Bán rau ngoài chợ ở Trung Quốc giờ cũng chấp nhận thanh toán bằng ứng dụng di động - Ảnh: YouTube
Cuối năm 2018, chính quyền thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc vạch kế hoạch xây dựng những "nhà tù thông minh". Trong nhiều tiến bộ công nghệ được triển khai có app thanh toán Alipay của Hãng Alibaba.
Giờ đây, nếu một phạm nhân trong nhà tù cần mua những vật phẩm thiết yếu, như kem đánh răng chẳng hạn, họ sẽ không cần cất tiền mặt trong người nữa, điều đặc biệt lợi ích trong môi trường trại giam.
Phương thức hoạt động của sáng kiến mới này như sau: hình ảnh hoặc giấy tờ tùy thân của tù nhân sẽ được chụp lại, lưu trữ trên app Alipay.
Khi ban giám thị của trại giam, cũng qua ứng dụng di động, xác nhận đây đúng là tù nhân trại của họ, thì tù nhân được quyền nhận tối đa 1.000 nhân dân tệ (khoảng 147 USD) chuyển khoản từ người thân ở ngoài nhà tù cho các nhu cầu chi tiêu thiết yếu, theo trang chủ của chính quyền thành phố Bắc Kinh.
Đại nhảy vọt
Chưa biết tốt xấu, nhưng việc xã hội ngày càng phi tiền mặt là một thực tế không thể phủ nhận ở Trung Quốc. Dân Bắc Kinh ngay lúc này đã có thể trả các khoản tiền phạt giao thông qua Alipay hoặc WeChat Pay.
Những ai lỡ vượt đèn đỏ chỉ phải quét một mã QR trên phiếu phạt được chính quyền phát hành đại trà, không phải tới kho bạc đợi chờ lằng nhằng. Với những lỗi nhẹ của người đi xe đạp hay đi bộ phạm luật bị bắt tại trận, họ thậm chí có thể đóng phạt bằng cách quét mã QR tại chỗ và cứ tiếp tục hành trình.
Ngay từ năm 2017, hơn 3/4 người Trung Quốc đã sử dụng qua các phương thức thanh toán kỹ thuật số và con số này cứ ngày một tăng, theo China Daily.
Ngay lúc này, mục tiêu của ngân hàng trung ương và các cơ quan tài chính nhà nước là mở rộng tiện ích phi tiền mặt cho 4/10 cư dân vẫn còn sống ở vùng nông thôn (theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào năm 2016 là khoảng 43% dân số cả nước, tương đương 600 triệu người).
Trên thế giới, xét về độ phủ của các dịch vụ phi tiền mặt, Trung Quốc chỉ kém Thụy Điển, nhưng tất nhiên quốc gia Bắc Âu tiên tiến đó chỉ có khoảng 10 triệu dân. Nói cách khác, Trung Quốc đã thực sự nhảy cóc trong lĩnh vực này.
Hãng xử lý thanh toán quốc tế Worldpay nói trong một báo cáo năm 2018 rằng Trung Quốc là nơi mà cơ hội cho các hãng thanh toán điện tử không có biên giới: "Bối cảnh ngành thanh toán ở Trung Quốc được định hình bởi những người tiêu dùng lớn lên trong thời đại số và một thế giới điện thoại di động trước hết.
Ví điện tử thống trị Trung Quốc hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh". Báo cáo của Wordplay cho biết gần 2/3 thương vụ trên mạng và hơn 1/3 khoản chi trả ở những cửa hàng ngoài đời thực thông qua các ứng dụng ví điện tử.
"Đó là một hệ sinh thái thanh toán phát triển với tốc độ chóng mặt và với mọi hình thức bán lẻ - báo Hong Kong South China Morning Post (SCMP) bình luận - từ siêu thị tới các cửa hàng ven đường. McDonald’s và Starbucks đều có các thiết bị tự quét lắp đặt ngay cạnh quầy bán hàng; dân bán hàng ở "chợ cóc" cũng có mã QR để kế bên hàng hóa trên gian hàng của họ".
Từ cuối năm 2017, một phóng viên SCMP đã tự đặt ra cho mình thử thách "một ngày không tiền mặt" và vượt qua khá dễ dàng: tiền điện, tiền nước, tiền gas, tiền điện thoại bàn và di động, thuế thu nhập, mua vé máy bay, thuê xe đạp từ các ứng dụng chia sẻ, thuê taxi, đi ăn ở nhà hàng, mua sắm... tất cả đều dễ dàng hơn với một ứng dụng di động thay vì thẻ tín dụng.
Những lợi ích có thể là không ngờ tới. Lấy ví dụ, khi đi khám chữa bệnh ở một bệnh viện công, thời gian chờ đợi ở Trung Quốc - giống như nhiều nơi khác - có thể lên tới nhiều tiếng đồng hồ. Nhưng giờ, bằng cách trả trước qua ứng dụng di động, người bệnh có thể được phân bổ một khung thời gian cụ thể và nhờ thế chủ động hơn.
"Người Trung Quốc đã nhảy từ dùng tiền mặt sang ứng dụng di động, bỏ qua các bước trung gian là séc hay thẻ ngân hàng" - Oliver Rui, giáo sư kế toán và tài chính ở Trường Kinh doanh quốc tế châu Âu - Trung Quốc tại Thượng Hải, nói với SCMP.
Theo thống kê của iResearch Consulting Group, tổng giá trị hàng hóa thương mại được thanh toán điện tử ở Trung Quốc lên tới 57,7 nghìn tỉ nhân dân tệ (gần 8,4 nghìn tỉ USD), với mức tăng trưởng luôn là hai chữ số mỗi năm.
Tại sao là Trung Quốc?
Điều gì đã khiến cuộc cách mạng thanh toán số khả dĩ ở Trung Quốc?
"Trước hết và quan trọng nhất là sự xâm nhập cực nhanh của điện thoại thông minh và Internet di động" - Rui nói. Thống kê chính thức của chính quyền cho thấy Trung Quốc hiện có 731 triệu người dùng Internet, 95,1% trong số đó có điện thoại thông minh và 60% có máy tính.
Theo trang tin tức China Internet Watch, 469 triệu người Trung Quốc đã thực hiện các thanh toán trên mạng trong năm 2016, tăng 31,2% so với năm 2015 và 50,3% trong số đó sử dụng điện thoại để chi trả ở một cửa hàng ngoài đời thực.
"Người Trung Quốc trẻ rất yêu các thiết bị công nghệ và ứng dụng chúng vào đời sống rất nhanh" - Rui giải thích. China Internet Watch thấy rằng những người Trung Quốc thuộc thế hệ thiên niên kỷ mua sắm trực tuyến trung bình 120.000 nhân dân tệ/người (17.000 USD) trong năm 2016, khiến họ là nhóm nhân khẩu học có mức chi tiêu cao nhất.
Những người sinh vào các năm 1990 chi tiêu ít hơn vì ngân sách của họ hạn hẹp hơn, nhưng 92% mua sắm trên mạng, so với mức trung bình 35% trên cả nước. "Với rất nhiều người trẻ, tiền mặt thật sự đã là dĩ vãng" - Rui nhận xét.
Cũng quan trọng không kém là sự bất tiện của các dịch vụ ngân hàng truyền thống và vấn nạn tiền giả tại Trung Quốc. Người dân sống ở nông thôn thường phải đi những chặng đường dài tới các trụ sở ngân hàng, còn ở thành phố là các hàng dài chờ đợi bốc số.
Bằng cách trộn lẫn mạng xã hội, thương mại điện tử và tính năng thanh toán vào những ứng dụng đơn lẻ, các hãng công nghệ Trung Quốc cũng giúp khách hàng của họ sống thuận tiện hơn. "Khi sử dụng công nghệ tài chính (ở Trung Quốc), người dùng không nghĩ đó là tài chính, họ chỉ nghĩ đó là một phần thiết yếu của đời sống thường nhật" - Li Chao, nhà phân tích ở iResearch, nói với báo Anh The Financial Times.
Kết quả là ở nhiều thành phố lớn của quốc gia này, điện thoại di động không chỉ hỗ trợ việc mua sắm mà đã trở thành một món đồ thiết yếu. Dân Bắc Kinh đã nói chỉ nửa đùa rằng ngày nay, mang theo đồ sạc điện thoại còn quan trọng hơn mang theo ví.
Liệu điều đó có thể lặp lại ở những nơi khác? Cuộc cất cánh tốc độ cao của thanh toán điện tử ở Trung Quốc có nghĩa là khách hàng, nhà đầu tư và doanh nhân đang đặt câu hỏi có thể áp dụng những bài học tại đó cho quốc gia mình ra sao.
"Khi rời Trung Quốc, tôi cảm thấy như trở lại 10 năm trước... Tencent, sao quý vị không ra mắt [WeChat Pay] ở đây?" - một thanh niên người Pháp than phiền trong một đoạn video đã trở nên "viral" ở Trung Quốc.
Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. "Thị trường Trung Quốc rất khác các thị trường khác - Christophe Uzureau, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu ở Công ty nghiên cứu thị trường Gartner, nói với Financial Times - Ở hầu hết các nước, người tiêu dùng vẫn tin tưởng cao hơn ở các ngân hàng so với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán khác".
Những vấn đề phát sinh
Nghiên cứu của nhóm độc lập Access to Cash tại Anh cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ lao quá nhanh vào xã hội không tiền mặt và gây ra những bất công nghiêm trọng với người nghèo, người tàn tật, các gia đình sống ở nông thôn, người cao tuổi và những đối tượng dễ bị lừa đảo. Nhiều quốc gia đã nhận ra việc đưa toàn bộ dịch vụ thanh toán lên mạng cũng có những hậu quả của nó.
Cướp ngân hàng đã được thay thế bằng lừa đảo trên mạng. Một nỗi sợ khác là sự phổ biến của nền kinh tế di động sẽ đe dọa sự riêng tư của người tiêu dùng, khi họ phải tin cậy dữ liệu cá nhân của mình trong tay những nhà cung cấp dịch vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận