01/10/2022 06:38 GMT+7

IMF: Xung đột Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất kể từ năm 2008

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết cuộc xung đột Ukraine làm gián đoạn dòng chảy ngũ cốc và phân bón đã dẫn đến cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

IMF: Xung đột Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất kể từ năm 2008 - Ảnh 1.

Người dân địa phương xếp hàng chờ nhận bánh mì, nến và lương thực từ nhân viên cứu trợ tại thành phố Balakliia, tỉnh Kharkov, Ukraine ngày 21-9 - Ảnh: REUTERS

Ngày 30-9, IMF cho biết nghiên cứu mới của quỹ ước tính 48 quốc gia chịu tình trạng thiếu lương thực nặng nề nhất phải đối mặt với tổng các hóa đơn nhập khẩu tăng 9 tỉ USD trong năm 2022 và 2023, vì giá lương thực và phân bón tăng đột ngột do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Điều này sẽ làm suy giảm nguồn dự trữ ở nhiều quốc gia dễ bị tổn thương và đang bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột trong bối cảnh chính phủ các nước này đã phải chật vật trong suốt đại dịch COVID-19 vừa qua và vì giá năng lượng tăng.

Hiện có khoảng 345 triệu người trên thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu thốn gây đe dọa tính mạng, theo IMF. Quỹ này ước tính chỉ riêng năm 2022, 48 quốc gia nói trên cần đến 7 tỉ USD để giúp các hộ nghèo nhất đối phó với tình trạng thiếu lương thực.

IMF cho biết cuộc xung đột tại Ukraine đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực, vốn đã gia tăng kể từ năm 2018, một phần do tần suất và mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và xung đột khu vực, theo Hãng tin Reuters.

Quỹ kêu gọi tăng thêm hỗ trợ nhân đạo thông qua Chương trình Lương thực thế giới và các tổ chức khác, cũng như các biện pháp khác ở các nước bị ảnh hưởng để giúp họ cứu trợ người nghèo. Tuy nhiên, IFM lưu ý chính phủ các nước này cần ưu tiên chống lạm phát.

"Cứu trợ xã hội ngắn hạn nên tập trung vào việc hỗ trợ lương thực khẩn cấp hoặc tiền mặt cho người nghèo", Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết. Quỹ cũng kêu gọi dỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu lương thực và các biện pháp bảo hộ khác.

Theo IMF, việc cải thiện sản xuất và phân phối cây trồng, bao gồm thông qua việc tăng tài trợ thương mại, cũng giúp giải quyết cú sốc giá lương thực hiện nay. Các khoản đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với khí hậu, quản lý nước và bảo hiểm cây trồng cũng cần thiết để đối phó với hạn hán và các hiện tượng thời tiết khó lường khác.

Ukraine là một trong số năm nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở nước này, chiếm khoảng 15% lượng ngô và 12% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.

Việc Kiev nối lại các chuyến hàng từ các cảng ở Biển Đen theo thỏa thuận với Matxcơva chỉ giải quyết một phần sự thiếu hụt lương thực toàn cầu. Chiến sự đang làm giảm sản lượng cây trồng tương lai của Ukraine.

Nga và Ukraine cũng là những nhà xuất khẩu phân bón lớn.

Tin thế giới 21-9: McDonald Tin thế giới 21-9: McDonald's trở lại Kiev; Indonesia dành hơn 6 tỉ USD đảm bảo lương thực

TTO - Ông Biden đề cử đại sứ mới tại Nga; McDonald's trở lại Kiev sau 7 tháng chiến sự; Đức bực tức khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập liên minh do Nga, Trung Quốc dẫn đầu... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 21-9.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên