04/05/2011 06:24 GMT+7

Khoảng lặng sau tiếng cười - Kỳ 4: Nước mắt vô hình

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Trung Dân trầm ngâm một hồi rất lâu rồi chùng giọng: “3 giờ chiều, mấy đứa nhỏ còn gọi điện kể chuyện bà nội than mấy con gà quậy quá, đứa nào bắt được con quậy nhất thì bà cho về nuôi. Lát sau má tôi kêu chóng mặt, lên giường nằm nghỉ, rồi đi... ngay trên tay ba tôi... Sau này mới biết má bị đứt mạch máu não...”.

cxJa13ZL.jpgPhóng to
Diễn viên hài Trung Dân - Ảnh: Gia Tiến

Cánh gà thinh lặng

Trong ký ức mình, anh vẫn không thể quên được giây phút trong cánh gà ngày hôm ấy: “Má đi vào lúc xế chiều khi tôi đang chuẩn bị đi diễn. Hay tin tôi không khóc... Tôi cầm điện thoại xoay xoay, không biết mình nghĩ gì nữa. Tôi thoáng có ý định trả vé, chạy về ngay bên má nhưng rồi nhắm mắt lại... Cố bình tâm. Gần tới giờ diễn rồi, đi đâu? Thôi thì ráng nhắm mắt làm xong vai trò của mình.

Bước vào hậu trường, tôi ngồi xuống trước gương, hóa trang theo quán tính. Tôi không nghĩ được gì, cứ bần thần, trống rỗng và lẳng lặng làm. Tôi đi về phía cánh gà, trước tấm màn nhung ấy là hàng trăm con người đang háo hức chờ đợi. Chỉ mấy bước chân thôi nhưng khi tôi ra khỏi cánh gà một phút là quên sạch, tập trung cho nhân vật.

Bữa đó tôi đóng vai cậu Út, diễn chung với anh Thành Lộc trong vở Cậu Đồng, có nhiều cảnh choảng nhau rất tưng bừng, hài hước. Vở diễn gần ba giờ. Cứ diễn xong một lớp (15-30 phút/ lớp) tôi vô cánh gà, mở cánh cửa phía sau hậu trường của sân khấu Idecaf. Khoảng không đó rất tĩnh lặng. Tôi lặng nhìn về phía đường Thái Văn Lung ầm ì người đi lại.

Tôi nhớ lại những đêm trước khi diễn xong, chạy xe qua khỏi con dốc Thái Văn Lung là về sẽ gặp được má. Còn sau buổi diễn đêm nay, mãi mãi tôi không được gặp má nữa. Tôi cứ bần thần với câu hỏi: “Tại sao giờ này mình còn ở đây, đứng trên sân khấu làm trò cho người ta cười mà không về nhà? Tôi không cố ý khóc, ráng nén lại, ép lại nhưng nước mắt ở đâu cứ chảy ra dù mặt tỉnh bơ. Lần đầu tiên tôi khóc sau cánh gà.

Gần 11g đêm vở diễn mới hạ màn. Khi tẩy trang, tôi không dám nhìn mình trong gương. Tôi sợ nhìn vô sẽ thấy chính mình, trực diện với nỗi đau của mình. Tôi đã ráng không khóc nhưng nước mắt cứ thế chảy. Đêm đó, khi chạy xe về Hóc Môn, đầu tôi cứ quẩn quanh tự hỏi: “Khi mất má mặc áo màu gì vì trước đó ba ngày tôi không về thăm má. Tôi nhớ lúc má làm mắm, má hái măng cụt, má xem tivi... Sau này nghĩ lại, tôi thấy mình sao giống “kép Tư Bền” quá”.

Hung tin

Dù sao Trung Dân vẫn có chút thanh thản. Còn với Hoàng Sơn, sự ra đi của mẹ đã để lại nỗi ray rứt khôn nguôi suốt những năm tháng dài. Anh bảo: “Lỗi lầm lớn nhất trong đời tôi là không về với má lần cuối. Ở nhà tôi là út nên được má thương nhất...”. Câu chuyện xảy ra vào một chiều năm 1998, khi Hoàng Sơn tập chuẩn bị phúc khảo cho vở 12 bà mụ. Trước đó mấy ngày, mẹ anh đã bị cao huyết áp nhưng vì quá bận rộn nên Hoàng Sơn chưa thể về thăm.

“Sáng đó nhận được tin, tôi chủ quan cứ nghĩ má đã vô cấp cứu cũng sẽ qua như những lần trước. Buổi chiều là phúc khảo nên tôi nấn ná ở lại tập, tính phúc khảo xong là chạy về thăm má. Giữa tình và nghề đôi lúc rất khó lựa chọn. Bạn diễn là một dàn diễn viên gạo cội, có người là đồng nghiệp lớn tuổi, có người là thầy cô tôi. Hơn nửa tháng cật lực tập mộc, ai cũng mong tới ngày phúc khảo để được sớm công diễn. Hơn nữa tôi thủ vai chính, nếu bỏ về vở diễn sẽ nát hết”, diễn viên Hoàng Sơn kể.

Hơn 12g trưa, đang ráp đường dây vở kịch lại, người làm âm thanh đột ngột bấm lộn nhạc. Thay vì nhạc trữ tình, tiếng kèn tế sống trong đám ma não nề, chết chóc vang lên. Đúng lúc đó điện thoại của Hoàng Sơn rung: “Má mất rồi. Mày có về không thì tùy!”. Thì ra thời gian má nằm ở bệnh viện là chờ thằng út về nhìn mặt lần cuối nhưng chờ không nổi.

Tôi chui vô taxi rồi lại lóng ngóng bước ra, bấm điện thoại liên tục nhưng không biết gọi cho ai làm ông tài xế nổi cáu. Tôi không khóc được vì đau khổ và lỗi lầm quá lớn. Khi tôi về đến nhà thấy má nằm ở đó, hai mắt mở. Mọi người bảo ai vuốt má cũng không chịu nhắm mắt, chắc là vì chưa gặp được thằng út.

Tôi ôm lấy má, gục xuống, nghẹn ngào thưa với má: Con về với má rồi má ơi! Chúng tôi không kìm được tiếng khóc khi thấy hai hàng nước mắt má tôi trào ra. Tôi đưa tay vuốt mắt má mới chịu nhắm lại. Tôi ôm lấy má rất lâu, cứ cố nghĩ má còn sống vì cảm giác chân tay má còn ấm. Tôi biết tôi mất má thật rồi nhưng tôi không tin...”.

Nỗi đau xuyên người

Với Thành Lộc, đó là khoảng thời gian anh phải trân mình cho nỗi đau đi xuyên qua người. Kể từ ngày NSND Thành Tôn bị bệnh và ra đi vĩnh viễn, suốt hai tháng Thành Lộc cứ hết cười lại khóc trên sân khấu trong nỗi phập phồng lo sợ ba nhắm mắt mà không nhìn thấy mình.

“Tôi không thể bỏ diễn vì phải kiếm tiền mua thuốc cho ba” - Thành Lộc kể. Đêm diễn xong, người diễn viên ấy lại về bệnh viện, trải chiếu xuống gầm giường nằm mà không dám ngủ vì phải lo canh chừng chăm sóc cha.

NSND Thành Tôn ra đi trong một đêm mưa gió bão bùng, sấm chớp ầm ầm. 6 giờ chiều, Thành Lộc phải bỏ khăn tang đi diễn hài kịch tới 11g đêm rồi về quỳ bên quan tài chịu tang cha.

Anh cười, nhạt nhòa kể: “Những ngày đó tôi vẫn diễn như quỷ, tung tăng ca hát, nhảy múa ì xèo. Khán giả không biết ba tôi mất. Chỉ có trong hậu trường là tôi khác mọi ngày, không chạy chỗ này chỗ kia chọc giỡn ai. Lòng nặng trĩu. Tôi cứ ngồi im lặng trên ghế hóa trang, bước ra sân khấu diễn rồi bước vô lại ngồi trên chiếc ghế đó, không nói chuyện với ai”.

Ngày động quan, giới văn nghệ sĩ đến rất đông. Thành Lộc không khóc mà còn chọc cười mọi người. Anh làm theo di nguyện của cha trước khi nhắm mắt: ông không muốn mọi người khóc lóc, đau buồn khi đến tiễn mình đi.

Những ngày đó và những tháng ngày sau nữa, Thành Lộc lạnh tanh tới mức phát sợ và hoang mang: mình có thương ba hay không mà không khóc?

Một thời gian dài sau khi cha mất, đêm nào đi diễn về, không buồn tẩy trang Thành Lộc bắc ghế ngồi nhìn chiếc giường trống ngày trước cha hay ngồi đợi anh diễn về. Người con trai của cố NSND Thành Tôn cứ thế ngồi lặng lẽ trong căn phòng chỉ có ánh sáng của đèn ngủ... đợi cha hiện ra nói chuyện và trách yêu. Hồi ông còn sống, nhiều bữa con đi diễn về ông mắng yêu: “Bày đặt bắt chước cái tụi xướng ca vô loài đi tối ngày”. Con trai ông lại tủm tỉm cười, bảo: “Đây nè, xướng ca vô loài nhân dân nè”.

“Tôi ghen tị khi anh Bạch Long nằm mơ thấy ba hoài còn tôi thì không. Tôi cứ ngồi trong căn phòng ba, đợi được nhìn thấy ba một lần nhưng chưa lần nào được thấy”, Thành Lộc nói một cách chân thành.

Bẵng đi một thời gian, một buổi tối khi nghe một nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) mới xướng một câu, Thành Lộc òa lên khóc. Anh khóc dữ dội đến nỗi diễn viên đó phải dừng lại, không dám hát tiếp. Thành Lộc bảo giọng hát của người diễn viên ấy giống y như ba anh. Nỗi nhớ cứ âm thầm chắt chiu nhưng bị kìm nén, trong khoảnh khắc trào dâng như thác lũ và tuôn ào xối xả trong những giọt nước mắt.

“Tôi chết lịm đi rồi sướng: vậy là mình có thương ba mình”, Thành Lộc cười điềm đạm, bảo.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: “ Kép Tư Bền” của Minh Nhí Kỳ 2: Kiếp tằm dâu... Kỳ 3: Bước qua cổng đời

------------------------------------

Tiếp tục câu chuyện của “phù thủy muôn mặt” Thành Lộc với phút giây lặng yên, đối diện với chính mình trong căn phòng đơn độc...

Kỳ tới: Đóng cửa và khóc

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên