03/05/2011 06:01 GMT+7

Khoảng lặng sau tiếng cười, Kỳ 3: Bước qua cổng đời

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - “Cha nói cái nghề này máu và nước mắt nhiều hơn mồ hôi, nhưng với con đó là động lực. Con sẽ làm được!”. 21 năm trước, cô gái bé nhỏ Cát Phượng kiên quyết nói như thế với cha và nhất định không chịu quay về Bạc Liêu khi đậu hệ A Trường Nghệ thuật sân khấu 2 TP.HCM.

uZa6B153.jpgPhóng to

Nghệ sĩ Cát Phượng trong vở kịch Cánh đồng bất tận - Ảnh: Gia Tiến

Cát Phượng vẫn không quên được cảm giác khi bước qua cánh cổng ký túc xá: “Tôi rợn người và nghĩ đây là bước ngoặt đầy gian nan và thử thách. Nhưng mình đã thích thì sẽ làm được, sẽ vượt qua hết”.

Đói!

Mới năm nhất Cát Phượng đã được mời đóng phim, quay phim ca nhạc. Sáu tháng sau, Phượng bị đuổi học vì khi đó trường nghiêm cấm sinh viên làm thêm. Những lúc không được mời đóng phim, quay ca nhạc, không còn tiền để ăn, Cát Phượng phải đi bán máu. “Cầm mấy chục ngàn đồng trong tay tôi bật khóc, nhưng không còn cách nào khác để thoát đói!” - Cát Phượng kể. Đó là những ngày tháng dài dằng dặc chỉ có mì gói, sáng trưa chiều tối. Đến tận bây giờ Cát Phượng sợ không dám ăn mì gói. Quá khứ chật vật ấy đã tạo nên một thần sắc, dáng hình Cát Phượng chỉ phù hợp với những vai nhà quê, bình dân, nghèo khó.

Hai năm không có một vai phụ, kể cả vai quần chúng. Phượng bảo: “Tôi không cho phép mình đầu hàng nhưng bật khóc mỗi khi nghĩ tới ngày được đi diễn. Lúc còn đi học tôi chỉ ước được vào sân khấu 5B Võ Văn Tần diễn... vai quần chúng!” - Cát Phượng nhớ lại.

Đến khi làm nghề, Cát Phượng mới dần thấm thía câu nói của cha. Máu đã từng đổ trên sàn tập và cả trên sân khấu. Trong vở diễn Người lấy tiên, cảnh “bà tiên” Cát Phượng bay xuống trần gian, nhân viên hậu đài làm nhiệm vụ kéo dây say rượu, bất ngờ buông dây. Hai đầu gối Cát Phượng đập xuống sàn gỗ ở độ cao 5m. Cô nghe rõ tiếng “cốp” rất giòn và lớn vang lên rồi hai mắt sụp tối, choáng váng! Nhưng Cát Phượng bình tĩnh chữa cháy bằng một câu hài hước: “Tự nhiên đang bay hết phép rớt xuống”.

Khi Cát Phượng đóng vai bà vú trong vở Người vợ ma, cô nhập tâm và tập nhiều tới mức bị sốt. Bởi suốt một tuần cô và bạn diễn mới sắp xếp được thời gian trùng khớp để tập từ 23g30 đến 4g-5g hôm sau. Cát Phượng sụt mất 4kg sau vai diễn ấy.

Kịch và đời

Cát Phượng bảo cuộc đời cô như một bãi cát, cứ dịu êm rồi lại ào ạt sóng xô đẩy liên tiếp. Năm 2000, đoạt giải Mai vàng rồi lập gia đình với diễn viên kịch Thái Hòa (năm 2002), Cát Phượng cứ nghĩ cuộc đời mình sẽ hết chông chênh, sẽ bình yên mãi. Vậy mà hai người chia tay, chỉ một năm sau khi bé Bom ra đời.

Những ngày mới ly dị xong, Cát Phượng và Thái Hòa vẫn phải tấu hài chung với nhau trong một số vở, mà toàn là những vai yêu đương, vợ chồng như vở Chồng ghen, Chồng nhác, Chuyện cái bồ... Cát Phượng bảo lúc lên sân khấu, cô hoàn toàn quên hết chuyện riêng tư của người nghệ sĩ, chỉ còn lại vai diễn. “Thà lúc đó tôi là tôi, tôi sẽ cảm nhận được và đối diện được với nỗi đau khi phải diễn chung dù đã ly dị” - Cát Phượng nói. Chỉ khi thay trang phục diễn đi xuống cầu thang, nước mắt rơi lúc nào không hay...

Có đêm khi Cát Phượng đang diễn với Thái Hòa, bên dưới có tiếng xầm xì: Sao ly dị mà vẫn diễn chung hay vậy? “Trong phút chốc tôi như người bước hụt, chao đảo và phân tâm” - Phượng kể. Có lần hai người đang diễn cảnh chuẩn bị hôn nhau, bỗng dưng Cát Phượng giãy ra, thảng thốt. Đáng sợ nhất là lần họ diễn lại vở Bỉ vỏ. Khán giả lặng đi khi xem cảnh Tám Bính và Năm Sài Gòn hôn nhau. Lúc họ chưa chia tay nhau, mỗi lần diễn tới cảnh này khán giả vỗ tay rần rần.

Cát Phượng làm việc điên cuồng. Cô nhận sô bất kể ở tỉnh hay thù lao bao nhiêu - có khi chỉ mấy trăm ngàn đồng - Phượng vẫn nhận. Cô muốn đi biền biệt, làm quần quật để quên đi, quên hết nỗi đau chia ly, tan nát. Đó là những tháng ngày xót xa nhất. Đôi mắt vốn dĩ đã buồn lại càng như trĩu nước, vết thương lòng đang đau rát nhưng vẫn diễn hài chọc khán giả cười. “Có những lúc đang diễn, bất chợt tôi nhìn xuống khán giả thấy có những cặp vợ chồng ôm đứa con nhỏ, lòng tôi chùng hẳn xuống, miệng vẫn nói, vẫn cười như một thói quen”.

Valentine năm nay Phượng diễn ba vai trong Chọn vợ, một vở liên quan đến tình yêu. Tới 11g45 đêm mới xong, Cát Phượng chạy một vòng quanh thành phố. Con đường nào cũng thấy cảnh bán hoa, cảnh người mua hoa tặng nhau rạng rỡ. Cát Phượng cố giữ vẻ lạnh băng chạy xe phăm phăm lên cầu Thủ Thiêm rồi dựng xe nhìn những cặp tình nhân. Vui cho người và tủi cho mình.

Phượng ơi, đừng khóc!

Vẫn như bao đêm của bao năm tháng sau khi đường ai nấy đi, đêm diễn về vẫn một mình Phượng tự mở cửa, tự dắt xe vô nhà, tự mình bật đèn. Khung cửa sổ bằng gạch gần bancông - cái không gian lặng yên nhưng không bình yên trong không biết bao đêm - là nơi Cát Phượng đau đáu ngồi ở đó nhìn xuống thành phố. Vui, Phượng cười một mình. Buồn, Phượng bật nhạc lớn để khóc không ai nghe. Diễn một vai bi xong, đã không biết bao lần chạy xe về nhà một mình, không chịu nổi Cát Phượng tấp vô lề đường, gục khóc trên xe.

Nhiều lúc Cát Phượng tự nói chuyện với mình trong gương cho qua nỗi cô đơn, buồn tủi để sống tốt hơn. Thói quen đó đã theo Phượng từ hồi còn là cô bé chân quê. “Hồi nhỏ có nhiều chuyện buồn, bị ức chế nhưng không biết nói với ai, tôi hay ngồi hát nghêu ngao khi giặt đồ, nấu cơm... Có những buổi chiều ngồi giữa cánh đồng đã gặt lúa xong, tôi tự nói chuyện, cứ như đang diễn một vai nào đó. Rồi tôi cười, tôi khóc, tôi hát... như bị điên nhưng rất thích” - Cát Phượng kể.

Những lúc buồn nhất, Cát Phượng trang điểm thật đẹp, mặc đồ thật đẹp để thấy mình tươi tắn, còn sức sống. Và để người khác khen: Hôm nay đẹp quá, tươi quá. Nhưng đôi mắt buồn thì không thể hóa trang. Lúc vui nhất lại là lúc trông cô giản dị nhất, không chải chuốt, không trang điểm.

Có lần Cát Phượng gọi điện thoại cho Thành Lộc tới. Cô uống rượu say lả, ói, khóc rồi lăn ra ngủ. Lúc tỉnh dậy thấy Thành Lộc đang quạt cho mình và bảo: “Hãy nhìn thẳng vào nỗi đau của mình. Hễ nhớ thì cứ nghĩ tới, cứ để nỗi nhớ, nỗi đau đi xuyên qua mình một lần”. Phượng đang ráng tập để nỗi đau đi xuyên qua mình. Nhưng nỗi đau thì cứ ngấm từng ngày vào tâm can, mà người phụ nữ ấy thì mong manh lắm...

“Ai cũng có những lúc cô đơn. Là nghệ sĩ lại càng cô đơn. Nỗi cô đơn của người nghệ sĩ quắt queo lắm, khắc khoải lắm vì cô đơn hơn người bình thường, không thể chia sẻ. Không tình yêu, tôi thấy cuộc sống như cơm nguội. Tôi không có bạn bè đúng nghĩa vì không thể chia sẻ những chuyện buồn. Lúc vui cũng vậy. Khi được giải Mai vàng, tôi không biết chia sẻ với ai” - Cát Phượng nói mà mắt rưng rưng. Có lần Phượng bảo cô chỉ cầu mong tới 50 tuổi sẽ không còn nước mắt để khóc nữa, vì không còn sức chịu đựng và được cười thật sự.

Cát Phượng cười đó rồi khóc đó. Thế nên cô đang diễn hài nhưng tích tắc lách qua bi rất ngọt. Phượng bảo: “Những người diễn hài càng tốt thì diễn bi càng giỏi vì cuộc sống của họ quá nhiều nước mắt. Mang tiếng cười đến cho nhiều người nhưng khi mình buồn, ai làm cho mình cười? Thôi thì hãy cứ cười trên nỗi đau của mình, tự làm lành vết thương cho mình...”.

_________________________

Mẹ mất và những đứa con đối diện với bi kịch của vai diễn hài trước những hàng ghế đầy ắp người chờ đợi.

Kỳ tới: Nước mắt vô hình

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên