Trong hai ngày cuối tuần, lượng khách đổ về khu du lịch Văn Thánh, nơi đang diễn ra "Lễ hội văn hóa ẩm thực, món ngon Saigontourist Group 2023", ngày càng đông. Nhiều thời điểm, khách phải đợi xếp hàng mới có thể mua được món ngon trong khu vực diễn ra lễ hội.
Hàng chục ngàn lượt khách đến với món ngon
Đại diện Saigontourist Group cho biết tính đến tối 22-4, đã có 20.000 vé vào cổng được bán ra, phục vụ trên 30.000 khách dự lễ hội, đặc biệt riêng tối thứ bảy, ban tổ chức ghi nhận trên 15.000 khách trong nước và khách quốc tế trực tiếp dự lễ hội.
"Dấu ấn của lễ hội không chỉ là những món ăn ngon mà các giá trị văn hóa, sự gần gũi với người dân, góp phần tôn giữ, lan tỏa văn hóa ẩm thực quê hương", đại diện Saigontourist Group chia sẻ thêm.
Cùng vợ và con gái 5 tuổi tham gia lễ hội, anh Phạm Hoàng Minh (ngụ Q.1) cho hay anh tình cờ biết đến lễ hội qua báo chí.
Anh thấy lễ hội không chỉ hội tụ ẩm thực 3 miền mà còn bố trí không giới thiệu các làng nghề thủ công Bắc - Trung - Nam như làm nón, đan bún, làm bánh…, bên cạnh đó còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như cầu khỉ, thả vòng…
"Tôi đọc thấy hấp dẫn, liền lên kế hoạch đưa các con tới lễ hội vui cuối tuần. Vừa tranh thủ để các bé vui chơi, các con lại được tiếp xúc với văn hóa cổ truyền, trò chơi dân gian truyền thống. Giờ muốn các bé có những ngày trải nghiệm hoạt động văn hóa thế này chỉ có thể đăng ký học các lớp trải nghiệm, rất tốn kém", anh Minh nói.
Hồn Việt, không gian xưa trong lễ hội văn hóa ẩm thực
Không chỉ đầu tư vào món ăn, không gian văn hóa 3 miền cũng được ban tổ chức chăm chút để tăng thêm cảm nhận và sự thuyết phục của các món ăn ngon.
Ban tổ chức cho biết đã có sự chăm chút, đầu tư hơn bộ nhận diện với thiết kế đậm sắc thái văn hóa vùng miền. Lễ hội năm nay còn bố trí thêm cụm không gian tái hiện 20 ngôi nhà Sài Gòn xưa. Theo nhiều thực khách, cách bày trí này khiến cho thực khách cảm giác vừa "được ăn và được chơi" nên giữ chân lại rất lâu, chứ không "xẹt qua cái quán lề đường ăn đại món gì cho xong".
Các món ăn được đặt trong thúng, sạp hàng của chợ quê, trên xe lưu động trang trí phong cách xưa hay trên những gánh hàng rong... với rơm rạ, giỏ mây tái hiện một không gian vùng quê sinh động, gần gũi.
Trong khi đó, hoạt động trải nghiệm ấn tượng nhất với bạn trẻ Linh Chi (Ngụ Gò Vấp) là được thử các món chay. "Dòng ẩm thực chay" được bố trí thành gian hàng riêng, trang trí không gian thanh tịnh, là điểm đến dành riêng cho những tín đồ ẩm thực chay, những người chuộng các món ăn sức khỏe.
"Ngon hết nấc" là cụm từ miêu tả bạn trẻ này dành cho món ăn từ rau củ đã thử tại lễ hội. Với mục đích ban đầu tới để "check-in" không gian cổ truyền đăng Facebook, Chi cho biết cô không có hy vọng nhiều vào độ "đặc sắc" của đồ ăn, nhưng khi ngang qua quầy hàng chay, cô bất ngờ bởi đồ chay sao có thể đa dạng, nhiều mẫu mã, nhiều món và trông "ngon" mắt thế. Khi nếm thử thì "chim ưng" quá trời luôn"!.
Không chỉ khách Sài Gòn, Lễ hội ẩm thực TP.HCM còn hút khách từ các tỉnh thành đổ về vui chơi dịp cuối tuần. Anh Nguyễn Công Thuận (Biên Hòa, Đồng Nai) cùng gia đình gần 10 người gồm cả người lớn, trẻ em hào hứng lựa từng món đặc sản thưởng thức ngày cuối tuần
Lái xe hơn 40 phút từ Biên Hòa (Đồng Nai), lên tới Sài Gòn lúc chập tối để tận hưởng lễ hội. Anh Thuận kể: "Tôi và bà xã quen nhau ở TP.HCM, hằng năm gia đình thường tụ tập ăn uống và để kỷ niệm ngày quen nhau tại đây!
Nay tôi đưa mẹ cùng các con, cùng gia đình bạn bè cùng lên đây thưởng thức các món ăn yêu thích. Không khí quá vui vẻ", anh Thuận chia sẻ.
Lễ hội còn tiếp tục mở cửa đến 22g tối nay, ngày 23-4-2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận