14/03/2020 06:52 GMT+7

Khẩu trang y tế hại môi trường thế nào?

ĐỒNG LỘC (Nguồn: BBC, WALL STREET JOURNAL, REUTERS)
ĐỒNG LỘC (Nguồn: BBC, WALL STREET JOURNAL, REUTERS)

TTO - Khẩu trang y tế làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền nên rất khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. Chúng còn là nơi phát sinh nguồn bệnh vì các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong lớp sợi của khẩu trang...

Khẩu trang vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường - Video: South China Morning Post

Do tính chất của khẩu trang y tế là chỉ dùng một lần rồi bỏ nên trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm triệu chiếc khẩu trang bị thải loại. Điều này lại gây vấn nạn về rác thải khẩu trang gây ô nhiễm môi trường.

Khẩu trang y tế làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền nên rất khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. Do thiếu ý thức, nhiều người đã vứt khẩu trang khắp nơi.

Theo một cuộc điều tra gần đây của tổ chức bảo vệ môi trường Oceans Asia, tại vùng đảo Lantau của Hong Kong vốn ít có du khách đến thăm, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 70 chiếc khẩu trang vứt bỏ trên đoạn bãi biển có chiều dài chưa đầy 100 mét.

Điều này rất nguy hiểm cho các loài động vật biển, nếu khẩu trang bị trôi xuống biển, các loài cá heo, rùa biển sẽ nuốt phải vì ngỡ là thức ăn. Khẩu trang sẽ làm tắc đường hô hấp hoặc tiêu hóa và làm chúng chết vì ngạt thở hoặc đói.

Khẩu trang y tế hại môi trường thế nào? - Ảnh 2.

Khẩu trang bị vứt và dạt vào bờ biển - Ảnh: REUTERS

Trung Quốc và cả thế giới đang đối mặt với lượng rác thải khẩu trang y tế khổng lồ. Ở Trung Quốc, những người dân đang sinh sống ở các vùng đã có ca nhiễm virus COVID-19, chính quyền bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường. Do đó, có ít nhất hàng chục triệu chiếc khẩu trang dùng một lần đã bị thải bỏ mỗi ngày tại nước này.

Các loại khẩu trang y tế hiện nay không có khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm. Sau khi dùng một lần và bỏ đi, chính các khẩu trang thải bỏ này lại là nơi phát sinh nguồn bệnh vì các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong lớp sợi của khẩu trang.

Khẩu trang đã dùng cho người nhiễm bệnh và lực lượng y tế được một số nước xếp vào loại rác thải y tế độc hại phải được đốt bỏ chứ không đưa ra bãi rác.

Hiện nay, vấn đề dịch bệnh đang lây lan khắp thế giới đang là mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia, nên chưa có tổ chức nào tiến hành khảo sát xem đã có bao nhiêu chiếc khẩu trang y tế đã bị thải bỏ từ khi xảy ra dịch bệnh.

Khẩu trang y tế hại môi trường thế nào? - Ảnh 3.

Khẩu trang bị vứt trên đường phố London, Anh - Ảnh: PA

Trọng lượng bình quân của một chiếc khẩu trang y tế 3 lớp khoảng 30g, nếu dựa trên ước tính khiêm tốn mỗi ngày có 100 triệu chiếc khẩu trang y tế 3 lớp thải bỏ thì mỗi ngày có 300 tấn rác thải loại này (9.000 tấn/tháng), một con số không nhỏ chút nào và lại mang đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, người nào xả rác thải (bao gồm cả khẩu trang y tế đã qua sử dụng) không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên 7 triệu đồng nếu vứt rác thải y tế ở nơi công cộng hoặc vào hệ thống thoát nước và cống rãnh của đô thị.

Đại dịch virus COVID-19 hiện đã lây lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Người dân nhiều nước vì sợ bị lây nhiễm đã đổ xô săn lùng khẩu trang y tế khiến mặt hàng này khan hiếm.

Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế thế giới WHO, hiện nay hằng tháng ngành y tế các nước cần 89 triệu chiếc khẩu trang y tế, 76 triệu đôi găng tay và 1,6 triệu cặp kính bảo hộ.

Dù cơ quan y tế các nước đã hướng dẫn rằng đeo khẩu trang chỉ là một trong các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, nó không phải "lá chắn vạn năng" để ngăn chặn virus, nhưng do nhiều người chưa hiểu đầy đủ về tác dụng của khẩu trang y tế trong việc ngừa lây nhiễm nên ai ai cũng lùng mua cho mình.

Khi cung không đáp ứng nổi cầu thì dĩ nhiên giá khẩu trang sẽ tăng vọt như hỏa tiễn. Hãng thông tấn CBS DWF dẫn nguồn tin từ Keepa, tổ chức chuyên theo dõi giá cả trên Amazon, cho biết vào đầu tháng 2-2020, giá khẩu trang y tế thông dụng ở Mỹ chỉ có 19,90 USD/100 chiếc (4.600 đồng/chiếc), hiện giờ đã lên đến 137 USD/100 chiếc, tăng 588%.

Còn loại khẩu trang chuyên dụng N95 thì từ mức giá 18,20 USD/10 chiếc (42.000 đồng/chiếc) đã vọt lên 100 USD/10 chiếc. Loại khẩu trang Universal 4533 trước đây chỉ 8 USD/100 chiếc, nay lên đến 200 USD/100 chiếc.

Ở Hàn Quốc, giá bán sỉ khẩu trang y tế tăng từ mức 650 won (0,55 USD, khoảng 12.650 đồng) lên 1.100 won (0,93 USD, tương đương 21.400 đồng).

Theo South China Morning Post, ở Ấn Độ chi phí sản xuất một chiếc khẩu trang y tế thông dụng chỉ có 2 rupee/chiếc (tương đương 2,7 cent Mỹ, khoảng 620 đồng). Khi đến tay người tiêu dùng, giá từ 3 - 4 rupee/chiếc. Nhưng hiện giờ giá bán lẻ đã lên đến 15 rupee/chiếc (khoảng 4.700 đồng).

Trung Quốc đau đầu xử lý rác thải y tế sau đỉnh dịch COVID-19 Trung Quốc đau đầu xử lý rác thải y tế sau đỉnh dịch COVID-19

TTO - Hơn 20 thành phố ở Trung Quốc, đặc biệt là Vũ Hán, tâm điểm bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang phải đối mặt với tình trạng ùn ứ rác thải y tế và phải xử lý số rác này một cách an toàn.

ĐỒNG LỘC (Nguồn: BBC, WALL STREET JOURNAL, REUTERS)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên