14/04/2013 08:32 GMT+7

Khó ngăn ngừa dịch cúm H5N1 trên chim yến nuôi

LAN ANH
LAN ANH

TT - Đó là thừa nhận của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát bên lề hội nghị giữa Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT với 33 tỉnh thành có biên giới, được tổ chức tại Hà Nội ngày 13-4.

mbYghHl2.jpgPhóng to
Lấy mẫu tại cơ sở nuôi chim yến Yến Hoàng Malaysia ở đường Cao Thắng, TP Phan Rang - Tháp Chàm - Ảnh: Văn Kỳ

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định khả năng ngăn ngừa dịch cúm H5N1 trên chim yến nuôi là khó khăn do đây là chim nuôi nhưng lại nuôi thả, nên có thể mang virút di chuyển từ đàn này tới đàn khác, trong khi không thể tiêm văcxin ngừa cúm H5N1 cho chim yến.

Ông Phát cho biết tương tự virút cúm H5N1 trên gia cầm, virút H5N1 trên chim yến có thể lây nhiễm sang người nếu việc chăm nuôi chim và xử lý ổ dịch không bảo đảm an toàn.

Những thông tin đáng lo ngại

Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông mang đến hội nghị nhiều thông tin đáng lo ngại về tình hình dịch cúm trên gia cầm và chim nuôi. Theo đó, ba tháng đầu năm 2013, ngoài 15 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 15 xã thuộc bốn tỉnh, lần đầu tiên đã phát hiện virút cúm gia cầm trên chim yến nuôi tại Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) và chim trĩ nuôi tại Châu Thành (Tiền Giang).

Chưa hết, qua khảo sát trên 425 chợ gia cầm sống tại 30 tỉnh thành năm 2012, có đến 29/30 tỉnh phát hiện virút cúm A trên gia cầm và 20/30 tỉnh có virút H5N1 trên gia cầm. Đặc biệt, Cục Thú y đã phát hiện hai mẫu vịt dương tính với virút cúm A type H7 tại An Giang, Đồng Tháp và sáu mẫu virút H7 khác tại Cần Thơ và Hậu Giang. Tuy nhiên theo ông Đông, phân tích gen cho thấy chưa có mẫu virút H7 nào của VN giống với virút H7N9 đang gây bệnh tại Trung Quốc hiện nay.

Trong khi đó, báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh cho hay dù lượng gia cầm nhập lậu đã giảm so với cùng kỳ 2012, nhưng lại nổi lên tình trạng nhập lậu giống gia cầm, đặc biệt là vịt giống, do giá vịt giống lậu rẻ chỉ 2.000-2.500 đồng/con, trong khi trong nội địa là 8.000 đồng/con.

Còn ông Vương Tiến Dũng, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho hay vừa qua quản lý thị trường đã phát hiện những kho chứa thịt và phụ phẩm gia cầm đã chế biến nhập lậu chứa tới 20 tấn hàng. Các đầu nậu đã chủ động chế biến gia cầm thải loại trước khi đưa vào VN. Do chưa được kiểm dịch, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ số hàng hóa này rất lớn.

Ngăn dịch từ biên giới

Chiều cùng ngày, một cuộc họp khẩn đã được tổ chức nhằm phối hợp ngăn chặn dịch giữa Hà Nội và bảy tỉnh biên giới phía bắc gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh. Theo giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, một ngày có khoảng 15.000 khách quốc tế nhập cảnh Hà Nội, trong đó có 2.000 khách từ Trung Quốc. Mỗi ngày Hà Nội cũng tiêu thụ tới 800 tấn thịt gia súc gia cầm nhưng chỉ tự túc được 60% trong số này, còn lại mua từ các tỉnh bạn. Do đó, nên có một đường dây nóng kết nối giữa các địa phương trong vùng để chia sẻ thông tin về ngăn chặn gia cầm lậu cũng như việc phòng chống dịch cúm H7N9 mới nổi.

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng cho hay số ca mắc cúm H7N9 tại Trung Quốc đã tăng lên 44 người, trong đó có 10 trường hợp tử vong và dịch đã xuất hiện thêm một địa phương mới ở Trung Quốc là Bắc Kinh, nâng số địa phương có bệnh nhân H7N9 lên năm tỉnh thành.

Kiểm tra virút cúm H7N9 trên chim, gia cầm

* Chỉ đạo kiểm tra vụ cấp khống giấy kiểm dịch

Ngày 13-4, ông Phan Xuân Thảo - chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM - cho biết cả 12 mẫu chim yến lấy tại khu vực nuôi chim yến ở huyện Cần Giờ (ngày 11-4) đều cho kết quả âm tính (không bị nhiễm bệnh).

Tuy nhiên trước tình hình dịch cúm H5N1 và H7N9 diễn biến phức tạp, ông Thảo cho biết sẽ tăng cường tần suất lấy mẫu, kiểm tra tại các khu vực nuôi, bán chim cảnh, yến và cả trên gia cầm sống, sản phẩm gia cầm bày bán trên thị trường mỗi tháng một lần.

* Theo ông Mai Văn Hiệp - phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cơ quan này vừa có công văn chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh Long An kiểm tra vụ “Cấp khống giấy kiểm dịch cho hàng ngàn vịt giống” (Tuổi Trẻ 10-4).

Trước đó tối 8-4, trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP.HCM) kiểm tra xe tải do ông Nguyễn Văn Tài (45 tuổi, ngụ H.Bến Lức, Long An) vận chuyển 7.320 con vịt giống đi Thừa Thiên - Huế. Lô hàng xuất phát ngày 8-4, nhưng qua kiểm tra thì Chi cục Thú y tỉnh Long An lại cấp ngày 9-4 (trước một ngày) và chỉ cấp cho 6.300 con, thừa 1.020 con.

QUANG KHẢI - HOÀNG LỘC

Vụ chim yến nuôi nhiễm virút H5N1: đã đủ điều kiện công bố dịch

Chiều 13-4, ông Nguyễn Xuân Bình - giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 (Cục Thú y) - cho biết ngoài hai cơ sở nuôi có yến đã bị nhiễm virút H5N1 là tại rạp hát Thanh Bình (592 Thống Nhất, Phan Rang - Tháp Chàm) và cơ sở của ông Nguyễn Vỹ Hải (đường Cao Thắng, cách rạp Thanh Bình khoảng 50m) thì chưa phát hiện thêm cơ sở nào nuôi yến ở Ninh Thuận nhiễm virút H5N1. Tuy nhiên theo ông Bình, về nguyên tắc một hộ có dịch là có thể công bố dịch.

Ông Bình cho biết đang tiếp tục theo dõi các mẫu xét nghiệm chim yến, phân chim và tổ chim đến hết ngày 15-4, căn cứ vào kết quả các mẫu xét nghiệm và tình hình thực tế nếu thấy cần thiết phải công bố dịch mà vẫn chưa công bố thì sẽ có đề xuất cụ thể với UBND tỉnh Ninh Thuận.

Trong khi đó, một nhân viên Cơ quan Thú y vùng 6 trực tiếp tham gia lấy mẫu chim yến cho biết hiện nay mỗi ngày cơ sở nuôi chim yến tại rạp hát Thanh Bình vẫn có 5-7 chim yến bị chết.

VĂN KỲ

___________

Tin bài liên quan:

Virút H7N9 đã lan đến Bắc KinhSố người chết do cúm H7N9 tại Trung Quốc tiếp tục tăngBệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi cúm H7N9Trung Quốc sản xuất văcxin chống virút H7N9Ngăn chặn dịch cúm H7N9 vào VN: Đừng để “trên sôi, dưới lạnh”

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên