Câu châm ngôn hài hước này đã nói ra điều cốt tủy của đời sống dân Mỹ và làm du khách như tôi phải quan sát, suy nghĩ rất nhiều.
Mua sắm tiện lợi ở trạm xăng
Những ngày lang thang ở Mỹ, tôi đọc số liệu của Statista vào tháng 2-2024 cho hay có khoảng 283,4 triệu phương tiện đã được đăng ký tại Hoa Kỳ năm 2022 bao gồm ô tô chở khách, xe máy, xe tải, xe buýt và các phương tiện khác.
Số lượng xe tải nhẹ bán ra ở Mỹ đứng ở mức 10,9 triệu chiếc vào năm 2022. Con số này rất lớn, trong khi dân số Mỹ, kể cả em bé và người già, hiện hơn 341 triệu người.
Vì vậy, trạm xăng và trạm sạc xe điện hiện nay vẫn là nơi phục vụ tiện ích tối cần thiết cho nền kinh tế và dân sinh tại Mỹ.
Theo NACS (Hiệp hội các cửa hàng tiện lợi quốc gia Mỹ), hiện cả nước này có hơn 145.000 trạm tiếp nhiên liệu, 127.588 trạm trong số này vừa là nơi bán xăng vừa là cửa hàng tiện lợi. Các trạm còn lại chỉ bán xăng hoặc là nơi bán xăng kiêm cửa hàng tạp hóa, bến du thuyền…
Điều này cho thấy nơi bán xăng hay sạc xe điện, với các nhà kinh doanh Mỹ, không chỉ là chỗ cung cấp mỗi tiện ích đó.
Họ sẽ bán mọi thứ miễn ra tiền. Và vì vậy nên ở Mỹ mới đẻ ra mô hình kinh doanh các cửa hàng tiện lợi cực kỳ hấp dẫn. Mà dẫn đầu trong số này hiện là Buc-ee's - một chuỗi cửa hàng đồng quê, trạm xăng và bộ sạc xe điện.
Dừng xe, tôi ghé vào Buc-ee's và thấy không chỉ có khách hàng mà họ có fan hâm mộ sẵn sàng ráng nhịn mua xăng, còn nếu hết thì họ chỉ đổ vừa đủ, để đi tới bất cứ nơi nào quanh đó có địa điểm Buc-ee's.
Vậy bí kíp kinh doanh của nhãn hàng này là gì? Điểm Buc-ee's gần nhất mà xe chúng tôi trong hành trình du lịch vừa ghé là tại thị trấn nhỏ Robestdale, tiểu bang Alabama. Đây là điểm tiếp giáp xa lộ I10 - xa lộ xuyên lục địa cực nam trong hệ thống xa lộ liên bang.
Vì tự xây đường nối từ hệ thống đường chung vào điểm kinh doanh của mình nên đường mà Buc-ee's làm xong được tự đặt tên đại lộ Buc-ee's theo luật Mỹ.
Vừa vào cửa là tôi thấy trạm xăng khổng lồ với hàng trăm xe đang mua xăng rẻ hơn trạm xăng bên ngoài trong vùng đáng kể. Công ty này thật sự không muốn tìm kiếm doanh thu từ xăng. Họ sẵn sàng thua lỗ chút đỉnh.
Cái họ hút khách hàng vào mua sắm là chuỗi cửa hàng tiện lợi của họ. Và họ chỉ dành cho khách du lịch và khách đi xe gia đình, chứ không phải cho xe container 18 bánh.
Chuỗi này nổi tiếng với quy mô lớn của các địa điểm, cùng với các sản phẩm cung cấp nhiên liệu, đồ ăn nhẹ (đặc biệt là thịt bò khô và kẹo), thịt ức, đồ nướng và hàng hóa, bánh mì tươi, đồ lưu niệm và các mặt hàng du lịch.
Họ trưng bày hàng hóa rất hấp dẫn, giá lại rẻ nên cả nhóm chúng tôi hăng hái mua mỗi người một phần ăn trưa cùng nước uống, đi lòng vòng coi mọi thứ rất thú vị, chụp hình rồi mới đi.
Buc-ee's không bao giờ mở cửa hàng nhỏ, mà chỉ mở các cửa hàng cực lớn, ở nơi dân qua lại tấp nập nhất. Việc đầu tiên họ làm là tạo ra các phòng vệ sinh sạch bóng như gương, thậm chí treo tác phẩm nghệ thuật ở hành lang để trưng bày và bán.
Chúng tạo ra sự thoải mái cho những ai vừa trải qua chặng đường dài rất cần nơi "xả nước cứu thân".
Kế đó, tại đây có bán mọi loại thức ăn và nước uống phổ biến, ngon lành, sạch sẽ, tươi tắn và nóng hổi với giá rất phải chăng.
Mọi người có thể tự chọn, tự phục vụ theo ý mình, như tự lấy nước đá rồi tự mở vòi rót ly chocolate nóng, cho thêm đường hay các món gia vị hấp dẫn, rồi trả tiền. Tôi thấy quầy bán thịt ức bò có các nhân viên đội mũ rơm sẽ nói lớn mỗi khi có một miếng thịt bò nóng hổi mới tinh để cắt và giao cho khách.
Trong khi NACS cho hay diện tích trung bình một cửa hàng tiện lợi chỉ là khoảng 232m2 thì Buc-ee's sẵn sàng mở những cửa hàng rộng mênh mông bể sở.
Cửa hàng lớn nhất của nhãn hàng này ở Sevierville, Tennessee, cũng là cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới với diện tích 74.707 feet vuông (tức là 6.940m2 - gấp khoảng 30 lần quy mô trung bình của ngành là 2.500 feet vuông - tức 232m2).
Và quan trọng là tất cả cực nhanh
Khảo sát kiểu kinh doanh của nhãn hàng này để thấy muốn kinh doanh thành công tại đây cần phải có những ý tưởng táo bạo, đầu tư mạnh, tạo ra những trải nghiệm chưa từng có cho khách.
Hiện nhãn hàng này đã có 48 địa điểm kinh doanh tại 9 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Mỹ, mà hàng đầu là các địa điểm tại bang nhà Texas, kế là Alabama và Georgia…
Buc-ee's được tạo ra và sở hữu bởi Arch "Beaver" Aplin III, có trụ sở chính tại Lake Jackson, Texas. Chuỗi được thành lập vào năm 1982 tại thành phố nhỏ Clute mà tới nay chỉ có 10.000 dân, trong khu vực đô thị Houston (Texas), và bắt đầu mở rộng với trung tâm du lịch đầu tiên ở Luling (Texas) vào năm 2003.
Tới tận 15 năm sau, công ty này mới bắt đầu mở rộng ra bên ngoài Texas vào năm 2018 với việc mở một địa điểm ở quận Baldwin (Alabama), chính là địa điểm mà chúng tôi vừa ghé. Và kể từ đó đã mở thêm hàng loạt địa điểm ở các bang khác.
Joe, một tài xế chạy xe đường trường đã đi xuyên Mỹ qua nhiều bang và cũng là fan hâm mộ của Buc-ee's, cho tôi hay nhãn hàng này chỉ chọn những điểm đắc địa nhất thì mới mở nên mới hái ra tiền.
Họ không mất công vào tìm những nơi mà lưu lượng xe cộ thấp, khả năng kinh doanh kém hiệu quả.
Nhiều thương hiệu cạnh tranh
Tất nhiên, kiểu kinh doanh nhanh, ngon, bổ, rẻ này đáp ứng nhu cầu thiết thực của khách hàng chuyên dụng xe hơi để di chuyển hằng ngày không chỉ thuộc về những thương hiệu như Buc-ee's mà còn của nhiều thương hiệu khác, tuy cách thức có khác nhau.
Ví dụ như dạng kinh doanh thức ăn nhanh kiêm bãi đậu xe của Sonic (Sonic Drive In). Nhãn hàng này xây dựng hàng loạt bãi đậu xe. Ngay gần nơi tôi đang trú khi du lịch ở Mỹ, khi đói có thể lái xe tới đây mua đồ.
Ở mỗi ô xe đậu, họ để màn hình điện tử, chỉ cần thò đầu và tay qua cửa một chút là khách dễ dàng tự order các món ăn thức uống vô cùng đa dạng với giá vừa túi tiền.
Kế đó, khách không cần ra khỏi xe mà chờ ít phút sẽ có nhân viên ăn bận chuyên nghiệp mang đồ ăn đưa tận tay. Và thế là họ lái xe đi luôn. Nghĩa là cửa hàng của Sonic thực chất chỉ là cái bếp và nhà kho, nơi chuẩn bị thức ăn thức uống cho khách. Còn đất đai chỉ dành để cho đậu xe là xong.
Sonic, tôi tìm hiểu ra thì được biết thành lập bởi ông Troy N. Smith, Sr và cũng không phải mới kinh doanh kiểu này. Họ đã từng mở địa điểm đầu tiên vào năm 1953 với tên gọi Top Hat Drive-In.
Ban đầu là một quầy bia gốc, một loại bia thủ công sử dụng cửa hàng không có cửa ngăn bên ngoài, kiêm một quán bít tết bán nước ngọt, bánh mì kẹp thịt và xúc xích. Mô hình này thành công nên được Smith hoàn thiện và phát triển.
Tới nay, sau 71 năm lăn lộn thương trường, Sonic hiện có 3.545 địa điểm tại Mỹ khiến kẻ chỉ là du khách như tôi cũng dễ dàng tìm đến...
Trông người mà ngẫm đến ta. Việt Nam đang phát triển nhanh đường sá. Doanh nhân chúng ta có thể tham khảo thực hiện mô hình chuỗi kinh doanh tiện lợi bên đường này?
Việc phát triển các ý tưởng kinh doanh ở Mỹ cực kỳ thú vị. Muốn thành công, các doanh nhân ở đây phải cần mẫn sáng tạo mô hình kinh doanh độc đáo, bền chắc rồi mới phát triển thật mạnh ra bên ngoài. Nên cái cần nhất chính là tránh làm ra các mô hình kinh doanh chạy theo kiểu mì ăn liền, vì mọi mô hình như vậy sẽ mau chóng sụp đổ hay thậm chí biến thành lừa đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận