Nửa năm qua, các y bác sĩ tại khoa mắt Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đã quen với việc luôn nở nụ cười với người bệnh - Ảnh: QUỐC NAM
Ngoài sự thân thiện của y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà còn được các y bác sĩ tự góp tiền phục vụ miễn phí từ nước uống, giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay... Vào bệnh viện thấy cả tranh nghệ thuật, cây xanh và nghe âm nhạc.
Tụi cháu đã chuẩn bị sẵn mấy bình nước uống miễn phí cho tất cả mọi người ở hành lang rồi đó. Cả xà phòng, giấy vệ sinh cũng có sẵn. Bác cứ ra đó lấy vô dùng cho đến khi nào ra viện nhé.
Điều dưỡng của khoa
Nhiệt tình cười hỏi han
Ông Đặng Quang Điểu, trú xã Đức Ninh, TP Đồng Hới, mới nhập viện để điều trị bệnh đục thủy tinh thể. Đến giờ rửa vết thương cho ông Điểu, chị Trần Hoài An, điều dưỡng trưởng của khoa mắt, cùng một điều dưỡng viên đẩy chiếc xe chở đủ thứ dụng cụ y tế và thuốc bước vào.
Điều đầu tiên mà ông Điểu và các bệnh nhân trong phòng nhìn thấy chính là nụ cười tươi của các điều dưỡng, sau đó là những câu hỏi thăm về tình hình sức khỏe.
Thỉnh thoảng chị An và người bệnh nói chuyện với nhau về gia đình, làng xóm khiến người bệnh cảm thấy ân cần như ở nhà. Thấy một bệnh nhân đến giờ cơm chiều mà người nhà chưa đến, chị An còn cùng y tá xuống căngtin bệnh viện mua giúp bệnh nhân hộp cơm.
"Bác cần ăn cơm ngay để uống thuốc đúng giờ, nghe bác" - cô y tá đi cùng dúi hộp cơm vào tay bệnh nhân nói.
Ông Điểu đã qua tuổi lục tuần, mắt đã yếu từ mấy năm trước, khoa mắt là nơi lui tới thường xuyên của ông mấy năm qua. Nhưng ông cũng phải "trố mắt" ngạc nhiên khi nhìn những biểu hiện "lạ" của hai y tá điều dưỡng.
"Mới năm ngoái tui cũng nằm đây mấy lượt mà sao khác quá, nhất là cách phục vụ người bệnh" - ông Điểu nói.
Ăn xong bữa cơm, ông Điểu mới chợt nhớ quên mua nước uống mang theo cũng như vài thứ lặt vặt để "đóng đô" tại bệnh viện dài ngày. Vừa nói người nhà chạy ra cổng mua thì cô điều dưỡng gọi giật lại: "Tụi cháu đã chuẩn bị sẵn mấy bình nước uống miễn phí cho tất cả mọi người ở hành lang rồi đó. Cả xà phòng, giấy vệ sinh cũng có sẵn. Bác cứ ra đó lấy vô dùng cho đến khi nào ra viện nhé", cô điều dưỡng vui vẻ.
Đẩy chiếc xe thuốc qua những phòng bệnh khác, hai cô điều dưỡng vẫn nhiệt tình nói cười hỏi han như thế. Ông Điểu ở phòng bệnh bên này vỗ đùi xoa tay: "Trước tui đi bệnh viện mấy lần chưa bao giờ có cảm giác thân thiện, gần gũi như ri. Y bác sĩ mà luôn vui vẻ, nhiệt tình như ri là người bệnh mừng lắm".
Không gian ở dọc hành lang bệnh viện đã được cải thiện theo hướng thân thiện hơn với dãy cây xanh và nước uống miễn phí do chính y bác sĩ góp tiền mua - Ảnh: QUỐC NAM
Để người bệnh không còn cảm giác "đi xin"
Đầu giờ chiều, các phòng bệnh vẫn lặng như tờ. Bỗng có tiếng nhạc không lời phát ra không biết từ đâu nhưng nghe rõ mồn một như ai đó đặt loa bên tai. Tiếng nhạc bắt đầu nhè nhẹ du dương. Chiều dần, những âm thanh càng rõ ràng hơn với tông nhạc khi về quê hương đất nước, khi nhạc tiền chiến sôi nổi. Nhạc do một y tá mở, bác sĩ Trần Ánh Dương, trưởng khoa, là người đưa ra ý tưởng về việc mở âm nhạc phục vụ bệnh nhân.
Làm trưởng khoa mắt từ tháng 4-2018, bác sĩ Trần Ánh Dương cho rằng cần có sự thay đổi, và điều thay đổi trước nhất là thái độ của y bác sĩ trong khoa đối với bệnh nhân.
"Người không may mắc bệnh phải vào viện nằm đã là bất đắc dĩ. Phải để họ được phục vụ bằng sự thân thiện và chân thành chứ không phải như là "đi xin" bác sĩ như trước đây nữa. Phải thay đổi thôi" - bác sĩ Dương nói.
Bác sĩ Dương cùng các y bác sĩ trong khoa cùng góp tiền quỹ để lắp đặt hệ thống loa dọc hành lang các phòng bệnh. Hệ thống loa được nối với một máy tính ở phòng trực và y bác sĩ nào trực ngày nào sẽ phải phụ trách việc chọn mở nhạc.
Bác sĩ Dương còn nhờ mua một số bức tranh, một số chậu cây cảnh đặt dọc hành lang cũng như mỗi phòng bệnh để tạo không gian tươi tắn. Y bác sĩ trong khoa còn chủ động góp tiền mua luôn nước uống, xà phòng thơm, nước rửa tay, giấy vệ sinh để sẵn cho tất cả bệnh nhân đến khám và điều trị được dùng miễn phí.
Những ngày đầu, nhiều người nhà bệnh nhân còn chưa tin, có người còn hỏi bác sĩ Dương là có phải trả thêm tiền dịch vụ không. Bác sĩ Dương lắc đầu, còn người nhà bệnh nhân mừng rỡ.
Bác sĩ Dương còn tạo điều kiện cho các bác sĩ trong khoa đi học các khóa nâng cao cập nhật các phương pháp điều trị mới ở bệnh viện mạnh về chuyên khoa mắt để người bệnh đến đây được phục vụ tốt nhất về cả tinh thần lẫn chuyên môn.
"Tinh thần người bệnh được thoải mái sẽ giúp hệ miễn dịch người bệnh làm việc hiệu quả hơn. Đó cũng là lý do tôi quyết định thay đổi cách phục vụ với người bệnh" - bác sĩ Dương nói.
Tín hiệu tích cực
Ở mỗi phòng bệnh, các y bác sĩ mua tranh về treo để bệnh nhân có thêm hình ảnh vui tươi - Ảnh: QUỐC NAM
Bác sĩ Trần Ánh Dương nói dù chỉ mới thực hiện hơn nửa năm, nhưng những thay đổi của khoa mắt đã được nhiều người ghi nhận. Tiếng lành đồn xa, thay vì nhiều người bệnh ở Quảng Bình trước đây chọn cách lặn lội vô các bệnh viện như Huế, Đà Nẵng để điều trị thì nay đến với khoa mắt của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Lượng người bệnh đến mổ đục thủy tinh thể riêng một tháng mới đây đã bằng cả năm ngoái.
Thấy được cái hay của sự thay đổi, đã có một số khoa khác tại bệnh viện này "học tập" áp dụng cho khoa mình.
"Chỉ cần mỗi khoa thay đổi một chút thôi, "chịu khó" nở nụ cười với người bệnh một chút thôi cũng giúp tinh thần người bệnh thoải mái hơn nhiều rồi" - bác sĩ Dương chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận