07/02/2022 12:56 GMT+7

'Khách sạn' cho cá cưng

CÔNG TRIỆU - DIỆU QUÍ
CÔNG TRIỆU - DIỆU QUÍ

TTO - Lâu nay nghe nói "khách sạn" cho thú cưng chó mèo nhưng ít người hay cũng có "khách sạn" cho... cá cưng khi chủ đi đâu đó vắng như về quê ăn Tết dài ngày, công tác xa...

Khách sạn cho cá cưng - Ảnh 1.

Anh Thung bên bể cá cưng của mình trước ngày gửi đến trại cá chăm hộ - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Cá cảnh là loài thường chỉ nuôi cố định chứ không thể mang theo nếu đi khỏi nhà nhiều ngày. Những người nuôi cá cảnh khi đi công tác, nhất là về quê ăn Tết, thường tìm cách đem cá đi gửi. Và "khách sạn" cho cá ra đời giúp chủ yên tâm "cục cưng" của mình đã có nơi chăm sóc.

Nhiều loài cá kén nước, phải chạy lọc suốt, thức ăn cũng phải là thịt bò, tim bò, tôm tươi, hải sản cả chứ chẳng đùa. Tiền phí tính đi tính lại cũng chỉ bằng tiền đồ ăn, điện nước thôi.

Anh Đức Phúc

Cưng cá như con

Nhận giữ cá hộ được xem là chuyện khá mới trong giới mua bán, nuôi cá cảnh. Với nhiều chủ trại cá thì việc mở "khách sạn" cá, hay cụ thể là giúp khách chăm hộ các loại cá, cũng chỉ là vì quý khách, giữ mối và làm vì... đam mê.

"Bụp bụp. Bụp bụp". Tiếng búng tay của anh Hoàng Hữu Thung, 30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh (TP.HCM) vào thành bể khiến đàn cá khoảng 10 con (gồm cá dĩa, cá bút chì) trong bể kính dài hơn 1m ngang cứ nháo nhào đòi ăn. 

Thả phần tim bò được trộn lẫn với rau củ xay nhuyễn, bột cám... xuống khay đồ ăn, anh Thung chăm chú dõi mắt nhìn theo từng con cá, cười nói: "Chăm tụi này cực hơn cả chăm con. Phải để ý chi tiết từ dòng nước, rồi nhiệt độ, độ PH trong nước. Lạnh thì phải sưởi cũng như nóng thì phải bật quạt, PH mà tụt thì phải tăng thêm PH, cao thì phải xử lý hạ xuống".

Công việc chất đống những ngày cuối năm, nhưng việc khiến anh Thung chưa thể an tâm để về quê đón Tết cũng vì chưa tìm được nơi nhận chăm giúp đàn cá. Hễ rảnh tay là anh lại lên mạng, chạy đôn chạy đáo khắp TP tìm "khách sạn" cho đàn cá của mình. Chừng nào tìm được nơi nhận chăm giúp đàn cá thì anh mới dám đặt vé máy bay, tính chuyện về quê (Hà Tĩnh) đón Tết cùng gia đình. 

"Tìm được chỗ nhận mà tôi mừng hết biết. Không nuôi thì thôi chứ đã nuôi, chăm chúng vài ngày là thương lắm, bỏ vậy về không nỡ" - anh tâm sự.

Gắn bó với loài cá dĩa đã 10 năm nay, chị Vũ Thị Hiền (chủ một trại cá ở TP.HCM) cho hay ngày trước không thấy ai hỏi có nhận giữ cá không, chỉ vài năm gần đây khách có nhu cầu nên chị mới nhận. 

"Cá dĩa thuộc dạng khó nuôi, chăm rất cực nên việc giữ giùm ít ai nhận vì khá phức tạp. Muốn nhận phải có diện tích chứa cá khách gửi, kinh nghiệm chăm cá, giao kèo này nọ và phải đặt hết trách nhiệm vào con cá. Tết nhất cũng chỉ đi chơi trong ngày về chứ không dám đi lâu vì không ai chăm cá" - chị Hiền nói.

Từng là kỹ sư điện và chủ cơ sở Anh ngữ, song 10 năm nay từ khi lập gia đình, vợ chồng chị Hiền dành hết đam mê và tâm huyết với dòng cá dĩa. Chị Hiền thuê hai căn nhà ở quận Tân Bình (trên đường Trần Thái Tông), mỗi nhà gần 100m² với sức chứa tổng cộng hơn 100 hồ. 

"Một nhà là nơi để các loại cá dĩa làm hàng mẫu cho khách đến chọn, nhà còn lại dành làm nơi giữ cá của khách gửi cùng các dòng cá phụ kiện (nuôi chung với cá dĩa - PV). Chồng tôi luân phiên chăm sóc cá ở hai nhà, còn 1.000 hồ nuôi ở Củ Chi do em chồng tôi chăm để bán sỉ cho các cửa hàng, xuất khẩu đi các nước và bán lẻ cho khách" - chị Hiền cho biết.

Cá dĩa là loài sống bầy đàn, khách mang tới gửi sẽ để cá vào bịch đựng 9 - 10 con cùng màu vì người chơi có tâm lý nuôi theo màu phong thủy. Khi khách chuyển từ hồ ở nhà đến trại cá, chị Hiền không đổ nguyên bịch vào hồ ngay mà để bên ngoài sủi (bỏ cục oxy sủi vào bịch cá). Sau một tiếng thì chêm nước từ từ vào để cá thích nghi rồi đổ thuốc dưỡng vào, trong thời gian dưỡng phải thay nước liên tục cho cá quen nguồn nước mới, tốt nhất nên thay nước 2 lần/ngày.

Khi đàn cá thích nghi rồi được đưa vào hồ nuôi riêng với điều kiện yên tĩnh, không tiểu cảnh, canh độ PH, nhiệt độ phù hợp, ăn uống đủ chất, nước thay mỗi ngày để cá khỏe mạnh, mướt và hạn chế lên tiêu (tức vây cá bị đen) cùng vài biện pháp nâng cao sức đề kháng và nhận biết dấu hiệu khi cá bệnh.

20.000 - 1 triệu đồng một... "bãi đáp" cho cá

Ở "khách sạn", cá của mỗi khách sẽ được nuôi trong từng hồ riêng. Mỗi loại cá sẽ chỉ hợp với một môi trường nước động tĩnh khác nhau. Nếu nuôi chung nhiều loại, nhiều đàn với nhau thì cá sẽ khó thích nghi, "đánh nhau" dẫn đến bị thương, chết. Đó là chưa kể việc phải đề phòng trường hợp cá của khách này lây bệnh sang cho cá khách khác.

Nhiều chủ trại cá không xem chuyện mở "khách sạn" cho cá là kinh doanh, bởi đa số họ chỉ nhận giữ cá cho khách quen. Như anh Đức Phúc, chủ một trại cá trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình, TP.HCM), cũng chỉ nhìn mặt khách để quyết định có nhận giữ cá hay không. Năm nào không về ăn Tết, chàng trai quê Tiền Giang này đều giúp khách "giữ trẻ cá" trong mấy ngày Tết. 

"Tôi không kinh doanh dịch vụ giữ cá hộ, do quý khách nên nhận giữ giúp. Bận từ sáng đến tối nhưng thấy khách cưng cá nên nhận cho khách yên tâm về quê ăn Tết vui vẻ, nếu không ai chăm cá chết thì tội lắm" - anh Phúc cho biết.

Dịp cuối năm, số khách mang cá đến gửi ở trại cá của anh Phúc lên tới gần 200 bể, tăng đột biến so với thời điểm trong năm. Thời gian gửi không giới hạn, có thể gửi từ một hai tuần cho đến hơn một tháng, một năm vẫn nhận. "Hầu như khách đã gửi ở đây thì đều chỗ quen thân, tin tưởng nhau mới gửi. Lâu lâu mình cũng phải chụp, quay phim cá lại gửi cho khách để họ xem cho an tâm, đỡ nhớ" - anh Phúc cười nói.

Dù không xem đây là kinh doanh, thế nhưng chi phí giữ cá hộ tại TP.HCM lại đầy sôi động, từ 20.000 đồng cho tới hàng trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng/ngày. Về việc chênh lệch phí giữ cá hộ đến cả triệu đồng như trên, anh Phúc lý giải rằng còn tùy vào giá trị, độ quý hiếm, độ khó... của từng loại cá và hợp đồng giao kèo khách hàng đưa ra. Với các loài như cá dĩa, cá vàng ba đuôi, anh Phúc chỉ nhận giữ với mức phí 20.000 đồng/bể/ngày; còn với cá rồng, cá chép Koi Nhật, Ranchu..., mức phí có thể rơi vào từ 50.000 đồng đến trên dưới 1 triệu đồng.

Khach san ca

Để mở được "khách sạn" cho cá cũng đòi hỏi phải có mặt bằng rất rộng - Ảnh: DIỆU QUÍ

Dịch vụ nhận nuôi, giữ thú cưng luôn rộn ràng vào dịp Tết. So mặt bằng chung phí nhận nuôi thú cưng như chó, mèo khoảng 150.000 -500.000 đồng/ngày thì việc giữ một bể cá dĩa với giá 20.000 đồng/ngày mà nhiều trại cá đang đưa ra lại được cho là "mềm". Tuy nhiên, so với các loài thú cưng thì cá cũng là loài rất khó chăm nuôi.

Có gần 30 năm sống với nghề buôn bán cá cảnh nhưng ông Trần Trọng Khang (chủ một tiệm cá cảnh trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM) tâm sự việc lường trước những rủi ro khi nhận giữ cá hộ lại chưa bao giờ là điều đơn giản.

Nói về sự cố nhớ đời của mình, ông Khang kể: "Tôi đã tính không nhận vì con huyết long đó được định giá cả 100.000 USD, khách quen năn nỉ mãi không đành nên cũng nhận. Vào chăm như thường, ăn uống đang khỏe mạnh thì cá nhảy xổm ra khỏi bể trong khi mình chẳng để ý, quay đi quay lại thấy nằm giữa nền nhà rồi".

Khóc cười cùng cá cảnh Khóc cười cùng cá cảnh

TT - Từ chơi cá cảnh, nhiều người bước vào kinh doanh lớn với nhiều công ty, trang trại chuyên nuôi, mua bán cá cảnh. Nhiều người nhờ cá cảnh trở thành tỉ phú, cất được nhà lầu, mua xe hơi riêng đi "giao dịch" cá.

CÔNG TRIỆU - DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên