng lòng vì mình!"

Tết năm 1994. Diễn tới mồng 5 tết khi xong suất sáng và chiều, Thành Lộc bị tắt tiếng hoàn toàn. Mặc nguyên bộ đồ diễn, không kịp tẩy trang, anh tức tốc nhờ diễn viên Nguyễn Sơn chở đi gõ cửa một bác sĩ quen. Thành Lộc không nói được nên phải viết giấy đề nghị bác sĩ chích thuốc để tối đi diễn hài tiếp. Ðó là lựa chọn không thể khác bởi "Vé bán diễn tới hết ngày 15, làm sao dám nghỉ ngơi?".

Lúc về ngồi sau xe, Thành Lộc chảy nước mắt vì thấy tủi thân. "Nếu vì lý do nào đó Thành Lộc mãi mãi không hành nghề tiếp được vì đã mất tiếng rồi thì sao. Lúc đó ai gánh tai nạn cho mình? Ðó là những lúc tôi thấy mình cô độc quá" - Thành Lộc bùi ngùi nói. Sự cô độc đó không ít lần đẩy anh rơi vào trạng thái hoang mang. Vậy mà khi về đến nơi diễn thấy khán giả xếp hàng dài, ai cũng háo hức chờ xem vở diễn, Thành Lộc lại quên hết buồn tủi.

Sau 15 ngày vắt kiệt sức diễn, Thành Lộc nghỉ một tuần chữa bệnh. Anh bảo: "Lúc đó tôi thấy mọi thứ vinh hoa, danh vọng, tiền bạc là ảo giác. Bao nhiêu tiền diễn tết chữa bệnh hết một nửa. Nhiều khi tôi hờn lẫy khán giả: khán giả có biết mình đang bệnh không?, có thương mình không? Nhưng rồi lại tự an ủi mình: khán giả thấy mình khàn tiếng mà vẫn ở lại xem tới lúc kết thúc, cùng khóc cùng cười với mình là thương mình quá rồi".

"Nhìn mình khóc trong gương tôi nhớ đến tiểu thuyết Nữ diễn viên, có chi tiết nhân vật nữ nhìn vào gương, phát hiện thấy mình khóc rất dễ thương và tư thế khóc quá đẹp. Tôi bật cười ngỡ ngàng khi cũng phát hiện điều đó. Lúc đó tôi nghĩ nếu sau này có đóng vai nào có sự phản bội, tôi sẽ khóc như thế. Tôi khóc cho tới lúc thấy mắt mình long lanh hơn và lòng nhẹ nhàng hơn", Thành Lộc bật cười.

Qua miền thử thách

Gần 10 năm trước Thành Lộc bị gai cột sống. Ba cái gai xuất hiện dọc xương sống, nằm ở vị trí mà Thành Lộc có thể bị liệt. Anh rùng mình nhớ lại: "Chưa bao giờ tôi cảm nhận rõ cái chết đến thế. Cái chết đang đến rất gần. Từng ngày, từng phút". Thành Lộc gặp được một thầy thuốc học y thuật từ Trung Quốc. Thầy yêu cầu anh phải nghỉ diễn để có nhiều thời gian và chuyên tâm chữa bệnh.

Thành Lộc vẫn đi diễn, vẫn tung tăng nhảy nhót rổn rảng trên sân khấu để lấy tiền mua thuốc. Ðêm nào cũng 12g khuya - lúc đã diễn xong - anh mới đến nhà thầy thuốc chữa bệnh cho tới 4g sáng. Cứ mỗi ngày nhiệt độ trong thùng nước thuốc xông lại tăng lên. Toàn thân rát bỏng và tưởng như ngất ngay trong thùng nước thuốc. Mỗi lần như thế, tài xế taxi phải dìu Thành Lộc về nhà.

48 đêm liên tiếp như thế. 48 ngày đêm cô đơn cùng cực. Không ai biết Thành Lộc đang chới với và đau đớn chiến đấu với tử thần trong tâm thế một sống mười chết. "Tôi khao khát có người mình yêu thương ở bên cạnh biết bao, chỉ cần nhìn lúc tôi đang đau đớn thôi cũng cảm thấy vơi bớt nỗi đau thể xác và cả tâm hồn". Nhưng không có ai bên cạnh. 48 đêm dài như 48 thế kỷ. Ðêm nào người nghệ sĩ ấy cũng đối diện với nỗi cô đơn, đau đớn và cái chết. Ðêm nào cũng về nhà là đóng cửa phòng lại, lặng lẽ khóc.

Trong 41 năm nghiệp diễn của mình, Thành Lộc đã gặp không biết bao nhiêu lần tai nạn nghề nghiệp đau đớn trong lúc diễn hài. Vở Tin ở hoa hồng, đang diễn thì bàn chân bị lật ngang, Thành Lộc bình thản tươi cười nhảy múa trong suốt 3 giờ đau đớn!

Tháng 12-2006 khi diễn vở Cậu bé rừng xanh, Thành Lộc đang đu bay vòng vòng thì bất ngờ bị vuột dây. Anh rớt từ độ cao gần 3m, lưng đập xuống đất. Kết quả chụp X-quang, anh bị giập ba đốt xương sống do cú va chạm mạnh, cánh tay phải bị bong gân do chống xuống sàn. Anh choáng váng khi thấy bác sĩ thông báo: không loại trừ khả năng bị liệt vĩnh viễn! Thành Lộc nằm ở bệnh viện 10 ngày và trở về trên...băng ca. Hai tháng trời Thành Lộc phải nằm một chỗ. Anh nhớ lại những suy nghĩ hoang mang của mình khi đó: "Tôi rất sợ. Sợ nhiều thứ. Tôi sợ nợ ngân hàng vì mới mượn tiền xây nhà mới. Tôi sợ nếu mình nằm một chỗ vì tôi là nguồn thu nhập chính để nuôi mẹ. Nhưng tôi không sợ chết nữa, chỉ sợ là người vô dụng".

"Tôi thấy các em bây giờ yêu mình nhiều hơn yêu nghề. Còn chúng tôi đôi khi yêu nghề hơn yêu mình và phải trả giá. Ðó chính là sức khỏe. Nhiều lúc tôi ứa nước mắt khi nghĩ tới ngày xui rủi, bị tai nạn nghề nghiệp tới mức phải bỏ nghề thì sao? Khi phải sống mà không được gắn bó với niềm đam mê của mình thì tôi còn sống trọn vẹn nổi không? Cứ nghĩ tới điều đó là thấy tủi thân. Những lúc đau bệnh vì nghề nghiệp là lúc tủi thân nhất", Thành Lộc ngậm ngùi bảo.

Nhìn lại quãng đường hơn nửa đời người, nghệ sĩ Thành Lộc chia sẻ: "Ðến một lúc nào đó trong cuộc đời mình, tôi lại cảm thấy nỗi cô đơn không làm mình khó chịu nữa mà làm cho tôi thăng hoa trong nghệ thuật. Cuộc đời là bể khổ, luôn thử thách con người. Thử thách đầu tiên là vượt lên nỗi cô đơn của mình".

________________________

“... Tôi không bao giờ có thể vui vào những ngày hội hè, lễ lạt, cả ngày Tết Nguyên đán hay thậm chí ngày thành lập nhà hát. Tôi cứ thấy mình trơ ra chả ăn nhập gì với cuộc vui”. Đó là tâm tình của một “đệ nhất danh hài” đất Bắc.

Kỳ tới: Nhìn đời cười buồn

_______________________________

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: “ Kép Tư Bền” của Minh Nhí Kỳ 2: Kiếp tằm dâu... Kỳ 3: Bước qua cổng đời Kỳ 4: Nước mắt vô hình

NSƯT Thành Lộc
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên