15/04/2019 12:34 GMT+7

Hệ lụy từ 'giang hồ mạng': Cần vun bồi nội lực ở trẻ

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - 'Bắt trẻ đồng xanh' của nhà văn Mỹ J.D. Salinger khi phát hành từng gây tranh cãi dữ dội tại Hoa Kỳ vì xuyên suốt quyển sách là vô số ngôn từ tục tĩu, hình ảnh bạo lực lẫn tình dục, thể hiện thế giới đầy rẫy sự nổi loạn ở giới trẻ...

Hệ lụy từ giang hồ mạng: Cần vun bồi nội lực ở trẻ - Ảnh 1.

Không thể ngăn chặn cái xấu tiếp cận với giới trẻ trên thế giới mạng bằng sự áp đặt, cấm đoán. Điều họ cần là sự lắng nghe và trau dồi tri thức, cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa những thông tin tích cực - Ảnh: Medium

Cần nhận thức rõ khoảng cách thế hệ

7 rings có ca từ đơn giản, thuần cổ xúy lối sống chuộng vật chất, dẫu vậy vẫn "nhẹ đô" hơn nhiều ca khúc nhuốm màu bạo lực, bi quan khác từng thống trị các bảng xếp hạng quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, ca khúc này của nữ ca sĩ Ariana Grande vẫn chễm chệ những vị trí đầu (sau 8 tuần đứng nhất liên tiếp) bảng xếp hạng Billboard (Mỹ).

Rất nhiều ca khúc, clip, bộ phim... ở phương Tây chắc chắn sẽ hứng trọn "gạch đá" khi lan tỏa đến một số nền văn hóa khác. Nói như vậy để thấy sự khác biệt về văn hóa vẫn luôn diễn ra cho dù xã hội hiện nay đã thoáng hơn rất nhiều.

Câu chuyện tương tự với khoảng cách thế hệ - điều theo trang Caringforkids sẽ khiến các bậc phụ huynh rất khó khăn để hiểu thấu cách con cái sử dụng mạng xã hội. Cũng theo trang chuyên chia sẻ nội dung về chăm sóc trẻ trên, các bậc phụ huynh cần phải nắm bắt rõ các công nghệ để có thể định hướng, theo sát con của mình trên mạng xã hội.

"Họ phải hiểu đặc tính của từng mạng xã hội hoặc các ứng dụng, thường xuyên trò chuyện với con cái một cách gần gũi, nhẹ nhàng về các nội dung chúng hứng thú trên mạng xã hội. Giúp chúng hiểu nội dung nào tích cực hay tiêu cực, và hệ quả của việc đăng hoặc xem những clip có nội dung nhạy cảm" - trang Caringforkids chia sẻ.

"Không khó để chúng tôi tìm ra các giải pháp gợi ý cho việc hạn chế trẻ xem clip bạo lực trên mạng xã hội, nhưng việc áp dụng lại chẳng dễ. Tại phương Tây, việc quản lý trẻ vị thành niên càng khó bội phần vì chúng ý thức rất rõ những quyền về sự riêng tư được quy định nghiêm ngặt bằng luật, ngoài ra các con vượt trội chúng tôi về mặt kỹ thuật. Và định nghĩa thế nào là bạo lực, là tiêu cực của hai thế hệ cũng rất khác nhau" - anh William (kỹ sư, bang Texas, Hoa Kỳ) chia sẻ. T

âm sự của anh William cũng là nỗi khổ tâm của một người mẹ tên Julia trên mục tư vấn công nghệ Ask Jack ở tờ Guardian (Anh) từng nhận về nhiều sự đồng cảm.

Hầu hết phụ huynh nước ngoài đều tin rằng tạo nội lực, nền tảng kiến thức vững chắc ở trẻ là giải pháp tốt nhất.

Hiểu đặc tính của từng mạng xã hội hoặc các ứng dụng, cha mẹ nước ngoài thường xuyên trò chuyện với con cái một cách gần gũi, nhẹ nhàng về các nội dung chúng hứng thú, giúp chúng hiểu nội dung nào tích cực hay tiêu cực.

Trang Caringforkids

Khi chúng ta dễ dãi với chính mình

Thạc sĩ giáo dục Trần Đắc Minh Trung (ĐH Harvard, Hoa Kỳ) chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Tôi vừa đến thăm nhà người bạn ở Bắc Âu, thấy cảnh cha mẹ dù đang bận nhưng vẫn kiên nhẫn giải thích mỗi khi con trẻ hỏi. Hai vợ chồng anh cũng thường đọc sách để tiêu khiển lẫn trau dồi tư duy phản biện.

Ở một số quốc gia có tiếng về sự yên bình thì đây là điều rất phổ biến. Trong khi ở Việt Nam, theo tôi biết thường "nước sông không phạm nước giếng", cha mẹ và con cái nếu có coi chung một chương trình gì đó thì thường tán gẫu vài điều vô thưởng vô phạt chứ ít có tranh luận, thật sự mở lòng lắng nghe".

Theo ThS Minh Trung, về khía cạnh tâm lý thì để học sâu một thứ gì đó mọi người cần có các "trigger" (tạm dịch: tác nhân), đây là các tình huống bất ngờ gây suy nghĩ trái chiều trong sách hay phim ảnh, trong toán thì đây là chỗ khó cần giải ra mà không chỉ dựa vào thuần công thức... điều sẽ sinh ra một sự mệt mỏi nhất định về mặt tâm lý khiến chúng ta cần nghỉ ngơi, hồi phục.

Trong khi đó, các clip bạo lực thuộc nhóm những nội dung dễ tiêu thụ, ít tốn tư duy nhất vì nó không cần có "trigger" nào cả mà mọi người vẫn hiểu. Đây là hệ quả của việc thời gian dài nhiều người chỉ thích tiếp thu những loại hình văn hóa dễ dãi, không cần phải động não suy nghĩ.

"Chẳng qua tính tiêu cực của loại hình này hiển thị rõ nhất nên chúng ta có khuynh hướng tập trung chỉ trích. Giải pháp "từ gốc" theo tôi vẫn là xã hội, chương trình học phổ thông cần có nhiều hơn nữa các nội dung có hàm lượng tri thức cao trong lĩnh vực khoa học thường thức, bên cạnh đó giúp giới trẻ tiếp xúc nhiều câu chuyện đẹp trong đời thường.

Cha mẹ phải san sẻ và có thói quen "tiêu thụ văn hóa" tốt để làm gương, sau đó tranh luận thuyết phục với con" - ThS Minh Trung nêu quan điểm. Ngoài ra, cũng theo ThS Minh Trung, việc giới trẻ bị "cuốn" vào xem các clip bạo lực có thể do sự đồng cảm đến từ bản năng chiến đấu, bức bối do stress và áp lực mà không được chia sẻ.

Quả vậy, khi trở về trường cũ và trò chuyện với một số học sinh tại Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), người viết nhận thấy hầu hết các bạn đều không biết và lên án các clip giang hồ mạng trên YouTube gần đây. Ngược lại, các bạn rất hứng thú với mục "Gương sáng quanh ta" hay các hoạt động nêu cao tinh thần tập thể trong trường. Cái tốt chưa bao giờ bị giới trẻ quay lưng.

Cuốn tiểu thuyết The Catcher in the Rye (tựa đề tiếng Việt: Bắt trẻ đồng xanh) của nhà văn Mỹ J.D. Salinger khi phát hành từng gây tranh cãi dữ dội tại Hoa Kỳ vì xuyên suốt quyển sách là vô số ngôn từ tục tĩu, hình ảnh bạo lực lẫn tình dục... thể hiện thế giới đầy rẫy sự nổi loạn ở giới trẻ.

Nhưng quyển sách sau đó đã xuất bản trên 72 triệu quyển trên toàn thế giới, thậm chí được đưa vào chương trình giảng dạy ở chương trình trung học tại nhiều quốc gia. Là bởi nhờ tác phẩm, nhiều người "vỡ" ra rằng trong bất kỳ đứa trẻ thoạt tưởng xấu xa nào cũng có cái thiện tiềm ẩn, và cái ác ở chúng có chăng là sự phản chiếu phần nào sự bàng quan, định kiến từ mọi điều xung quanh.

Sẽ còn có Khá Bảnh thứ hai, ba, thậm chí một trăm... xuất hiện. Chúng ta khó thể tiêu diệt hoàn toàn sự ra đời của những giá trị tiêu cực. Và trái tim con trẻ có đủ nội lực để hướng thiện, nhận thức rõ và bài trừ cái xấu hay không phần lớn là ở người lớn có chịu khó đồng hành, tạo cơ hội để "mầm tốt" nảy nở hay không...

Giải pháp về mặt kỹ thuật

Tại một số quốc gia, phụ huynh thường nhận sự hỗ trợ về việc bảo vệ con cái trên thế giới mạng thông qua các trang web, ứng dụng như: TeenSafe, NetNanny, My Mobile Watchdog, Qustodio, Mobile Guardian, Mobile Spy, PhoneSheriff...

Hệ lụy từ Hệ lụy từ 'giang hồ mạng': Cần lấp 'hố đen' trên mạng xã hội

TTO - Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hữu Long - trưởng khoa lý luận và khoa học cơ sở, phó giám đốc Phân viện miền Nam Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - cho biết sẽ rất nguy hiểm nếu giới trẻ không kiểm soát được những thứ mình xem trên mạng.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên