25/11/2013 12:34 GMT+7

Khi xóm giềng xích mích...

HOÀNG LỘC - MINH MẪN
HOÀNG LỘC - MINH MẪN

TT - Chỉ vì chó mèo quậy phá, rác thải sinh hoạt “hành”, hay sơ ý đổ nước bẩn ra hẻm... cũng khiến những người hàng xóm vốn thân thiết bỗng chốc trở mặt, quay lưng.

rDGQet0y.jpgPhóng to
Hiện trường nơi ông Tuấn xây bờ bao chắn triều cường lấn chiếm ra ngoài đường hẻm khoảng 70cm - Ảnh: Hoàng Lộc

Một tuần sau khi bị “khủng bố” ném đá vào nhà, gia đình ông Nguyễn Anh Tuấn (số E7/17A, khu phố 5, thị trấn Tân Túc, Bình Chánh, TP.HCM) phải khóa cửa quanh quẩn trong nhà không dám ra ngoài vì sợ bị “xử”. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Tuấn vạch bả vai, cánh tay, mắt... chỉ các vết bầm tím, sưng phù mà ông cho rằng bị một số người hàng xóm hành hung do ông xây bờ bao sơ ý gây cản trở lối đi.

Tét đầu vì cái... bờ bao

Gia đình ông Tuấn chuyển về sinh sống tại khu phố 5 khoảng bảy năm nay. Do phải thường xuyên xuất ngoại để làm ăn nên rất ít khi tiếp xúc với bà con trong khu phố. Thời gian gần đây, triều cường dâng cao tràn vào nhà nên ông mua gạch, ximăng về xây bờ bao trước cửa nhà chắn nước. Bờ bao ông Tuấn xây cao hai lớp gạch (khoảng 20cm), dài 2m và lấn ra ngoài đường hẻm khoảng 70cm. “Triều cường dâng dữ quá, tràn vào làm hỏng cả giường, bàn ghế nên tôi xây để ngăn nước chứ chưa kịp xin phép ai cả” - ông Tuấn thừa nhận. Và cũng từ cái bờ bao chắn triều cường này, mọi chuyện rắc rối bắt đầu xảy ra.

Trưa 20-10, ông Tuấn và vợ đang hoàn thành nốt đoạn bờ bao chắn triều cường thì người hàng xóm đến... kiếm chuyện. Ông này chửi bới và đòi đập bờ bao. “Vợ chồng tôi trình bày mục đích xây bờ bao là để ngăn nước tràn vào nhà, khi nào nước rút sẽ chủ động tháo bỏ thì đột nhiên ông ta lao vào đánh vào mắt trái tôi rồi bỏ chạy” - ông Tuấn kể. Theo ông Tuấn, lúc sau anh trai ông này cùng hai người khác kéo đến tiếp tục đập phá, lấy gạch ném rách da đầu vợ ông gây chảy máu. Họ đạp cửa xông thẳng vào nhà kéo ông Tuấn ra đánh nhưng trưởng khu phố kịp thời can ngăn. Cũng chỉ vì cái bờ bao mà mấy ngày sau, một người hàng xóm khác đến trước cửa nhà chửi bới, ném đá, hăm dọa “giết cả gia đình” ông Tuấn. “Sợ quá nên cả gia đình tôi khóa cửa ngồi im trong nhà. Ba đứa con tôi khóc thét lên. Bà Bảy dùng số gạch xây bờ bao ném liên tục vào nhà làm vỡ ba cửa kính. Miểng kính và gạch bay tứ tung. Tôi gọi điện cầu cứu, ít phút sau cảnh sát 113 đến họ mới bỏ đi” - ông Tuấn sợ hãi nói.

Bà Đoàn Thị Bảy - người ném đá vào nhà ông Tuấn - thừa nhận: “Hôm đó tui có ăn nhậu nên làm bậy. Tui lượm 6-7 viên gạch xây bờ bao chọi vào nhà ông Tuấn không may bể kính. Tôi đã viết bản tường trình nộp trưởng ban điều hành khu phố và cảnh sát khu vực. Tôi sai nên sẽ chấp nhận đền bù thiệt hại tài sản”. Tuy nhiên, bà Bảy bức xúc cho rằng việc ông Tuấn xây bờ bao là lấn chiếm đường hẻm khiến bà con đi lại khó khăn. “Nếu có xây thì xây phía trong đất mình, ai đời lại xây gạch ra đường hẻm cả mét như vậy” - bà Bảy nói.

Ông Phan Hồng Liêm - trưởng ban điều hành khu phố 5 (thị trấn Tân Túc, Bình Chánh) - nói nguyên nhân của sự việc là do ông Tuấn xây bờ bao lấn chiếm đường hẻm. Tất cả vụ việc đều được cảnh sát khu vực lập biên bản và mời các hộ dân lên hòa giải.

Ám ảnh rác

Trung tá Lương Văn Phương - trưởng Công an P.Hiệp Thành (Q.12) - cho biết trên địa bàn ông quản lý cũng thường xuyên phải xử lý những câu chuyện xích mích “bé như hạt đậu” nhưng hóa ra lại tốn nhiều công sức hòa giải. Có vụ dẫn đến hành hung gây thương tích và kéo dai dẳng năm này qua năm khác.

Ông còn nhớ như in vụ xích mích kéo dài suốt bảy năm (từ 2006 đến 2013) giữa một số bà con ở tổ 56 (khu phố 7, P.Hiệp Thành) với ông N.Đ.T. (33 tuổi) chỉ vì... rác. Ông T. là cư dân mới chuyển về sống ở địa phương. Ông T. sống một mình, thường xuyên vắng nhà và tự giới thiệu làm nghề “buôn bán chứng khoán”. Khi mới tới sinh sống ông T. tỏ ra rất nghiêm túc đóng tiền rác hằng tháng nên rác thải sinh hoạt đều được thu gom sạch sẽ. Không hiểu vì lý do gì, một thời gian sau ông T. không đóng tiền rác khiến rác ùn ứ cao ngất trước cửa nhà. Lâu ngày, rác bốc mùi hôi thối làm bà con gần nhà rất bức xúc. Thời gian đầu, vì nghĩ ông T. công việc bận rộn nên bà con lối xóm thông cảm chỉ nhắc nhở, nhưng nhắc nhở hoài ông T. vẫn “chứng nào tật nấy” nên đâm ra xích mích.

Đỉnh điểm của sự xích mích là các cuộc cãi vã to tiếng, buộc công an khu vực phải tới hòa giải. Sau nhiều lần hòa giải, ông T. nhận sai và cam kết sẽ thu dọn rác. Mọi chuyện tưởng như đã êm xuôi, một thời gian sau bà con lại phản ảnh ông T. chất rác nhưng lần này không để trước cửa nhà mà treo từng bọc lơ lửng trên hàng rào sắt. Đặc biệt, ông T. còn có “sáng kiến” kinh hoàng là đặt máy quay phim để giám sát và thiết kế đường dây điện nối trực tiếp vào bờ rào khiến bà con ai cũng lo lắng. “Phải mất thêm rất nhiều thời gian giải thích ông T. mới đồng ý tháo gỡ dây điện, gom rác. Gần đây, không biết lý do gì ông T. đã tự động rời khỏi địa phương” - trung tá Phương kể.

Khổ vì mèo, chó

Một câu chuyện “cười ra nước mắt” không kém là việc ông B.N.X. vác dao chém gia đình ông B.S.H. (cùng ngụ tổ 23C, khu phố 2, P.Hiệp Thành, Q.12) gây thương tích chỉ vì... đàn mèo. Cảnh sát khu vực Huỳnh Minh Trung - người trực tiếp thụ lý vụ việc, và cũng chính anh phải bao phen đến từng nhà hòa giải - kể rằng có một điểm khác biệt là trong khi nhà ông H. là nơi cả gia đình sinh sống thì nhà ông X. kế bên chỉ để... nuôi mèo. Đàn mèo khoảng 20 con và ông X. chỉ thi thoảng đến kiểm tra, cho mèo ăn uống.

Do ở sát vách nên gia đình ông H. bị mèo nhà ông X. kéo cả đàn sang “khủng bố”, quậy phá suốt ngày đêm. Ngoài việc xới tung đồ đạc, ăn vụng thức ăn, đồ uống, đàn mèo còn thi nhau phóng uế khắp nhà khiến cuộc sống gia đình ông H. bị đảo lộn. Quá ức chế vì việc này nên mỗi khi bị mèo sang quậy, ông H. đuổi đánh. Nghe thông tin đàn mèo bị đánh nên ông X. vác dao sang nhà ông H. hỏi chuyện “vì sao lại đánh mèo?”. Xót mèo bị đánh, ông X. vung dao chém bể cửa kính và chém vợ ông H. bị thương tích ở tay phải nhập viện. “Câu chuyện này hòa giải kéo dài suốt hai năm. Khó khăn lắm ông X. mới cam kết không để mèo quậy phá nhà ông H. và chịu bồi thường tiền thuốc men vì hành vi chém vợ ông H.” - cảnh sát Huỳnh Minh Trung nói.

* PGS.TS Trần Thị Thu Mai (phótrưởng khoa tâm lý - giáo dục Đại học Sư phạm TP.HCM):

“Bán anh em xa, mua láng giềng gần”

Mâu thuẫn dễ phát sinh ở những người hàng xóm là do sự ghen tị, hiềm khích; tổ dân phố nơi họ sống không có sự đoàn kết, liên kết chặt chẽ với nhau, mạnh ai nấy sống. Cách giải quyết tốt nhất là hai bên ngồi lại thỏa thuận và thương lượng với nhau thì sẽ dễ có sự hàn gắn tình hàng xóm láng giềng. Hòa giải ở cơ sở hiện nay được cho là biện pháp hữu hiệu giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, giữ gìn tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng ở địa phương. Hòa giải viên phải tâm huyết, gần gũi bà con... Khi phát hiện có mâu thuẫn phải kịp thời đến tận nơi phân tích, giải thích tường tận, có lý có tình cho bà con hiểu luật, thấy được cái sai trái mà giữ đạo lý tình cảm, lấy tình nghĩa xóm giềng làm trọng để giải quyết mâu thuẫn.

HOÀNG LỘC - MINH MẪN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên