20/06/2024 08:43 GMT+7

Khi nước Nga hướng đông và nhìn về Việt Nam

Giới phân tích tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin mang đến thủ đô Hà Nội không chỉ sự coi trọng rất lớn mà còn cả những kỳ vọng về giai đoạn phát triển mới trong quan hệ với Việt Nam.

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: AFP

"Việt Nam, với lịch sử và tiềm năng của mình, chắc chắn là một trong những đối tác không thể thiếu trong nhóm Global South/Global East (nhóm phía Nam và phía Đông toàn cầu) mà Nga đang muốn tăng cường quan hệ" - tổng biên tập tạp chí Global Affairs của Nga, ông Fyodor Lukyanov, nhận định với Tuổi Trẻ về chuyến thăm của Tổng thống Putin.

Mở rộng cơ hội hợp tác

Theo PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chuyến thăm của ông Putin lần này "có ý nghĩa rất quan trọng" đối với quan hệ Việt Nam - Nga. 

Bất chấp những thay đổi của lịch sử, theo ông Thắng, tình cảm của người dân hai nước dành cho nhau luôn ở mức độ tích cực, và điều này đã giúp quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Nga có độ tin cậy lẫn nhau cao. 

Việc chuyến thăm của ông Putin diễn ra ngay trong năm đầu tiên nhiệm kỳ cho thấy Nga mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong bối cảnh mới và cạnh tranh địa chính trị phức tạp hiện nay.

Từ Nga, GS Vladimir Kolotov, viện trưởng Viện Hồ Chí Minh tại Đại học tổng hợp quốc gia St.Petersburg (Nga), cũng nhận định Tổng thống Putin rất coi trọng Việt Nam và đánh giá cao các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua về ổn định an ninh, chính trị trong nước, phát triển kinh tế bền vững, cũng như chính sách đối ngoại độc lập.

"Nga và Việt Nam chưa bao giờ có mâu thuẫn chính trị và ý thức hệ" - ông Vladimir Kolotov nói với Tuổi Trẻ và tin tưởng chuyến thăm lần này sẽ là dịp để hai bên cùng tìm cách đưa quan hệ song phương phát triển "năng động và hiệu quả hơn nữa".

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đón Tổng thống LB Nga Vladimir Putin tại Sân bay quốc tế Nội Bài sáng sớm 20-6 - Ảnh: TTXVN

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đón Tổng thống LB Nga Vladimir Putin tại Sân bay quốc tế Nội Bài sáng sớm 20-6 - Ảnh: TTXVN

Đồng quan điểm, ông Fyodor Lukyanov khẳng định cơ sở của mối quan hệ Việt Nam - Nga "rất vững chắc, cả về mặt lịch sử và thực chất". "Việt Nam là người bạn lâu đời của Nga, là quốc gia đang phát triển nhanh chóng với nhiều triển vọng", ông nhấn mạnh.

Về những kỳ vọng cho quan hệ hai nước trong chuyến thăm, PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng cho rằng có những lĩnh vực Nga và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác như xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam vào Nga để bù đắp cho sự thiếu hụt hàng hóa do cấm vận từ châu Âu. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Nga để thay thế cho các doanh nghiệp phương Tây đã rút đi.

Ngoài ra, Việt Nam có thể cân nhắc nghiên cứu khởi động lại dự án điện hạt nhân sử dụng công nghệ của Nga để đảm bảo nguồn cung điện cho nền kinh tế. Nga cũng đang thúc đẩy và có thế mạnh trong lĩnh vực AI, vì thế hai bên cũng có thể hợp tác trong lĩnh vực này.

Vì sao là Việt Nam?

Xe bọc thép Aurus Senat phục vụ Tổng thống Nga Putin đi qua khu vực ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng trong buổi diễn tập vào sáng 19-6 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Xe bọc thép Aurus Senat phục vụ Tổng thống Nga Putin đi qua khu vực ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng trong buổi diễn tập vào sáng 19-6 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

"Đối với Nga, Việt Nam là một hướng ưu tiên trong chiến lược xoay trục về châu Á của nước này, trong khi Việt Nam xem Nga là đối tác hàng đầu trong chiến lược đối ngoại của quốc gia" - PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng nêu vấn đề và dẫn ra Khái niệm chính sách đối ngoại mới của Nga công bố ngày 31-3-2023. 

Trong đó, khu vực ASEAN, bao gồm Việt Nam, có vai trò quan trọng đối với Nga, chỉ đứng sau các nước thuộc không gian hậu Xô viết, khu vực Bắc Cực, không gian đại Á - Âu, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.

Cũng theo ông Thắng, trong bối cảnh Mỹ và một số nước châu Âu khác đang gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, sẽ là lựa chọn ưu tiên mang tính thay thế của Nga. 

Chia sẻ quan điểm này, ông Fyodor Lukyanov khẳng định: "Nga đang xây dựng cách tiếp cận và chiến lược chính sách đối ngoại mới trong một môi trường hoàn toàn khác, với châu Á là một trong những ưu tiên và Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu ở châu Á với những điều kiện tiên quyết rất tốt cho sự hợp tác".

Theo tổng biên tập tạp chí Global Affairs, thế giới đang thay đổi với vai trò ngày càng tăng của các khu vực và cường quốc ngoài phương Tây. Nga cần một mạng lưới quan hệ vững chắc và cân bằng dựa trên mối quan hệ với các quốc gia quan trọng nhất trên toàn thế giới, đặc biệt là ở khu vực phía Nam/phía Đông toàn cầu. 

Sự thay đổi với sự nổi lên của nhiều cực trên thế giới sẽ là một xu hướng toàn cầu tiếp tục tồn tại, bất kể mối quan hệ của Nga với phương Tây trong tương lai sẽ như thế nào, theo ông Fyodor Lukyanov.

"Chuyến thăm này rất quan trọng, tôi có thể nói đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt. Đã đến lúc tổng kết lại một quá khứ huy hoàng và xây dựng một tương lai mới. Tôi chắc chắn rằng 30 năm nữa chúng ta sẽ có một hệ thống quốc tế khác được định hình bởi nhiều mối quan hệ đa dạng mà không có sự thống trị của bất kỳ ai", ông Fyodor Lukyanov khẳng định.

Việt Nam, theo ông, sẽ là cửa ngõ để Nga tăng cường hợp tác với Đông Nam Á nhờ vị trí địa lý lý tưởng. "Không gian đại Á - Âu đang trong quá trình hoàn thiện, đúng hơn đó là một giấc mơ, nhưng chúng ta đang sống trong thời đại mà giấc mơ trở thành hiện thực", ông nói với Tuổi Trẻ.

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Đường lối ngoại giao của Việt Nam

Nhận định về ngoại giao Việt Nam thời gian qua, GS Vladimir Kolotov đánh giá Việt Nam đang vận dụng rất hiệu quả chính sách "ngoại giao cây tre". Việt Nam, theo ông, luôn chú trọng đến việc bảo vệ chủ quyền, xây dựng đất nước phát triển bền vững nhưng cũng đồng thời tìm phương cách để giảm mâu thuẫn, xung đột và mong muốn giải quyết các vấn đề hòa bình, mang tính xây dựng.

Điều này lý giải vì sao những năm gần đây Việt Nam luôn giữ vững được vị thế của mình trên chính trường thế giới, được chọn là điểm đến trong các chuyến công du và các cuộc hòa đàm của nhiều nguyên thủ quốc gia. Đồng quan điểm, ông Fyodor Lukyanov đánh giá cao sự khéo léo của Việt Nam trong chính sách đối ngoại. "Bí quyết thành công trong thế giới ngày nay là thúc đẩy càng nhiều mối quan hệ hiệu quả càng tốt, tránh bị lôi kéo vào các chính sách tập hợp theo khối. Nga đang hoan nghênh cách tiếp cận như vậy của Việt Nam", ông nói.

Theo lịch trình, hôm nay (20-6) sẽ diễn ra lễ đón chính thức Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phủ chủ tịch. Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Nga sau đó sẽ bước vào hội đàm, nghe giới thiệu về các văn kiện được ký kết và gặp gỡ báo chí để thông báo kết quả hội đàm. Đây sẽ là một ngày bận rộn của Tổng thống Putin khi ông dự kiến còn có nhiều cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cùng một số hoạt động khác tại Hà Nội.

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: TUẤN ANH

Tạo thêm động lực cho hợp tác Việt - Nga

Chia sẻ với báo chí vào ngày 19-6, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin là chuyến thăm cấp nhà nước, là cấp độ giao thức cao nhất trong quan hệ giữa các quốc gia.

Ông nhận định đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo luôn là cơ hội để tăng cường tin cậy chính trị. Kết quả các cuộc gặp gỡ, đàm phán giữa hai bên đã tạo nền tảng tốt cho quan hệ ở mức cao nhất. Theo đại sứ Nga, Tổng thống Putin đã nhiều lần nói về mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Việt Nam trong các thập niên qua.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo chung trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng bí thư tới Nga vào năm 2018 - Ảnh: VGP

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo chung trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng bí thư tới Nga vào năm 2018 - Ảnh: VGP

"Chuyến thăm của Tổng thống Putin nhằm tạo thêm động lực để phát triển quan hệ hợp tác Nga - Việt trong nhiều lĩnh vực. Trọng tâm là tăng cường tương tác trên các lĩnh vực truyền thống như kinh tế và đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, trao đổi nhân đạo và quốc phòng, an ninh", Đại sứ Bezdetko nhấn mạnh.

Việt - Nga có tiềm năng lớn để tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, Nga coi trọng các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng; sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch và khử carbon cho nền kinh tế; sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực điện "sạch", tin cậy và ổn định, trước hết là điện hạt nhân.

"Nga sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên trường quốc tế, trước hết là tại Liên Hiệp Quốc và trong các khuôn khổ lấy ASEAN làm trung tâm, dựa trên sự gần gũi hoặc trùng hợp về quan điểm trong các vấn đề chính của chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực, thúc đẩy các cách tiếp cận chung để giải quyết những vấn đề cấp bách của thời đại, đề cao các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia độc lập, tính hợp pháp và công lý trong quan hệ quốc tế", ông khẳng định.

Nga ủng hộ tăng cường hợp tác giữa các tổ chức hàng đầu, trước hết là Liên minh kinh tế Á - Âu, Tổ chức hợp tác Thượng Hải và ASEAN, vì lợi ích tăng cường liên kết kinh tế và hình thành Quan hệ đối tác Á - Âu mở rộng. Bên cạnh đó, nhóm BRICS cũng là một trong những nền tảng đầy hứa hẹn để tương tác với Việt Nam.

Nghĩa tình sâu nặng Việt - Nga

Sự kiện giao lưu văn hóa Việt - Nga do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đà Nẵng tổ chức vào tháng 11-2023 - Ảnh: DAFO

Sự kiện giao lưu văn hóa Việt - Nga do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đà Nẵng tổ chức vào tháng 11-2023 - Ảnh: DAFO

Tình cảm gắn bó đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nga là dấu ấn xuyên suốt chiều dài lịch sử quan hệ hai nước. Ông Nguyễn Đăng Phát, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Nga, chia sẻ rằng Việt Nam luôn biết ơn, "nặng nghĩa, nặng tình" với sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Những công trình mang đậm dấu ấn Việt - Xô có thể kể đến như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, cầu Thăng Long. Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 70.000 người có trình độ đại học và trên đại học, khoảng 100.000 lao động lành nghề trong nhiều lĩnh vực.

Tình cảm đó đang tiếp tục được phát huy qua nhiều hoạt động thực chất của các hội hữu nghị, cơ quan, tỉnh thành, doanh nghiệp, trường đại học như các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn, xuất bản và dịch sách, kết nối các cặp thành phố đối tác như TP.HCM - St.Petersburg.

Vừa qua, Hội hữu nghị Việt - Nga đã ký kết hợp tác với Đại học Sư phạm quốc gia Herzen của Nga để thúc đẩy giao lưu, phổ biến và quảng bá văn hóa, ngôn ngữ Nga và Việt tại mỗi nước. Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế "Em vẽ Việt Nam - Em vẽ nước Nga" năm 2023 đã thu hút kỷ lục 17.000 tác phẩm dự thi của thiếu nhi trên khắp Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ có buổi gặp gỡ các sinh viên từng tốt nghiệp đại học ở Liên Xô và Nga. Theo ông Phát, điều này cho thấy sự coi trọng của Nga với hoạt động đối ngoại nhân dân. Ông mong rằng qua chuyến thăm, nhân dân Việt Nam sẽ có những cảm nhận và hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị của quan hệ Việt - Nga.

4 lần Việt Nam chào đón Tổng thống Nga Putin4 lần Việt Nam chào đón Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Vladimir Putin đã đến Việt Nam 4 lần, và sắp tới sẽ là lần thứ 5 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên