Thông tin trên được các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết tại hội nghị và bên lề hội nghị đào tạo - chỉ đạo tuyến Bệnh viện Thống Nhất năm 2023 vào ngày 21-7.
Bác sĩ CKI Lê Thị Thúy Uyên - phó trưởng khoa nội thần kinh Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) - cho hay hiện khoa điều trị được tất cả dạng và các giai đoạn của đột quỵ.
Số bệnh nhân đột quỵ được điều trị và quản lý tại khoa trong thời gian gần đây tăng nhiều và mặt bệnh càng đa dạng hơn. Theo đó, hiện cơ số giường của khoa là 58, nhưng số bệnh nhân thực tế tại khoa thường đến 64 - 68 người, có thời điểm lên đến 70 bệnh nhân.
Trước tình hình này, bệnh viện kê thêm giường bệnh. Bệnh nhân sau khi điều trị ở đây sẽ được xuất viện về nhà, và được hẹn tái khám, tập phục hồi chức năng ngoại trú tại khu vật lý trị liệu ở khoa khám bệnh.
Giải thích tình trạng gia tăng bệnh nhân đột quỵ tại khoa, bác sĩ Uyên cho hay do đối tượng đột quỵ thường là người lớn tuổi, trong khi Bệnh viện Thống Nhất là đơn vị chuyên điều trị lão khoa. Bên cạnh đó, bệnh viện đã mở rộng đối tượng điều trị và công tác tuyên truyền về bệnh này cũng được nâng cao hơn.
Bác sĩ Uyên cho biết thêm, vào năm 2000 bệnh viện đã đạt tiêu chuẩn vàng trong điều trị đột quỵ. Đến nay, với những số liệu và kết quả có được thì khoa đạt tiêu chuẩn bạch kim, tuy nhiên còn chờ công nhận chính thức.
"Chất lượng điều trị đột quỵ tại bệnh viện ngày càng tăng, có thể làm hết các thủ thuật, kỹ thuật liên quan đến đột quỵ để điều trị tái thông cấp tính, điều trị dự phòng tương đối tốt", bác sĩ Uyên nói.
Bên cạnh điều trị đột quỵ, bác sĩ Uyên cho hay điểm "sáng" của khoa là điều trị người bệnh bị sa sút trí tuệ. Là bệnh viện lão khoa nên số lượng bệnh nhân bị sa sút trí tuệ tại bệnh viện tương đối lớn.
Báo cáo tại hội nghị, bác sĩ Trần Thị Kim Tuyết, khoa vật lý trị liệu - phục hồi chức năng Bệnh viện Thống Nhất, cho hay đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau bệnh tim mạch vành, để lại di chứng hết sức nặng nề.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, tỉ lệ tử vong 20%. Đáng lưu ý, bệnh đang có xu hướng tăng ở những người trẻ.
Việc phục hồi chức năng đột quỵ não càng sớm càng tốt (sau 24 giờ) khi các điều kiện về huyết động cho phép. Trong đó chăm sóc phục hồi chức năng chi trên cho bệnh nhân đột quỵ cần phải chăm sóc toàn diện, tích cực và đưa ra các bài tập cá thể hóa trên từng người bệnh.
Năng cao năng lực chuyên môn các tuyến
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Thống Nhất, bên cạnh công tác khám chữa bệnh. Ông nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Bộ Y tế là tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn của các tuyến đảm bảo khám chữa bệnh kịp thời và tốt nhất cho người dân.
“Các bệnh viện tuyến dưới, ban bảo vệ sức khỏe cán bộ các tỉnh cần tăng cường phối hợp, hợp tác với Bệnh viện Thống Nhất trong đào tạo chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, hội chẩn từ xa, phối hợp”, ông Thuấn đề nghị.
Qua báo cáo của Bệnh viện Thống Nhất, trong 6 tháng đầu năm 2023, bệnh viện đã tiếp nhận 3.975 học viên, sinh viên từ đại học đến chuyên khoa II của 10 trường đại học đào tạo chuyên ngành y dược và các đơn vị đến thực tập, học thực hành.
Đồng thời, bệnh viện đã mở được nhiều lớp đào tạo ngắn hạn và đào tạo lại cấp chứng chỉ cho nhân viên y tế; thực hiện đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho 15 cơ sở y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận