Băngrôn thường thấy trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM - Ảnh: M.D. |
Tôi tưởng tượng cảnh cô vợ lo lắng vì thấy ông xã mình “không bình thường” bởi khi bình thường chàng toàn "lái xe" chứ đâu có “điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.
Chuyện không bình thường ấy đang rất bình thường trên các báo đài trong các thông tin của mình.
Thế là xe cộ bỗng “biến” thành “phương tiện giao thông” (tệ hơn, người ta tóm gọn lại thành “phương tiện” - ! - vì từ "phương tiện" dùng riêng lẻ không phải chỉ xe cộ); lái xe trên đường thành “điều khiển phương tiện tham gia giao thông”… vừa dài dòng, có khi lại còn sai.
Cái sự dài dòng này có khi khá nguy hiểm cho “người điều khiển phương tiện tham gia giao thông” khi mải đọc những từ ngữ dài dằng dặc trên băngrôn: “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi lưu thông trên đường không chấp hành tín hiệu giao thông, lấn làn đường giao thông sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt điều..., khoản... Luật giao thông đường bộ (một loạt quy định rất cụ thể, dài lê thê trích văn bản)”.
Ai nói nhớ thì tôi nể chớ tôi không tài nào nhớ nổi. Thôi, lo chạy xe đàng hoàng cho chắc ăn chứ đọc hết những câu y chang văn bản ấy có ngày đụng xe, u đầu sứt trán như chơi.
Tôi tin đại đa số người dân bình thường không ai nói vậy. Thậm chí tôi tin ngay người viết những từ ấy cũng không nói như vậy với người thân, bạn bè mình.
Ai cũng biết văn viết khác văn nói. Nhưng không thể nhân danh điều này để bắt bạn đọc phải đọc những câu chữ như đọc văn bản pháp quy, chuyên ngành vốn rất khô khan, đôi lúc khó hiểu, xa lạ với đa số người dân.
Người Việt Nam ưu tiên dùng từ Việt Nam cho gần gũi, dễ hiểu chứ! Tiếng Việt mình vốn giàu và đẹp mà.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận