07/01/2025 08:01 GMT+7

Khách quốc tế bớt sợ khi qua đường?

Xe máy "được phép" rẽ phải khi đèn đỏ, "đặc sản" này là nỗi sợ của du khách đến TP.HCM. Lối đi bộ trên vỉa hè cũng thường xuyên bị xe máy lấn chiếm. Để du khách qua đường thong thả và an toàn, có khó lắm không?

Khách quốc tế bớt sợ khi qua đường!? - Ảnh 1.

Nhiều ô tô nhường đường cho khách du lịch băng qua đường tại trung tâm TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Thói quen chạy leo lề, rẽ phải khi đèn đỏ không giảm tốc độ, không nhường đường cho người đi bộ có thể thấy bất cứ nơi nào. 

Chuyện ghi nhận ở trung tâm TP.HCM, cùng mong muốn thay đổi thói quen đi đường gây hoảng hồn cho người đi bộ ở các thành phố du lịch cả nước.

Tối 3-1, tại ngã tư đường Đinh Tiên Hoàng giao đường Nguyễn Thị Minh Khai, ông Tom Lee (đến từ Nam Phi) cùng vợ con đứng chờ tín hiệu đèn để qua đường. 

Khi ông bắt đầu bước đi băng qua đường ở vạch dành cho người đi bộ, chợt có rất nhiều xe máy rẽ phải, ông phải giật lùi lại, giơ tay xin và hối hả đi thật nhanh qua đường trong sự ngỡ ngàng. Ông không biết là ngã tư người đi xe máy có thói quen "được phép" rẽ phải.

Ông cho biết: "Tôi rất sợ băng qua đường, dù chúng tôi đi đúng nơi dành cho mình nhưng dòng xe máy chạy khá nhanh, không giảm tốc độ. Mọi người không nhường người đi bộ, không bấm còi, nhiều khi còn tỏ vẻ tức giận", ông Tom nói.

Gần đó, tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một trong những điểm thường kẹt xe mỗi khi cao điểm, một cặp đôi người nước ngoài phải chờ rất lâu mới qua được đường. 

Dòng xe cộ vẫn vô tư rẽ phải khi đèn đỏ nối tiếp nhau. Họ đã dừng lại xem biển báo quanh khu vực để hiểu rõ hơn về quy định trong tham gia giao thông ở khu vực này. Nhưng không hiểu tại sao người ta lại vô tư rẽ phải khi đèn đỏ!

Đường Tôn Đức Thắng đoạn từ cầu Khánh Hội đến cầu Ba Son, quận 1, giờ cao điểm từ 7h - 9h sáng và từ 15h - 18h tối thường rất đông xe. Đây cũng là thời điểm mà du khách phải vất vả cố gắng luồn lách qua đám đông người để có thể băng qua đường. Ở những nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ nhưng dòng xe máy và ô tô vẫn vô tư lao đi, thậm chí có xe còn cố gắng vượt lên dù chỉ còn 1 giây đèn vàng.

Bà Thu Hiền (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết chiều nào bà cũng đưa cháu gái ra công viên bến Bạch Đằng để đi dạo và thể dục. Bà cho biết với khách từ nơi xa hoặc khách nước ngoài, băng qua đường khu vực này như một "cực hình".

"Tui là người sống ở đây mà mỗi lần giơ tay xin đường cũng rất hồi hộp, khách nước ngoài họ trân mình đứng một chỗ, chờ rất lâu hoặc chờ có người Việt mình đi thì đi qua cùng", bà Hiền chia sẻ.

Khách quốc tế bớt sợ khi qua đường!? - Ảnh 2.

Du khách thường căng thẳng khi bước trên làn đường dành cho người đi bộ tham quan nhà thờ Tân Định ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Đi đường văn minh hơn

Thạc sĩ Nguyễn Trần Phước, giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển kỹ năng sống Viet-Sing, cho cho rằng văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, đây cũng chính là biểu hiện sự chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông.

TP.HCM hướng đến trật tự giao thông tốt hơn, người đi đường đúng luật giao thông là hình mẫu đô thị thân thiện, yếu tố quyết định giúp thành phố giữ chân du khách quốc tế.

"Cần có sự thay đổi, từ những hành động nhỏ nhất của người dân TP như nhường đường cho người đi bộ, hạn chế tiếng còi xe, cải thiện tình trạng lấn chiếm, chạy xe lên vỉa hè để TP.HCM có thể trở thành một điểm đến an toàn và hấp dẫn cho mọi du khách", ông Phước nói.

Nâng cao vai trò lực lượng hỗ trợ du khách

Khách quốc tế bớt sợ khi qua đường!? - Ảnh 3.

Du khách đi bộ qua đường đúng luật tại góc đường Pasteur - Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) phải né ô tô, xe máy đang chiếm cả vạch kẻ cho người đi bộ (ảnh chụp chiều 3-1-2025) - Ảnh: T.T.D.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, năm 2024 tổng lượng khách quốc tế đến TP.HCM đạt khoảng 6 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2025, ngành du lịch TP.HCM đặt mục tiêu đón khoảng 45 triệu lượt khách nội địa, 8,5 triệu lượt khách quốc tế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết TP.HCM có thành lập đội trật tự bảo vệ khách du lịch, lực lượng chuyên hỗ trợ khách du lịch thuộc lực lượng Thanh niên xung phong TP.

Đây là đội trật tự viên thanh niên xung phong bảo vệ khách du lịch đầu tiên của TP.HCM và là mô hình đầu tiên của cả nước, được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2006.

Sở Du lịch cũng phối hợp đào tạo cho lực lượng này về việc nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, hướng dẫn du lịch, an ninh an toàn khi hỗ trợ du khách quốc tế. Lực lượng này có mặt ở khu vực trung tâm TP và những điểm đến du lịch nổi tiếng với nhiệm vụ hướng dẫn hỗ trợ du khách.

Một tuần sau khi nghị định 168 năm 2024 có hiệu lực (từ ngày 1-1-2025), có thể thấy sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông.

Tại các ngã tư, nơi vốn là điểm nóng của tình trạng vượt đèn đỏ và vi phạm luật giao thông, giờ đây đã thấy sự trật tự hơn. Xe cộ cuối năm vẫn rất đông nhưng dòng xe trật tự hơn, dừng đúng vạch, du khách đỡ căng thẳng khi đi bộ qua đường.

Mong mức phạt từ nghị định 168 sẽ góp phần thay đổi thói quen xấu xí lâu nay, để người đi bộ, đặc biệt là du khách, an tâm hơn trên đường phố.

Đừng để du khách nước ngoài hốt hoảng

Khách quốc tế bớt sợ khi qua đường!? - Ảnh 3.

Chiếc taxi này dừng đón khách trên làn đường dành cho người đi bộ trước Bưu điện TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Nhà thờ Tân Định (đường Hai Bà Trưng) là một điểm đến ưa thích của du khách khi đến TP.HCM. Tôi vẫn thường thấy dáng vẻ rất "cảnh giác" của du khách khi băng qua đường, trên gương mặt lộ rõ sự căng thẳng dù họ đang đi đúng trên vạch kẻ dành cho người đi bộ. Phần đông người đi xe máy chưa có thói quen nhường đường ở những nơi có vạch kẻ dành cho người đi bộ.

Ngày 3-1, tại góc đường Pasteur - Lê Lợi (quận 1), du khách đi bộ qua đường (đúng luật) phải né hàng ô tô bị ùn do đèn đỏ ngã tư phía trước. Dòng xe máy từ đường Lê Lợi rẽ phải khi đèn đỏ cũng gây khó cho du khách đi bộ qua đường. Chiều 1-1, một chiếc taxi đón khách trước Bưu điện TP.HCM đã dừng xe ngay trên vạch kẻ dành cho người đi bộ. Một nhóm du khách phải khép mình bước qua đường.

Đây là một vài câu chuyện trên đường phố TP.HCM hằng ngày, du khách người sợ hãi khi qua đường, người lắc đầu ngao ngán. Tương tự như khi du khách đi bộ trên vỉa hè chợt hốt hoảng né qua một bên khi xe máy phi ào ào giành lối đi bộ của họ. Không ít người giơ điện thoại chụp lại những hình ảnh xe máy, ô tô lấn đường người đi bộ đúng luật. Những hình ảnh này nếu được lan truyền sẽ là điểm trừ cho du lịch thành phố.

Cần giữ cho du khách nước ngoài quyền đi bộ an toàn, thoải mái nhất, đó là cách giữ hình ảnh tươi đẹp, thân thiện cho một đô thị đang thu hút du khách quốc tế.

Khách quốc tế bớt sợ khi qua đường!? - Ảnh 5.97 trường hợp vượt đèn đỏ ở TP.HCM bị xử lý trong ngày đầu áp dụng nghị định 168

Trong ngày đầu áp dụng nghị định 168/2024, cảnh sát giao thông TP.HCM đã xử phạt gần 1.600 trường hợp vi phạm, trong đó có 97 trường hợp không chấp hành đèn tín hiệu giao thông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên