01/11/2022 08:15 GMT+7

Khẩn trương cứu thỏa thuận ngũ cốc

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu lại đứng trước nguy cơ đứt gãy khi Nga rút khỏi vô thời hạn thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen với Ukraine, buộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các nước liên quan gấp rút tìm cách cứu vãn.

Khẩn trương cứu thỏa thuận ngũ cốc - Ảnh 1.

Các tàu thương mại trong thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen chờ đợi ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ sáng sớm ngày 31-10 - Ảnh: Reuters

Còn chưa đầy ba tuần trước khi thỏa thuận này hết hiệu lực và LHQ đang kêu gọi gia hạn thêm, thỏa thuận ngũ cốc đạt được hồi tháng 7-2022 gặp phải trở ngại lớn khi Nga tuyên bố dừng thực hiện. 

Điều mà LHQ và các nước có thể làm lúc này là cố gắng tìm giải pháp thương lượng để thỏa thuận được nối lại trước nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng xuất hiện trở lại và giá thực phẩm sẽ tăng cao.

Giữ hành lang ngũ cốc

Ngày 31-10, LHQ cho biết phái đoàn Nga tại Trung tâm điều phối chung (JCC) việc thực hiện thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen sẽ tiếp tục đối thoại với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề liên quan, theo Hãng tin Tass. 

Hôm 29-10, Nga tuyên bố ngừng thỏa thuận "trong thời gian không xác định", với cáo buộc Kiev sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga ở thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea.

Nga giải thích các cuộc tấn công khiến họ không thể đảm bảo an toàn cho các con tàu theo thỏa thuận. 

Cuối tháng 7-2022, Nga và Ukraine đã ký riêng với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu. 

Trong đó cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen trong vòng 120 ngày, tức đến ngày 19-11. Hơn 9,5 triệu tấn ngô, lúa mì, các sản phẩm từ hướng dương, lúa mạch, hạt cải dầu và đậu nành đã được xuất khẩu trong thời gian này.

Để giữ thỏa thuận, LHQ cho biết đã nhất trí với Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine về kế hoạch di chuyển cho 16 tàu, trong đó có 12 tàu rời cảng và 4 tàu cập cảng, và dự định giám sát 40 tàu rời cảng trong ngày 31-10. 

Theo LHQ, tất cả các bên còn lại trong thỏa thuận sẽ phối hợp trong quyền hạn cho phép để đảm bảo an toàn cho các tàu thương mại qua tuyến đã định.

Đến chiều cùng ngày, các tàu chở ngũ cốc đã bắt đầu di chuyển và thành phố cảng Odessa cho biết đã có hơn 354.000 tấn ngũ cốc rời các cảng của Ukraine trong ngày. 

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói hơn 2 triệu tấn thực phẩm đang bị mắc kẹt trên biển. Ông Zelensky chỉ trích Matxcơva chặn "hành lang ngũ cốc" trên Biển Đen, từ đó đe dọa nguồn cung lương thực cho châu Phi và châu Á.

Thị trường phản ứng ngay

Nhưng đây mới chỉ là giải pháp tạm thời và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã hoãn chuyến công tác nước ngoài để tìm cách khôi phục thỏa thuận. Thổ Nhĩ Kỳ, nước cùng LHQ đứng ra dàn xếp thỏa thuận ban đầu, đang liên lạc như con thoi giữa Matxcơva và Kiev. 

Trong khi đó Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Nga xem xét lại quyết định. "Ngay cả khi Nga hành xử do dự..., chúng tôi sẽ kiên quyết tiếp tục nỗ lực để phục vụ nhân loại", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói ngày 31-10.

Trong khi đó, biến động trên Biển Đen lập tức lan ra thị trường thực phẩm trong ngày đầu tuần. Theo Reuters, tại sàn Chicago (Mỹ), giá lúa mì giao theo kỳ hạn đã tăng hơn 5,5%, giá ngô tăng hơn 2%. 

Các nhà giao dịch đang lo cho số phận của hàng trăm ngàn tấn lúa mì dự kiến giao đến châu Á, Trung Đông, trong khi nhà cung cấp lúa mì chính của châu Á là Úc sẽ khó bù đắp nổi sự thiếu hụt.

Ngoài ra lượng ngô giao cho châu Âu trong tháng 11 cũng có thể bị ảnh hưởng. "Chúng tôi phải chờ xem tình hình sẽ ra sao. Chưa rõ Ukraine có thể tiếp tục vận chuyển ngũ cốc không và xuất khẩu của Nga sẽ như thế nào", một nhà giao dịch ngũ cốc tại Singapore nói.

Đối với người tiêu dùng, tác động sẽ thấy rõ trong thời gian tới. Dù giá các mặt hàng nông nghiệp toàn cầu đã giảm sau nhiều tháng tăng kỷ lục, nhưng giá bán lẻ thực phẩm vẫn rất cao và có xu hướng sẽ tăng thêm. 

"Thông thường sẽ mất khoảng hai tháng để giá ngũ cốc đi qua chuỗi cung ứng và tác động đến người tiêu dùng ở cấp độ bán lẻ. Tuy nhiên các nhà chế biến thực phẩm ít có giao dịch kỳ hạn nên có thể tác động sẽ nhanh hơn nhiều", một nhà phân tích tại Sydney, Úc, nhận định với Reuters.

Một buổi sáng Nga phóng 50 tên lửa

Chính quyền Ukraine cho biết thủ đô Kiev và nhiều khu vực khác bị tấn công bằng tên lửa ngày 31-10, trong đó khoảng 50 tên lửa nã xuống trong buổi sáng, nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, Kiev và các thành phố bị mất điện, nước. Văn phòng ông Zelensky thông báo sẽ buộc phải cắt điện khẩn cấp trên toàn quốc.

Trong khi đó, Nga cũng đề xuất đàm phán cùng Mỹ, quốc gia mà Matxcơva cho là có tiếng nói quyết định trong vấn đề Ukraine. Điện Kremlin cho rằng với tình hình ở Ukraine, Nga đang đề xuất đàm phán ở thế thượng phong.

IMF: Xung đột Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất kể từ năm 2008 IMF: Xung đột Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất kể từ năm 2008

TTO - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết cuộc xung đột Ukraine làm gián đoạn dòng chảy ngũ cốc và phân bón đã dẫn đến cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên