25/12/2021 10:01 GMT+7

Khẩu trang y tế và thói quen 'tiện tay vất'

TRỊNH KỲ AN (quận 2, TP.HCM)
TRỊNH KỲ AN (quận 2, TP.HCM)

TTO - Khẩu trang y tế dùng một lần hiện là vật bất ly thân của mỗi người dân khi ra đường, nhưng điều đáng ngại là còn nhiều người không có ý thức xử lý khẩu trang đã qua sử dụng, thậm chí vô tư quăng bừa bãi khắp nơi.

Khẩu trang y tế và thói quen tiện tay vất - Ảnh 1.

Những chiếc khẩu trang y tế bị vứt trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trên các tuyến đường ở TP.HCM, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc khẩu trang tràn lan khắp các vỉa hè, gốc cây, công viên, nơi công cộng, thậm chí bay lung tung khi có gió hoặc xe cộ lưu thông qua lại.

Chị N., một công nhân vệ sinh môi trường, chuyên thu gom rác thải sinh hoạt gần nhà tôi, ngao ngán: "Từ khi có dịch bệnh, rác thải y tế mà đặc biệt là khẩu trang rất nhiều, tràn lan khắp mọi nơi. Tôi phải cầm chổi hoặc lấy que khều khẩu trang từ xa, không dám đụng tay vào vì lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh".

Tương tự, cô A., chuyên phụ trách dọn dẹp vệ sinh tại tòa nhà công ty tôi đang làm, cũng thở dài tâm sự: Sau khi mọi người quay trở lại làm việc, bọn cô dọn dẹp liên tục mà vẫn đầy ắp rác thải, đặc biệt là khẩu trang y tế đã qua sử dụng. 

Có những anh chị nhân viên văn phòng rất thoải mái, vô tư vứt rác, khẩu trang đã đeo khắp nơi trong tòa nhà, kể cả hầm để xe, khiến đội ngũ nhân viên vệ sinh đi theo thu gom mãi không xong. Cá nhân cô vì lượng công việc vất vả nên định xin về hưu non.

Khi được hỏi vì sao công ty vệ sinh không trang bị đồ bảo hộ và hướng dẫn nhân viên thu gom rác cho phù hợp hoặc yêu cầu người dân phải phân loại và chứa các loại khẩu trang đã qua sử dụng vào một túi rác riêng, chị N., cô A. cũng như nhiều nhân viên vệ sinh môi trường khác đều lắc đầu cho rằng việc đó khó diễn ra do phải có thùng đựng rác riêng nhằm phục vụ cho mục đích phân loại. 

Đi kèm theo đó, họ cũng cần phải có xe thu gom và chở rác riêng, với khoản chi phí và lương được thanh toán tăng lên. Tuy nhiên, theo mọi người cho biết, dù lượng rác thải nhiều hơn gấp bội nhưng thu nhập của họ vẫn thế.

Theo các chuyên gia y tế thì khẩu trang khi đã qua sử dụng thường ẩn chứa rất nhiều nguy cơ gây lây nhiễm ra môi trường, không đảm bảo an toàn dịch tễ vì nó là vật dụng để chắn những chất tiết từ đường hô hấp của nhiều người, kể cả những người đang mang mầm bệnh. Bên cạnh đó, khẩu trang y tế vốn được làm bằng chất liệu vải không dệt khá bền nên khó phân hủy được trong môi trường tự nhiên. 

Một số quốc gia trên thế giới đã xếp khẩu trang vào loại rác thải y tế độc hại phải được xử lý đặc biệt, nếu không sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, gây ô nhiễm không khí, nguồn đất và nước. Ngoài ra, việc vứt khẩu trang tràn lan sẽ làm mất mỹ quan đô thị, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Tại nước ta, quá trình xử lý rác thải từ các cơ sở y tế đã có quy trình xử lý nghiêm ngặt. Tuy nhiên, việc phân loại, gom và xử lý rác thải, khẩu trang, trang phục bảo hộ phòng dịch của đại đa số người dân lại chưa có quy trình, hướng dẫn riêng và cụ thể. Đặc biệt, chúng ta cũng chưa có một quy định cụ thể để chế tài xử lý những cá nhân vi phạm.

Trong những thông tin công bố gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hướng dẫn quy trình xử lý đối với mọi loại rác thải y tế, nghiêm cấm tuyệt đối không được tái chế lại khẩu trang đã qua sử dụng. 

Điển hình như chị gái tôi sống tại Trung Quốc chia sẻ rằng chính phủ nước này khuyến cáo người dân khử trùng khẩu trang bằng cồn trên 70 độ hay xà phòng trước khi vứt bỏ hoặc tái sử dụng. Thiết nghĩ, chúng ta cũng có thể áp dụng cách này để diệt khuẩn cũng như đảm bảo độ an toàn cao.

Ngoài ra, việc trang bị các thùng rác hoặc túi phân loại rác thải y tế tại mỗi gia đình, cơ quan, trường học... cũng là vấn đề đáng được lưu tâm. Và đương nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người, hạn chế tối đa việc vứt rác thải y tế ra môi trường bên ngoài. Đó là cách để bản thân mỗi người chúng ta hỗ trợ công tác phòng chống dịch cũng như chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường sống.

Khẩu trang y tế hại môi trường thế nào? Khẩu trang y tế hại môi trường thế nào?

TTO - Khẩu trang y tế làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền nên rất khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. Chúng còn là nơi phát sinh nguồn bệnh vì các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong lớp sợi của khẩu trang...

TRỊNH KỲ AN (quận 2, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên