15/10/2018 09:20 GMT+7

'Trà My trên cát bỏng' tưới mầm tử tế

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Trà My hôm nay không đi trên cát bỏng, mà đi về trên những con đường ở TP.HCM, những chuyến xe, chuyến bay liên tỉnh khắp Việt Nam.

Trà My trên cát bỏng tưới mầm tử tế - Ảnh 1.

Trà My tưới mầm tử tế

Sự tử tế đơn giản qua những công việc nhỏ nhặt mỗi ngày và không bê tha với chính cuộc đời của mình. Sự tử tế đơn giản là không gieo bất cứ điều tiêu cực nào vào đầu người khác. Sự tử tế cũng đơn giản là khi chúng ta lên tiếng trước những chuyện tiêu cực trong xã hội, thay vì im lặng với ý nghĩ điều đó không thuộc trách nhiệm của mình

Trần Trà My

15-7-2007, "Trà My trên cát bỏng" xuất hiện lần đầu trên báo Tuổi Trẻ với bước chân xiêu vẹo giữa nắng cháy Quảng Trị, giọng nói nghẹn tắc, đôi tay run rẩy, nhưng ánh mắt luôn lấp lánh và dòng nhật ký mạnh mẽ: Ước mơ sẽ thành công bằng chính khả năng của mình!

Điều còn lại Trà My viết vào mẩu giấy gắn trên tường: “Cố gắng. Cố gắng”.

Tin vào điều tử tế

11 năm, ước mơ của Trà My đã thành hiện thực. Mặc cảm khuyết tật từng khiến cô muốn tìm đến cái chết thuở thiếu thời đã hoàn toàn biến mất. Trà My hôm nay không đi trên cát bỏng, mà đi về trên những con đường ở TP.HCM, những chuyến xe, chuyến bay liên tỉnh khắp Việt Nam.

Trà My hôm nay không chỉ viết những dòng nhật ký lặng thầm trên máy tính với một ngón tay, mà những bài viết của cô xuất hiện liên tục trên các báo in, báo mạng.

Trà My không đóng mình trong căn phòng nhỏ nữa. Cô xông xáo mặc áo váy đi chụp ảnh nghệ thuật, đi dự sự kiện, những chương trình từ thiện.

Cô cùng sáng lập quỹ "Giấc mơ đôi chân thiên thần" giúp những người khuyết tật yêu văn chương, làm đại sứ thiện chí, đại sứ niềm tin cho các hành trình thiện nguyện. Cô tham gia những khóa học, tìm kiếm nhân vật để phỏng vấn, tác nghiệp như một nhà báo thực thụ. Cô tích lũy trải nghiệm cho mình qua quan sát, qua chuyện trò mọi lúc, mọi nơi...

Từng ngày từng giờ, Trà My nỗ lực cho khát vọng của mình, những giấc mơ ngày một lớn hơn. Từng dòng từng chữ, Trà My truyền tình yêu cuộc đời và những nỗ lực, ước mơ ấy đến cho người đọc. Những cuốn sách của cô lần lượt ra đời: Giấc mơ đôi chân thiên thần, Chúng ta chính là mùa xuân, Yêu trên từng ngón tay và hôm nay là cuốn thứ tư: Tin vào điều tử tế.

Lời đề từ nhỏ nhẹ: "Như những hạt mưa bé nhỏ tưới mát những hạt mầm tử tế trong tâm hồn chúng ta". Cuốn sách cũng nhỏ nhẹ, chỉ hơn 100 trang khổ nhỏ, nhưng Trà My đã dồn vào đó tất cả sự trưởng thành của cô trong những năm qua, tất cả suy nghiệm đằng sau những bài báo, kịch bản cô đã viết, tất cả trải nghiệm sau những nhân vật cô đã gặp. "Tôi viết cuốn sách này trong bốn năm, có những bài chỉ hơn ngàn chữ mà cứ viết đi viết lại suốt hai năm mới thấy tạm hài lòng" - Trà My kể.

Và cô còn miệt mài suốt một năm nữa để tự cắt, dán hơn 100 tấm thiệp bằng đôi bàn tay yếu ớt không bình thường của mình dành tặng những bạn đọc thân thiết.

"Cuốn sách viết về những điều tử tế cần đến tay bạn đọc một cách thật tử tế" - Trà My nói vậy. Chỉ bằng cuộc sống của mình, Trà My đã đủ để những người biết cô "tin vào điều tử tế" rồi, nhưng cô còn làm được nhiều hơn thế nữa.

Trà My trên cát bỏng tưới mầm tử tế - Ảnh 3.

Cuốn sách mới nhất của Trà My - Ảnh: TỰ TRUNG

Đi đến cùng ước mơ...

Trà My tâm sự với độc giả: "Loay hoay hơn một năm trời để tìm ra bài viết kể tiếp chuyến hành trình trong cuốn sách mang tên Tin vào điều tử tế, có nhiều lúc tôi rơi vào trạng thái bế tắc khi thấy những chuyện xấu trong xã hội liên tục xảy ra. Không ít lần tôi tự hỏi nếu mình ăn theo người khác viết như những cuốn sách đang bán chạy hiện nay thì sao nhỉ?

Suy cho cùng, tôi cũng cần tiền để trang trải cuộc sống nơi xứ người, nhất là khi tôi là một người khuyết tật tự lập. Tự đấu tranh vật lộn với câu hỏi mình cần tiền để sống hay cần gieo những con chữ tử tế vào tâm hồn độc giả cứ luôn ám ảnh tôi mỗi đêm...".

Vượt qua những khoảnh khắc muốn buông bỏ, vượt qua những lúc gian nan di chuyển, tìm nhà trọ, vượt qua những ngày thiếu thốn, Trà My đã chọn những con chữ tử tế và động lực chính là: "những hành động tử tế của các nhân vật đã chạm vào trái tim của tôi".

Viết báo chủ yếu cho những trang mạng, nhuận bút được tính theo view, nhưng những nhân vật, câu chuyện mà Trà My chọn hầu hết là những nhân vật không "ăn khách", hoặc nhân vật "ăn khách" thì câu chuyện lại không "giật gân". Đó là những hành trình vươn lên của người khuyết tật. Đó là những hành trình thiện nguyện không hẹn ngày kết thúc. Đó là những hạnh phúc thăng hoa trong khó nhọc, muộn mằn...

Câu chữ của cô mộc mạc, nhưng sự đồng cảm thì sâu thẳm bằng chính cuộc đời mình.

Ước mơ của cô gái bé bỏng hôm nay đã mang những suy nghiệm lớn: "Ai cũng biết Việt Nam là một nước được vinh danh có nhiều vị giáo sư, tiến sĩ nhất thế giới. Nhưng khi hỏi mục tiêu đi học để làm gì thì đa số sẽ trả lời như sau: Học để có việc làm tốt, học để được lên lương, học để có chỗ làm "ngon" hơn, học để được đi nước ngoài... Ít ai trả lời học để về làm cái gì đó cho quê hương bớt nghèo đi.

Chúng ta đang là một trong những nguyên nhân làm nghèo đất nước và làm nghèo chính bản thân mình, cái nghèo đầu tiên chính là nghèo niềm tin vào chính mình và người khác...".

Đọc văn của Trần Trà My và khi biết Trà My, nhiều người đã ngạc nhiên. Cô gái nhỏ bé, yếu đuối mà nội lực mạnh mẽ. Cô gái chưa một buổi đến trường nhưng đã tự học, tự rèn luyện trở thành nhà văn, nuôi những ước mơ lớn. Cô gái không chỉ nỗ lực từng ngày để sống tử tế mà còn muốn khơi gợi, nuôi dưỡng sự tử tế của người khác.

Còn Trà My thì an nhiên cười thật xinh bên chiếc khung đi inox của mình: "Cuộc đời bạn đi hai chân hay sáu chân không quan trọng, quan trọng là bạn có dám đi đến mơ ước của mình hay không".

Hãy ở gần nhau nếu có thể

Trà My chia sẻ những trải nghiệm riêng mình: một người nghiện Facebook: "Facebook không dành cho những người ở gần, vậy thì chúng ta hãy dẹp ngay những phương tiện liên lạc hiện đại mỗi khi có dịp được ở gần nhau"; một người cầm bút: "Nghề cầm bút luôn đòi hỏi khi đứng trước cái xấu thì làm ơn hãy điều tiết nó theo một hướng tích cực, để nhờ vậy xã hội sẽ ngày càng bớt đi những điều xấu"; một người đã dũng cảm bước ra khỏi vòng tay bảo bọc của gia đình: "Gần 20 năm, việc tự xếp một bộ quần áo tôi cũng không biết cách.

Đến một ngày tôi nhận ra không ai có thể sống thay cho mình, không ai có thể thực hiện những ước mơ, hoài bão cho mình cả. Tôi không thể ngồi chờ ai đó đến và đưa tôi vào Sài Gòn, thành phố tôi muốn sống nhất, không thể chờ ai đó đi du lịch khắp nơi về kể lại, không thể chờ một phép mầu biến tôi trở thành một cô gái bình thường, khỏe mạnh rồi mới dám thực hiện ước mơ…".

Lời cám ơn của Trà My Lời cám ơn của Trà My Trà My trên cát bỏng Trà My trên cát bỏng Khâm phục Trà My Khâm phục Trà My
PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên