Các nút bạc, vàng, kim cương để vinh danh các Youtuber. - Ảnh: PINTEREST
Đó là nhận xét của nhiều nhà sáng tạo nội dung cho Youtube khi nói về cơ chế trao phần thưởng chứng nhận đóng góp cho mạng xã hội này.
Không cần chất, chỉ cần "sub"
Theo công bố của Youtube, mạng xã hội này có các phần thưởng dành cho các nhà sáng tạo nội dung mỗi khi họ đạt các cột mốc về lượng người đăng ký theo dõi kênh của mình (sub - subcribers).
Trong đó, đáng chú ý là 3 cột mốc ở cấp độ cao nhất, đó là Nút Play Bạc khi kênh đạt 100.000 người đăng ký, Nút Play Vàng khi kênh đạt 1 triệu người đăng ký, và Nút Play Kim cương khi kênh có từ 10 triệu người đăng ký theo dõi.
Cụ thể, khi một kênh đạt số lượng người đăng ký theo dõi đến các cột mốc nêu trên, họ có thể báo cáo cho Youtube để được xét duyệt trao phần thưởng.
Theo công bố của Youtube, ngoài các yêu cầu về ngưỡng người đăng ký theo dõi, "YouTube có toàn quyền quyết định trong việc trao phần thưởng cho người sáng tạo và chúng tôi chỉ ghi nhận những người sáng tạo nào tuân thủ quy tắc. Trước khi trao giải thưởng, chúng tôi luôn xem xét từng kênh để tạo sân chơi công bằng cho tất cả mọi người.
Điều đó có nghĩa là trong số các tiêu chí khác, chúng tôi sẽ trao phần thưởng cho người sáng tạo duy trì tài khoản của mình trong trạng thái tốt, không có cảnh cáo vi phạm bản quyền, không vi phạm nguyên tắc cộng đồng hoặc không tăng số người đăng ký ảo".
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, yếu tố lượng người theo dõi gần như mang tính chất quyết định, các yếu tố khác như nội dung gần như không đáng kể.
Điển hình có thể nhắc đến kênh Khá BảnH. Dù nội dung cổ súy cho lối sống xã hội đen, các video tràn ngập cảnh các thanh niên xăm trổ, chửi bới, văng tục, đe dọa thanh trừng… nhưng chỉ cần có lượng người đăng ký theo dõi lên con số hàng triệu, Khá BảnH đã được trao tặng Nút Play Vàng.
Kênh Youtube của Khá BảnH trước khi bị gỡ
Những Nút Play được xem như là sự vinh danh của Youtube dành cho những đóng góp của kênh đó đối với cộng đồng, cũng như một sự ngầm hiểu rằng Youtube chứng nhận nội dung kênh video này hấp dẫn người xem và người làm nội dung chính của kênh đó là một người có ảnh hưởng.
Trong trường hợp Khá BảnH, Youtube đã vô tình phong danh hiệu ngôi sao cho một "giang hồ" trong làng sáng tạo nội dung video này.
Sẽ có thêm nhiều kênh "giang hồ" đạt nút bạc, vàng?
Qua những tiêu chuẩn nêu trên có thể thấy Youtube "phong" ngôi sao cho Khá BảnH hay các nhà sáng tạo nội dung khác chủ yếu dựa vào số lượng người đăng ký theo dõi.
Những điều kiện còn lại gần như nhà sáng tạo nội dung nào cũng có thể vượt qua dễ dàng bởi khi một video được cho đăng tức là gần như đã không vi phạm các điều kiện còn lại của Youtube (nếu có vi phạm và Youtube phát hiện sẽ bị xóa ngay sau đó).
Với hàng loạt kênh Youtube cổ súy cho lối sống giang hồ, hành xử kiểu xã hội đen như Khá BảnH đang thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng, cho thấy Youtube không cần quan tâm đến nội dung video đó là gì?
Video họ đưa lên có ảnh hưởng tiêu cực đến người xem, đến văn hóa truyền thống của đất nước đó hay không?
Phải chăng cái Youtube cần chỉ đơn giản là nội dung đó thu hút nhiều người xem - và cần dùng các thuật toán để giúp các nội dung đó tiếp cận ngày càng nhiều người hơn, hay còn gọi là tạo xu hướng (trend).
Càng nhiều người xem một nội dung nào đó (không cần biết giáo dục hay xã hội đen, chỉ cần không vi phạm nguyên tắc cộng đồng, không vi phạm bản quyền theo tiêu chuẩn cũng như cách hiểu mà Youtube đề ra) cũng đồng nghĩa với việc Youtube càng kiếm được nhiều tiền từ việc chèn quảng cáo vào các nội dung này.
Cũng chính vì vậy, những kênh như Khá BảnH càng được Youtube trọng dụng (và cả khen thưởng - Nút Play Vàng) vì góp phần không nhỏ vào doanh thu ngày càng khổng lồ của Youtube.
Đầu tháng 3 năm nay, Youtube ra mắt tính năng Creator on the rise để "tôn vinh những nhà sáng tạo nội dung "đang nổi" trong danh mục mới tại thẻ Thịnh Hành của Youtube Việt Nam".
Theo đó, mỗi tuần, một nhà sáng tạo nội dung mới sẽ được xuất hiện trong vòng 24 tiếng trên thẻ Thịnh Hành, với danh hiệu "Nhà Sáng Tạo Mới Nổi". Đây được xem là cách Youtube hỗ trợ cho các "startup" của mạng xã hội video này.
Điều kiện rất đơn giản, chỉ cần "kênh YouTube với hơn 1.000 người theo dõi sẽ có cơ hội được chọn". Thế nhưng, khi xem quy trình xét duyệt của Youtube, yếu tố nội dung tốt xấu đã bị Youtube bỏ qua.
Cụ thể, Youtube sẽ "xem xét dựa trên nhiều yếu tố, như thời gian xem, số lượt xem, tốc độ tăng trưởng của số người theo dõi trên kênh và sẽ được mở rộng ra nhiều ngôn ngữ khác trong tương lai. Đội ngũ YouTube cũng sẽ tích cực tham gia trong quá trình chọn lọc và tôn vinh những nhà sáng tạo nội dung xứng đáng".
Quy trình trên cho thấy số lượt xem và khả năng tăng trưởng số lượt xem là yếu tố được Youtube chú trọng nhất trong quyết định hỗ trợ "startup".
Và với xu hướng tìm kiếm các nội dung video giang hồ đang thịnh hành tại Việt Nam thời gian gần đây, hoàn toàn có thể nghĩ đến viễn cảnh loạt kênh cổ súy lối sống giang hồ mới sẽ "trăm hoa đua nở" khi được Youtube vinh danh và hỗ trợ phát triển - nếu không có sự can thiệp của cơ quan chức năng.
Bạn có cho rằng giang hồ mạng là một hiểm họa?
Xu hướng thích thể hiện mình là anh hùng trên mạng có đáng lo ngại?
Làm cách nào để người trẻ tăng sức đề kháng với những trào lưu xấu xí?
Cần sự góp sức của nhà trường, phụ huynh, thiết chế văn hóa, pháp luật không?
Mời bạn gửi ý kiến về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi đăng bài.
Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận