Toàn cảnh Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: TỰ TRUNG
Cả nước chỉ có hơn 2.000 bác sĩ làm việc tại khoa hồi sức tích cực, cá biệt có một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 1 bác sĩ về chuyên khoa này. Từ dịch COVID-19, câu chuyện về hồi sức tích cực cho người bệnh nguy kịch đang lộ rõ hạn chế 'vừa yếu vừa thiếu'.
Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19" vừa được bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt chính trong bối cảnh như vậy. Tính đến ngày 30-7, cả nước có trên 137.000 ca COVID-19, hơn 1.000 ca tử vong.
Đặc biệt, đang có đến 411 bệnh nhân nặng phải điều trị hồi sức tích cực, 21 ca nguy kịch phải chạy ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo).
bệnh nhân xuất viện sau khi được điều trị tại bệnh viện này - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhiều tỉnh chỉ có 1 bác sĩ hồi sức tích cực
Trong đề án này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định khi dịch COVID-19 bùng phát, một số địa phương thiếu chủ động, chưa sẵn sàng tiếp nhận điều trị ca bệnh nặng.
Năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực ở nhiều địa phương vừa yếu vừa thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng với các kịch bản của biến chủng "siêu lây nhiễm".
Theo khảo sát của Bộ Y tế, hiện nay cả nước có trên 2.000 bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu hồi sức tích cực, trong số này có nhiều địa phương đang rất thiếu nhân lực, chưa kể nhân lực trình độ cao.
Ở một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên phạm vi toàn tỉnh chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa sơ bộ hồi sức tích cực.
Ngoài ra, kết quả khảo sát trên 1.445 bệnh viện các tuyến toàn quốc còn cho thấy có 16.654 giường bệnh hồi sức tích cực, trong đó chỉ có khoảng 10.000 giường đáp ứng cho điều trị COVID-19.
Cơ số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19 ngày càng tăng cao.
Nhiều bệnh viện có giường nhưng không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén, do đó không thể sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm...
Điều này đang gây khó khăn cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh COVID-19 nặng.
Chưa kể, các khoa hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu...
Theo Bộ Y tế, từ thực tế các đợt dịch đang cho thấy gần như chưa có tỉnh nào có thể "tự lực cánh sinh" điều trị COVID-19 mà không cần sự chi viện từ trung ương hay sự giúp đỡ từ các tỉnh bạn.
Cả nước hiện chỉ có một số ít bệnh viện thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Cần Thơ...
Bộ Y tế cho rằng đề án này là "nhiệm vụ cấp bách" nhằm nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của hệ thống khám chữa bệnh, đồng thời tăng cường khả năng tiếp nhận điều trị ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch; đáp ứng các kịch bản dịch bệnh gia tăng, hạn chế tối đa bệnh nhân tử vong.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhu cầu rất lớn
Lý giải nguyên nhân khiến hệ thống hồi sức tích cực "vừa yếu vừa thiếu", Bộ Y tế cho rằng do tác động của chính sách tự chủ, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh ít chú trọng công tác hồi sức tích cực, khi có ca bệnh nặng thường chuyển lên các bệnh viện tuyến trung ương.
Điều này khiến các bệnh viện tuyến cuối quá tải trong việc điều trị ca bệnh nặng, gây khó khăn khi huy động, điều phối nhân lực hỗ trợ, phân bổ trang thiết bị, vật tư, tài chính... cho các địa phương khi cần thiết.
TS.BS Vũ Đình Thắng, trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115, đánh giá việc thiết lập mạng lưới hồi sức tích cực là "quá cần thiết" trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
"Điều trị hồi sức, tức phải chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Do đó đòi hỏi một nguồn nhân lực dồi dào, trang thiết bị máy móc đầy đủ. Không chỉ riêng Việt Nam mà ở hầu hết các nước, hồi sức tích cực đang là một bộ phận rất quan trọng trong điều trị người mắc COVID-19 nặng, giảm thiểu nguy cơ tử vong" - bác sĩ Thắng khẳng định.
Dữ liệu: H.LỘC - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Nhu cầu về bác sĩ hồi sức tích cực rất lớn nhưng nguồn lực lại rất thiếu. "Như khoa hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện Nhân dân 115 với khoảng 30 bệnh nhân, có đến 80 nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) chuyên về hồi sức, con số này trên thực tế vẫn chưa thể đủ đáp ứng nhu cầu" - bác sĩ Thắng dẫn chứng và cho rằng lý do khiến bác sĩ hồi sức khan hiếm xuất phát từ nhiều yếu tố.
"Nhiều bác sĩ trẻ vào làm việc tại khoa hồi sức tích cực để rèn tay nghề, được một thời gian cũng ra đi vì cường độ lao động quá áp lực; họ thường xuyên phải đối diện với bệnh nhân nặng, nguy kịch trong khi chế độ đãi ngộ chỉ bằng các chuyên khoa bình thường khác.
Ngoài ra, một lý do tế nhị là bác sĩ hồi sức chỉ có thể làm ở bệnh viện, không thể làm phòng mạch" - bác sĩ Thắng nói.
Theo ông, để thu hút nguồn nhân lực hồi sức tích cực, Nhà nước cần có một "cơ chế đặc biệt" trong vấn đề lương bổng, các chế độ đãi ngộ khác. Bởi như ở Mỹ hiện nay, bác sĩ hồi sức tích cực được trả lương cao nhất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM - cho biết nguồn nhân lực cho hồi sức tích cực ở khu vực phía Nam nói riêng đang "vừa yếu vừa thiếu".
"Thiếu và yếu cả về con người lẫn trang thiết bị. Đặc biệt, trong cuộc chiến với COVID-19 cần trang thiết bị rất đặc thù, đòi hỏi chức năng điều trị rất cao khi bệnh nhân trở nặng và nguy kịch" - ông Sơn phân tích.
Theo ông, trong điều kiện bình thường (chưa có COVID-19), việc khám chữa các bệnh lý thông thường cho người dân, các địa phương cơ bản đảm đương tốt.
Tuy vậy với các ca bệnh nặng cần cấp cứu hồi sức, các địa phương dựa rất nhiều vào các bệnh viện tuyến trên. Khi dịch COVID-19 bùng phát, với phương châm chống dịch "4 tại chỗ", với số lượng bệnh cần hồi sức tăng, chắc chắn các tỉnh phía Nam sẽ thiếu hụt nguồn lực hồi sức.
Bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu theo dõi trực tuyến bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền nặng tại một bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 (TP Thủ Đức) chiều 29-7 - Ảnh: TỰ TRUNG
Cần cơ chế đặc thù cho bác sĩ hồi sức
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng việc đào tạo bác sĩ hồi sức chỉ là một phần, mấu chốt là cần phải điều chỉnh chế độ đãi ngộ và chế độ làm việc.
Theo ông, hiện một bác sĩ được đào tạo hồi sức bài bản khi ra trường cũng như bác sĩ bình thường khác, chỉ có thêm thu nhập nếu kiêm chức vụ hoặc tham gia thực hiện các thủ thuật.
Dù có rất nhiều bác sĩ hồi sức tâm huyết nhưng do chế độ đãi ngộ rất hạn chế so với các chuyên ngành khác nên các bác sĩ có khuynh hướng nghỉ, chuyển qua các hệ thống tư nhân làm việc, vừa nhẹ nhàng vừa có thu nhập cao hơn.
"Vấn đề bây giờ là bên cạnh việc chú trọng đào tạo, tập huấn liên tục cần có cơ chế đặc biệt về chế độ đãi ngộ để giữ lại lực lượng này phục vụ ngành y tế" - ông Sơn nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận