11/07/2023 16:26 GMT+7

Khai quật khảo cổ học tại điện Cần Chánh - nơi diễn ra lễ cưới của vua Bảo Đại

Các nhà chuyên môn đang tiến hành khai quật khảo cổ học tại nền móng của điện Cần Chánh - ngôi điện lớn nhất và đẹp nhất Đại nội Huế.

Khu vực nền móng của điện Cần Chánh bên trong Đại nội Huế đang được khai quật khảo cổ học - Ảnh: NHẬT LINH

Khu vực nền móng của điện Cần Chánh bên trong Đại nội Huế đang được khai quật khảo cổ học - Ảnh: NHẬT LINH

Chiều 11-7, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết đã cùng với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành khai quật khảo cổ học di tích điện Cần Chánh.

Việc khảo cổ nhằm xác định các thông tin về cấu trúc nền móng của ngôi điện lớn nhất bên trong Đại nội Huế này, nhằm phục vụ công tác phục hồi sắp tới.

Các chuyên gia khảo cổ học sẽ tiến hành khảo cổ trong khoảng thời gian hơn 1 tháng.

Điện Cần Chánh là nơi làm việc thường ngày của vua trong Đại nội Huế. Tại đây, nhà vua tổ chức các buổi lễ thiết triều vào ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch hằng tháng. Ngoài ra, điện còn là nơi vua tiếp các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi yến tiệc trong dịp khánh hỷ.

Điện Cần Chánh được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Đây là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm Thành.

Điện đặt trên nền đài cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh. Diện tích gần 1.000m2. Chính điện 5 gian, 2 chái kép, tiền điện 7 gian, 2 chái đơn. Toàn bộ khung gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim.

Phần lớn kết cấu gỗ đều được chạm trổ tinh xảo, công phu, thể hiện trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao của kiến trúc truyền thống Việt Nam thế kỷ 19. Trong điện, ở gian giữa của nhà chính đặt ngự tọa - nơi vua ngồi làm việc.

Đặc biệt theo nhiều nguồn sử liệu ghi lại, ngôi điện là nơi diễn ra lễ cưới lịch sử của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương vào năm 1934 - lễ cưới đầu tiên và cũng là duy nhất của một vị vua triều Nguyễn được tổ chức trong hoàng cung.

Trong cuốn hồi ký của minh, vua Bảo Đại viết: "Lễ cưới được tổ chức ngay trong phòng tiếp tân của điện Cần Chánh. Cũng giống như lễ đăng quang, triều thần đứng sắp hàng dọc theo một tấm thảm đỏ và vàng dành riêng cho Hoàng đế. Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình".

Ngôi điện này bị phá hủy trong chiếc tranh vào năm 1947.

Đến năm 2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phục hồi điện Cần Chánh. Dự án có tổng kinh phí gần 200 tỉ đồng, do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư.

Hội thảo quốc tế về việc trùng tu điện Cần ChánhHội thảo quốc tế về việc trùng tu điện Cần Chánh

TT - Ngày 13 - 8, hội thảo quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn di tích Huế và dự án phục nguyên điện Cần Chánh đã diễn ra tại TP Huế với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên