01/06/2024 09:41 GMT+7

Khi trẻ em muốn lên tiếng

Hôm nay, đúng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, lãnh đạo TP.HCM sẽ cùng gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi. Chương trình này được tổ chức định kỳ mỗi năm song luôn nhận được nhiều ý kiến, đề xuất và cũng được giải quyết kịp thời.

Các bạn nhỏ TP.HCM cùng hội ý các vấn đề, nêu đề xuất, kiến nghị chuẩn bị cho cuộc găp với lãnh đạo TP vào hôm nay (1-6) - Ảnh: Q.L.

Các bạn nhỏ TP.HCM cùng hội ý các vấn đề, nêu đề xuất, kiến nghị chuẩn bị cho cuộc găp với lãnh đạo TP vào hôm nay (1-6) - Ảnh: Q.L.

Tổ chức Đội nên thường xuyên có hoạt động tình nguyện, uống nước nhớ nguồn, phong trào thi đua và hoạt động Đội hãy giúp học sinh có thêm nhiều kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng phòng chống đuối nước...
LƯU NGUYÊN HY (Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, quận 11)

Trước cuộc gặp, các bạn nhỏ thành phố Bác Hồ cùng nêu lên nhiều suy nghĩ, đặt nhiều câu hỏi và mong muốn trao đổi với lãnh đạo TP nhiều vấn đề khác nhau.

Tăng học tập trải nghiệm

Có khá nhiều ý kiến liên quan đến các môn học tích hợp của chương trình mới. Bạn Nguyễn Tuấn Hào (Trường THCS Bình Tân, quận Bình Tân) nói cần có thời gian thực hành nhiều hơn cho ba phân môn lý - hóa - sinh trong môn khoa học tự nhiên để học sinh nắm kiến thức tốt hơn.

Còn bạn Phạm Trần Minh Hà (Trường THCS Hồng Bàng, quận 5) đề xuất tăng các chuyên đề về kỹ năng thực hành xã hội. Hà nói: "Có thể tổ chức đến với bảo tàng, di tích lịch sử trong và ngoài TP, cả các hoạt động tuyên truyền, nghệ thuật về lịch sử Việt Nam, những buổi sinh hoạt chủ điểm về các vị anh hùng, đường lối cách mạng của quê hương, đất nước".

Bạn Nguyễn Hiếu Thuận (Trường THCS Trường Thạnh, TP Thủ Đức) mong thay vì chỉ giảng dạy phấn trắng - bảng đen, học sinh cần được tạo cơ hội học tập với môi trường mới lạ, tham quan trải nghiệm mà theo Thuận có thể giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh và nhớ lâu hơn.

Nhiều bạn quan tâm đến việc giúp hình thành thói quen đọc và xây dựng văn hóa đọc cho học sinh.

Bạn Phạm Nguyễn Khánh Ngọc (Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh) hiến kế: "Cho học sinh viết bài cảm nhận về quyển sách yêu thích hoặc vấn đề khác. Cũng có thể xem clip về nội dung học tập trên lớp hay trò chơi yêu cầu học sinh đọc văn bản nhanh và tìm thông tin cần thiết nhất để cải thiện văn hóa đọc ở trẻ em".

Học sinh TP.HCM muốn tăng việc học trải nghiệm chứ không chỉ theo cách truyền thống - Ảnh: Q.L.

Học sinh TP.HCM muốn tăng việc học trải nghiệm chứ không chỉ theo cách truyền thống - Ảnh: Q.L.

Bảo vệ trẻ trên không gian mạng

Chủ đề này nhận được sự quan tâm lớn của học sinh thành phố. Bạn Lê Võ Hoàng Ngân (Trường THCS An Thới Đông, huyện Cần Giờ) nói cần có bộ phận lọc, xóa những bài viết cổ xúy cho hành vi quấy rối tình dục, bạo lực học đường trên mạng. Đồng thời có hình phạt đủ mạnh với người đăng các bài viết độc hại.

Cho rằng gia đình phải phối hợp với nhà trường quản lý học sinh sử dụng mạng xã hội, bạn Lê Trần Hồng Phúc (Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3) đề xuất thêm hoạt động trải nghiệm thực tế để học sinh không quá lạm dụng thiết bị thông minh, tránh lãng phí thời gian dùng mạng quá nhiều.

Chia sẻ giải pháp, bạn Lê Huỳnh Trâm (Trường THCS Hoa Lư, TP Thủ Đức) cho rằng cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng an toàn cơ bản trên không gian mạng cho trẻ, phụ huynh sẽ thống nhất nguyên tắc sử dụng Internet và điện thoại di động với con. Cũng có thể cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung không phù hợp với trẻ em.

Đồng thời cha mẹ phải theo dõi lịch sử truy cập mạng để kịp thời nhắc nhở và có chỉ dẫn phù hợp cho con. "Cần hướng dẫn con giao tiếp và chia sẻ ngay với cha mẹ, thầy cô khi gặp rắc rối trên mạng, kết hợp việc tuân thủ các chỉ dẫn để mỗi bạn giữ an toàn cho chính mình trên không gian mạng" - Trâm chia sẻ.

Bạo lực học đường, chăm sóc sức khỏe tinh thần

Trăn trở với vấn nạn bạo lực học đường, bạn Nguyễn Vỹ Kỳ Lâm (Trường THCS Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) nói cần xử phạt nghiêm các hành vi này. Theo Lâm, khi phát hiện có dấu hiệu bạo lực học đường cần nhanh chóng tìm hiểu, ngăn chặn. Còn khi đã xảy ra, phải kiên quyết xử phạt thật nghiêm khắc để làm gương, cũng để răn đe học sinh khác.

Kỳ Lâm mong có các lớp võ để vừa giúp học sinh nâng cao thể chất, vừa để phòng vệ cho bản thân khi gặp tình huống bất đắc dĩ. "Không chỉ gia đình mà cả nhà trường, bạn bè và người xung quanh cần quan tâm, chăm sóc đặc biệt về thể chất và tinh thần với những bạn là nạn nhân của bạo lực học đường" - Lâm hiến kế.

Một góc nhìn khác, bạn Nguyễn Ngọc Ngân Giang (Trường THCS Bình An, TP Thủ Đức) đề xuất nâng cao chất lượng phòng tư vấn tâm lý học đường qua tham vấn cá nhân và theo nhóm học sinh. Giang nói có thể tổ chức thảo luận, hội thảo cho cha mẹ học sinh về tâm lý trẻ vị thành niên và kỹ năng cha mẹ cần có.

"Chúng ta có thể khảo sát nhu cầu thực tế rồi xây dựng chương trình phòng ngừa các vấn đề tâm lý học đường cho học sinh. Nhất là gia đình, nhà trường, giáo viên cùng phối hợp chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh" - Giang nêu ý kiến.

Cùng quan tâm, bạn Chung Trần Minh Anh (Trường THCS Phan Sào Nam, quận 3) nói tư vấn tâm lý cho học sinh không chỉ qua trao đổi trực tiếp mà có thể mở trang web hay cổng thông tin điện tử cho học sinh trao đổi, qua đó người lớn giúp đưa ra hướng giải quyết kịp thời. "Cần có chương trình hướng dẫn phụ huynh cách làm bạn, dạy con sao cho đúng chứ không chỉ bằng đòn roi" - Minh Anh bày tỏ.

Không lơ là an toàn thực phẩm

Trước thông tin một số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học gần đây, bạn Trần Huỳnh Như (Trường THCS Võ Văn Tần, quận Tân Bình) mong cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra các điểm buôn bán hàng rong, cả điểm bán trước cổng trường.

Trong khi đó, bạn Lê Trần Phượng Tiên (Trường THCS Tân Tạo, quận Bình Tân) đề nghị đột xuất kiểm tra chất lượng thực phẩm ngay trong các trường học, đồng thời kiểm soát nguồn gốc các loại thực phẩm buôn bán tại trường và cả các gian hàng xung quanh trường.

Mạnh tay với thuốc lá điện tử

Bạn Lâm Bảo Nghi (Trường THCS Colette, quận 3) cho rằng nhà trường cần thường xuyên kiểm tra các khu vực học sinh có thể trốn vào hút thuốc lá điện tử trong trường, có thể kiểm tra đột xuất cặp học sinh kết hợp với tuyên truyền, sinh hoạt chuyên đề dưới cờ. Bạn Lê Nguyễn Việt Hà (Trường THCS Bình Khánh, huyện Cần Giờ) nói nên tăng giám thị hành lang để kiểm tra vấn nạn học sinh hút thuốc lá điện tử.

Kiên quyết hơn, bạn Lê Trọng Nhân (Trường THCS Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) nói không chỉ cấm học sinh hút thuốc lá điện tử mà có thể quy định bán giá cao để học sinh không có khả năng mua và sử dụng, hoặc cấm luôn việc buôn bán thuốc lá điện tử.

Nghe thiếu nhi nói, hãy quan tâm giải quyếtNghe thiếu nhi nói, hãy quan tâm giải quyết

Nhiều lãnh đạo TP.HCM đã cùng lắng nghe, trao đổi với 150 bạn nhỏ tiêu biểu đại diện cho thiếu nhi TP trong chương trình Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi ngày 3-6.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên