![]() |
Niềm vui của học sinh vùng biên giới Đồng Tháp khi trở về nhà trên chiếc ghe nhỏ sau khi đến trường nhận quà tết - Ảnh: Mễ Thuận |
Những món quà này cũng khép lại chuyến đi kéo dài hơn nửa tháng dọc biên giới năm tỉnh Tây Bắc gồm Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Yên Bái, mang tấm lòng bạn đọc báo Tuổi Trẻ đến với những thầy cô giáo cắm bản đã hi sinh tuổi xuân của mình cho tương lai các em nhỏ vùng cao.
Đồng thời những món quà cũng san sẻ yêu thương với học sinh đang từng ngày đối mặt với chất ngất khó khăn nhưng vẫn hồn nhiên nụ cười. Những nụ cười mà chúng tôi nhói lòng khi chứng kiến, đối với các em, đó là điều rất đỗi bình thường.
Các em thấy bình thường với đôi chân trần của mình giẫm lên đá nhọn mỗi ngày đến lớp, bình thường trong phòng học trống tuềnh toàng ù ù gió bấc rét cắt thịt da, áo không đủ ấm, bình thường trong bữa cơm không đủ no và thiếu thịt, bình thường khi chưa hề biết bánh kẹo, truyện tranh... là gì.
Những ngôi trường vách nứa, lợp bằng bạt nhựa là lớp học của trò. Những túp lều cũng y như thế, là nơi những gia đình thầy cô giáo sống và sinh con đẻ cái. Trò cũng trọ học trong những “mái nhà” như thế, tự nấu nướng, hái rau rừng, mò cua bắt ốc để đủ chất cho bữa ăn có sức mà cuốc bộ đường rừng, mà đêm học bài bên ánh lửa.
Có lên đến đây mới hiểu rằng để tất cả em bé rẻo cao này đều có được một mùa xuân ấm áp là điều quá khó. 5.600 suất quà trao suốt chuyến đi này cũng chỉ là muối bỏ bể. Còn nhiều em bé khác ở giữa rừng núi Tây Bắc đang thiếu ăn, thiếu áo, thiếu một chỗ ngồi học đúng nghĩa. Nỗi khắc khoải Tây Bắc ấy giờ cũng đang được nhân lên thành những chương trình tự phát.
Như nhà báo Trần Đăng Tuấn và nhà thơ Phạm Ngọc Tiến đã khởi xướng ý tưởng “Cơm có thịt cho trẻ em Suối Giàng” và giờ đây đã có hàng ngàn em bé khác ở Tây Bắc, Việt Bắc có bữa ăn ngon hơn, tấm áo ấm hơn. Rất nhiều bạn trẻ khác tự liên kết với nhau trên mạng xã hội để quyên góp từ áo ấm đến tiền mua xoong nồi giúp các em có cái nấu nướng ở các bếp ăn nội trú...
Nhưng bao nhiêu tấm lòng cũng chưa thể lo cho các em một cách chu đáo. Giải quyết nan đề này cần bắt đầu từ những người làm chính sách, những quan chức đầu ngành, những đại biểu dân cử...
Quà xuân Tuổi Trẻ đến biên giới Tây Nam Báo Tuổi Trẻ vừa chuyển hơn 850 phần quà xuân trị giá hơn 260 triệu đồng của bạn đọc đến các xã biên giới ở huyện Tân Hồng và Hồng Ngự (Đồng Tháp). Đây là vùng đất chỉ cần chống xuồng ba lá qua bên kia sông đã đặt chân lên đất bạn Campuchia. Các vùng quê này còn rất nghèo, không có nước sạch, trẻ em không có đôi dép lành lặn để mang, nên mỗi món quà được thầy cô giáo và học sinh nâng niu. Theo nhiều thầy cô giáo ở huyện Tân Hồng, hầu hết học trò ở đây một buổi đi học, một buổi lặn sông nước bắt từng con cua, con cá nên em nào tóc cũng cháy đỏ. Tay chân thì đen như cột nhà cháy. Móng tay, móng chân em nào cũng bị bám phèn vàng như nghệ. Ôm trên tay phần quà gồm kẹo, bánh và phong bao lì xì, em Nguyễn Hoàng Ngân (lớp 4 Trường tiểu học Thông Bình 2) chạy như bay về nhà. Bà Hồ Thị Bé Chín, mẹ Ngân, nhận quà từ tay con mà rơi nước mắt. Dù tiền không nhiều nhưng mấy mẹ con ngồi bàn với nhau sẽ mua vài bộ quần áo mới để mặc mấy ngày tết. “Hai vợ chồng chỉ có nửa công ruộng. Tôi thì bị tật nên một mình ảnh làm mướn riết. Mấy hôm nay ảnh cũng bệnh đau liên miên nên chỉ làm những việc tiền công ít, cuộc sống càng khó khăn” - bà Chín cho biết Tất cả 102 thầy cô giáo và nhân viên bảo vệ của bốn trường mà Tuổi Trẻ đến trao quà cho học sinh cũng được nhận quà tết và bao lì xì. Dễ dàng nhìn thấy niềm vui, hạnh phúc hiện rõ trên đôi mắt của họ khi nhận quà. Trong giờ phút chia tay, thầy Huỳnh Như Thạch, hiệu trưởng Trường Tân Thành A2 (huyện Tân Hồng), nói thay cho giáo viên trường mình: “Món quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đến đây hôm nay rất quý với chúng tôi. Thay mặt thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa tỉnh Đồng Tháp, tôi xin cảm ơn”. MỄ THUẬN - THANH TÚ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận