15/04/2023 18:49 GMT+7

Khó xử khi con thích một ngành, cha mẹ hướng ngành khác

Nhiều học sinh trước ngưỡng cửa chọn nghề, chọn ngành, chọn trường khó xử khi một bên là sở thích bản thân và một bên là định hướng của cha mẹ.

Khó xử khi con thích một ngành, cha mẹ hướng ngành khác - Ảnh 1.

Cha mẹ tìm hiểu thông tin tuyển sinh, chọn ngành tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Chịu sức ép từ cha mẹ

Ba và mẹ của T.N.M. (ở Q.Tân Phú, TP.HCM) đều làm việc ở ngân hàng nên muốn bạn theo nghề "truyền thống" của gia đình. Ngay từ khi lên lớp 10, M. đã được gia đình định hướng tập trung học ba môn khối D01 (toán - văn - Anh) để thi vào ngành tài chính - ngân hàng.

Trong khi M. từ nhỏ đã mê được làm hướng dẫn viên du lịch, thích đi đây đó, khám phá văn hóa lịch sử những vùng miền… Để xác định rõ hơn về đam mê của mình, M. tham gia nhiều chương trình ngoại khóa, đọc nhiều tài liệu liên quan lĩnh vực du lịch. 

"Ba mẹ thường bảo tôi, làm việc trong lĩnh vực ngân hàng có nhiều cơ hội, thu nhập tốt. Nhưng thực tế tôi thấy ba mẹ rất vất vả để chạy chỉ tiêu kinh doanh. Vậy mà ba mẹ luôn khuyên bảo tôi phải học cho tốt để làm việc thành công hơn trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Lên lớp 12, tôi nói sẽ chọn ngành du lịch nhưng cả nhà không ai chịu", M. kể.

Ban đầu ba mẹ M. cấm cản, dọa dẫm đủ điều nhưng thấy không hiệu quả, họ chuyển sang "chiến tranh lạnh", không nói chuyện, chỉ giao tiếp với con bằng vẻ mặt thất vọng. Cuối cùng M. cũng theo lời cha mẹ đăng ký xét tuyển ngành tài chính - ngân hàng và đậu vào một trường công lập.

Sau 2 năm học, M. xin chuyển ngành sang ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành vì "không có chút hứng thú với ngân hàng" nhưng không được, nên đã đăng ký xét tuyển học bạ vào một trường tư để theo đuổi đam mê.

Chọn ngành trái ý, cha mẹ không chu cấp tiền ăn học...

V.V.T. trước đây là một học sinh giỏi ở Bình Thuận. Từ nhỏ bạn đã rất mê tìm hiểu các thiết bị điện tử nên xác định sẽ chọn nghề kỹ thuật điện, điện tử. Cha mẹ hướng T. thi vào ngành du lịch để ra trường nhờ người quen tuyển dụng vào làm việc ngay tại quê nhà. 

Khuyên không được, cha mẹ T. nói, nếu chọn ngành kỹ thuật điện thì phải tự lo lấy thân, gia đình không chu cấp tiền ăn học... Không chịu nổi sự buồn phiền của cha mẹ, chưa thể tự nuôi thân ăn học, T. đành gác ước mơ của mình, thi đậu vào ngành quản trị du lịch và lữ hành một trường đại học ở TP.HCM.

Sau 4 năm học, T. đã tốt nghiệp nhưng không về quê làm việc mà lại đăng ký xét tuyển vào ngành điện tử và đi làm để kiếm tiền tiếp tục học ngành mình yêu thích.

Trúng tuyển nhưng không học… vì cha mẹ không chịu

Cách đây ba năm, N.T.A. - một thí sinh ở Tiền Giang - đăng ký ba phương thức xét tuyển (ưu tiên xét tuyển, kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, điểm thi THPT). 

Mỗi phương thức A. chọn một ngành khác nhau, hai phương thức đầu đã trúng tuyển nhưng không thể học vì gia đình… không thích.

"Qua tìm hiểu, tôi thích lĩnh vực môi trường nên đăng ký ngành khoa học môi trường và đã trúng tuyển. Nhưng mẹ tôi bảo học ngành đó ra khó xin việc, phải chọn ngành công nghệ thông tin theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Cuối cùng tôi rớt do điểm chuẩn quá cao với sức mình, lại không có đăng ký thêm nguyện vọng nào khác. Tôi đành phải chờ 1 năm để xét tuyển lại nhưng vẫn không đậu ngành công nghệ thông tin mà lại đậu nguyện vọng sau cùng vào ngành môi trường", A. chia sẻ.

Nhờ trường thuyết phục

Theo thạc sĩ Phùng Quán (chuyên gia hướng nghiệp Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM), cha mẹ thường nghĩ mình là người đi trước, từng trải nên biết điều nào tốt hơn cho con khi chọn ngành nghề.

Bên cạnh đó, không ít phụ huynh kỳ vọng vào con để viết tiếp ước mơ còn dang dở thời trẻ của mình, muốn con thành đạt hơn mình. Chính điều đó dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi giữa cha mẹ và con cái xung quanh chuyện chọn ngành, chọn nghề, chọn trường.

"Cứ mỗi mùa tuyển sinh, tôi gặp hàng trăm trường hợp thí sinh như thế. Không ít em trực tiếp đến trường nhờ thầy cô thuyết phục ba mẹ giúp; có em điện thoại đến đường dây tư vấn khóc hết nước mắt rằng con không biết phải thuyết phục gia đình thế nào…", ông Quán cho biết.

Sáng mai 16-4, Chương trình tư vấn tuyển sinh dành cho phụ huynh

Mời quý phụ huynh đăng ký tham dự chương trình TẠI ĐÂY.

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đặc biệt "Cùng con vào tương lai" dành cho phụ huynh có con em sắp rời trường phổ thông sẽ diễn ra từ 7h30 sáng 16-4 tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM (59C Nguyễn Đình Chiểu, quận 3).

Chương trình sẽ giải đáp mọi băn khoăn của các bậc phụ huynh về chọn ngành, trường trước mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay. Trân trọng kính mời phụ huynh quan tâm đến tham dự, chương trình không thu phí.

Ban tư vấn giải đáp trực tiếp thắc mắc cho phụ huynh tại chương trình:

1. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT)

2. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM

3. PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM

4. GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM

5. TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM

6. TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM)

7. PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM)

8. PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y Dược TP.HCM

9. ThS Lê Văn Hiển - phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM

10. ThS Phùng Quán - chuyên gia tư vấn tuyển sinh Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM)

11. ThS Nguyễn Thái Châu - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính - Marketing

Lãnh đạo, đại diện các trường tham dự để cung cấp thông tin cho phụ huynh:

  1. Trường đại học VinUni

  2. Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM)

  3. Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM)

  4. Khoa Y (Đại học Quốc gia TP.HCM)

  5. Trường đại học Công nghiệp TP.HCM

  6. Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

  7. Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM

  8. Trường đại học Ngân hàng TP.HCM

  9. Trường đại học Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM

  10. Trường đại học Kiến trúc TP.HCM

  11. Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM

  12. Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

  13. Trường đại học Việt Đức

  14. Trường đại học Công nghệ TP.HCM

  15. Trường đại học Nguyễn Tất Thành

  16. Trường đại học Văn Lang

  17. Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng

  18. Trường cao đẳng Du lịch Sài Gòn

Con chọn nghề, cha mẹ mất ăn mất ngủCon chọn nghề, cha mẹ mất ăn mất ngủ

Nhiều cuộc tranh cãi giữa cha mẹ và con cái nổ ra xung quanh chuyện chọn ngành, chọn nghề, chọn trường, thậm chí dẫn đến xung đột.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên